“Ngô Bảo Châu là người hùng mới của Việt Nam”

Ngay thời khắc thế giới xướng tên Ngô Bảo Châu tại Ấn Độ, giới trí thức trong nước cũng vỡ òa theo niềm vui của người đồng nghiệp trẻ. Sau một khoảng thời gian dài chờ đợi, bản lề mới của toán học Việt Nam đã được vinh danh trên trường quốc tế.

“Ngô Bảo Châu là người hùng mới của Việt Nam” - 1
Bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu trưa ngày 19/8/2010.
 
Ngô Bảo Châu là một anh hùng

Không giấu nổi niềm vui khi biết tin Châu được giải, Giáo sư Văn Như Cương đánh giá, thành công của Châu chính là niềm tự hào, một lời khẳng định mạnh mẽ cho trí tuệ của người Việt Nam.

“Thời đại nào cũng có anh hùng. Trong chiến tranh chúng ta đã có những anh hùng hy sinh vì Tổ quốc. Đến thời bình, chúng ta lại có những anh hùng mới như Ngô Bảo Châu. Tôi tin rằng, chỉ cần có ý chí và trí tuệ, người Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tới những đỉnh cao,” giáo sư Cương nói.

Giáo sư Văn Như Cương cũng nhận định, thành công của Ngô Bảo Châu cũng là thành công chung của cả nền toán học Việt Nam. Thực tế, đã có rất nhiều nhà toán học giỏi của chúng ta đang làm việc tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Nhiều nước trên thế giới tuy phát triển hơn Việt Nam nhưng cũng chưa đạt được bất kỳ giải “Nobel toán học” nào. Thành công của Châu một lần nữa khẳng định, Toán học Việt Nam đang có chỗ đứng nhất định trên thế giới. Tuy vẫn là một đất nước nhỏ bé, nhưng Toán học của chúng ta đã đứng thứ 50 và sẽ phấn đấu vươn lên tầm cao hơn nữa.

Cùng chung nhận định, Giáo sư Nguyễn Văn Mậu,  người trực tiếp phụ trách đội tuyển Toán học thi quốc tế thời Châu tham gia đánh giá: “Về học thuật và văn hóa thì việc Châu đạt giải là niềm tự hào lớn nhất của dân tộc. Đất nước chúng ta đã mong chờ có ngày này từ rất lâu rồi.”

Nhìn nhận toàn bộ quá trình Châu trưởng thành, ông Mậu tổng kết, thành công của Châu không phải tự nhiên mà có. Đó là một quá trình rèn luyện gian khổ. Anh Châu đã học hành có bài bản, lại được gửi tới những trung tâm lớn nhất thế giới, khi được nghiên cứu lại gặp được thầy giỏi. Cộng thêm tài năng, việc Châu được vinh danh là tất yếu.

“Hội tụ đủ những yếu tố này là rất hiếm, cả trăm năm mới có một lần, không thể coi đây là chuyện hiển nhiên được,” ông Mậu khẳng định.
 
“Ngô Bảo Châu là người hùng mới của Việt Nam” - 2
GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên trái) cùng các nhà Toán học quốc tế tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ ngày 19/8/2010.

Giới trí thức trẻ tin vào “động cơ” Ngô Bảo Châu

Trong khi những giáo sư đầu ngành toán học Việt Nam chào đón Ngô Bảo Châu như một anh hùng thì giới trí thức trẻ lại coi Châu như một “động cơ” lớn để họ tự tin bước ra trường quốc tế.

Trần Minh Tuấn, chuyên viên Viện toán học Việt Nam tự hào với biểu tượng trí tuệ mới của trí thức Việt Nam.

“Việc Ngô Bảo Châu được nhận giải Fields là một nút thắt, một điểm nối giữa nền toán học trong nước và phần còn lại của thế giới. Sự kiện này sẽ tạo tiền đề giúp đẩy mạnh hoạt động giao lưu và đào tạo giữa các nhà toán học Việt Nam và thế giới,” Tuấn khẳng định.

Tuấn tâm sự, sau sự kiện này, bản thân anh, một người hoạt động trong lĩnh vực Toán học, cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Trí tuệ Việt Nam rõ ràng không hề thua kém bất kỳ một nước nào trên thế giới. Đã đến lúc đội ngũ các nhà toán học Việt Nam có thể tự tin vượt qua “ao làng” để vươn ra biển lớn thế giới.

“Kỳ vọng lớn nhất của những nhà toán học trẻ như chúng tôi lúc này là sự kiện Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields sẽ là cú hích đẩy nhanh việc thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán học nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Toán học Việt Nam,” Tuấn nói.

Trong khi đó, em Nguyễn Đình Phúc Mười, học sinh chuyên Toán, Trường THPT chuyên Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại rất tự tin vào khả năng xuất hiện những Ngô Bảo Châu mới trong tương lai không xa.

Hồi hộp từ đêm qua tới giờ, đến khi Ngô Bảo Châu chính thức được trao giải Fields, niềm vui trong cậu học sinh chuyên Toán như vỡ òa.

Mười cho biết, suốt tuần vừa rồi em đã theo dõi mọi thông tin liên quan tới giáo sư Châu. Cả ngày hôm nay, em cũng trực trên mạng để xem trực tiếp lễ trao giải ở Ấn Độ.

“Mặc dù chưa được gặp giáo sư Châu nhưng chỉ riêng việc được học cùng trường với giáo sư đã khiến em thấy vô cùng tự hào,” Mười hồ hởi.

Mười cũng cho biết thêm, với sự kiện này, giới trẻ trong nước đứng trước thời cơ để phát triển, nhưng đồng thời cũng bị đặt trước những thách thức rất lớn.

“Tại sao lại không hy vọng, 10 năm nữa, thế giới lại thêm một lần xướng tên một Ngô Bảo Châu mới của Việt Nam,” Mười tự hào nói.

Theo Lưu Thành/Vietnam+