Người “gieo chữ” cho trẻ bất hạnh nơi cửa Phật

Gần chục năm ròng rã cùng những học sinh thiểu năng, khuyết tật, câm điếc, tự kỷ. Không có tiền thù lao, không phụ cấp, lại “ôm trọn” nỗi nhọc nhằn, vất vả mà ngay cả cha mẹ các em cũng phải ngần ngại, nhưng cô giáo vẫn miệt mài dạy dỗ, uốn nắn từng con chữ, nét bút cho các con...

Đó là cô giáo Lê Thị Hòa ở lớp học tình thương (chùa Hương Lan, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
 
Chúng tôi tìm đến chùa Hương Lan. Qua lối đi nhỏ trước sân chùa chừng khoảng 100m là lớp học tình thương khang trang, nằm tách riêng cạnh ngôi chùa. Đặt chân đến cửa lớp, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi gần 30 học sinh dù thiểu năng, khuyết tật, nhưng rất ngoan ngoãn, trật tự lắng nghe cô giảng đến thế. Cô Hòa trò chuyện cùng chúng tôi: “Gia đình tôi ngày xưa quá nghèo khó, bố mẹ tôi đều là trẻ mồ côi. Cái cảnh cha mẹ làm thuê, làm mướn nuôi con vất vả, nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc và sự thất học vẫn cứ ám ảnh trong tôi. Nghèo khó và thất học là vậy, nhưng bố mẹ tôi lại luôn động viên các con phải gắng học chữ cho nên người...”.
 
Và rồi những nỗ lực của bản thân với ước mơ được học và trở thành cô giáo dần trở thành hiện thực. Khi học xong phổ thông, cô Hòa tiếp tục vào học trường sư phạm và sau đó cô về công tác tại Trường Tiểu học Trường Yên (thuộc xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ). Năm 1996 - 1997, cô Hòa về làm Tổng phụ trách tại Trường Tiểu học xã Đông Sơn. Với tình thương và lòng trắc ẩn, cô Hòa đã tập hợp các học sinh phải nghỉ giữa chừng và những em khuyết tật đưa về dạy miễn phí tại nhà.
 
Người “gieo chữ” cho trẻ bất hạnh nơi cửa Phật

Và rồi, sĩ số lớp cứ ngày một tăng lên, các bậc cha mẹ có con em bị khuyết tật, câm, điếc, tự kỷ, thiểu năng đã biết đến cô Hòa và họ tìm đến cô ngày một đông. Dần dần, ngôi nhà nhỏ của cô không đủ chỗ cho các em ngồi. Một lần đến lễ chùa Hương Lan, cô ngỏ ý với sư thầy Thích Đàm Tiền (trụ trì chùa) cho mượn một phòng để làm nơi dạy dỗ các em. Được sự đồng ý của sư thầy, cô Hòa viết đơn xin ủy ban xã, nhà trường mở lớp học tình thương. Đến ngày 20/7/2007, lớp học tình thương được khai giảng tại ngôi chùa.
 
Nhắc lại ngày khai giảng của lớp học, gương mặt cô Hòa tỏ rõ sự phấn khởi: “Trước đó, tôi vận động được 3 cô tổng phụ trách từ các trường THCS và 7 cô giáo ở Trường Tiểu học Đông Sơn (có cô đã nghỉ hưu) cùng về dạy. Ai cũng rất nhiệt huyết. Ngày khai giảng, lớp có 45 em, trong đó có 7 em bị khuyết tật, còn lại là các em ngồi nhầm lớp và các em đã bỏ học vì không theo được chương trình ở trường”.
 
Một thời gian sau, với tấm lòng và sự bao dung của các cô như: Cô Thoa, cô Nhàn, cô Âu, cô Hạnh,... các học sinh ngày càng tiến bộ và số học sinh ngồi nhầm lớp đã trở về hòa nhập với nhà trường cũ. Lớp học chỉ còn lại là các em khuyết tật. Các em từ trong, ngoài xã trong huyện Chương Mỹ và có những em ở huyện Quốc Oai cũng được người thân đưa đến học đều đặn vào các ngày thứ  bảy, chủ nhật. Hiện nay, lớp đã trải qua 7 năm và tập hợp được 58 học sinh, từ 6 - 26 tuổi.
 
Cũng từ lớp học tình thương này, có những ước mơ đã trở thành hiện thực. Các em Nguyễn Thị Xuyên và Nguyễn Thị Miền, sau khi học biết đọc, biết viết đã được cô Hòa và sư thầy Thích Đàm Tiền xin cho làm may ở Thường Tín với mức lương gần 2 triệu đồng/tháng.
 
Theo Đạt Lê
Báo Lao Động