Nghèo khó, nữ sinh xóm vạn chài phải gác lại ước mơ giảng đường

(Dân trí) - “Cha mẹ nào mà chẳng thương con hả chú. Tại gia đình nghèo quá nên cháu nó đậu đại học nhưng có dám cho nó đi nhập học đâu…”. Đó là lời tâm sự trong nước mắt người mẹ có con đỗ đại học nhưng phải gác lại giấc mơ giảng đường vì quá nghèo.

Người phụ nữ nghèo ấy là chị Nguyễn Thị Tịnh - mẹ của nữ sinh Nguyễn Thị Thắm ở xóm vạn chài Tân Lam, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Bắt ốc, tôm, cá… kiếm tiền đi học

Hơn 20 năm nổi trôi theo con nước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tịnh và anh Nguyễn Văn Đương thuộc làng chài Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An có 5 con: Nguyễn Thị Thắm là con gái lớn, sau đó là con trai Nguyễn Đức Cường (học hết lớp 9, gia đình nghèo nên không đi học ở nhà với bố làm nghề chài lưới), Nguyễn Thị Ngọc (học lớp 7), Nguyễn Thị Trang (học lớp 1) và cháu Nguyễn Chung Phong (3 tuổi, chưa được đi học). Anh chị cùng 5 con trải qua cuộc sống trên chiếc nốc (chiếc thuyền nhỏ) đung đưa giữa dòng nước lên xuống. Để các con được đến trường, anh chị đã phải thức khuya dậy sớm, rồi các con lớn lên cũng theo cha mẹ làm nghề chài lưới trên sông.

Chiếc thuyền nhỏ của gia đình anh Đương. 
Chiếc thuyền nhỏ của gia đình anh Đương. 

Gia đình này không một mảnh đất, không một tấc ruộng, không một miếng vườn…, chỉ biết bám lấy cái nghề chài lưới trên sông Lam cho qua ngày đoạn bữa. Nghèo nhưng bù lại, các con của anh Đương, chị Tịnh lớn lên đều được bố mẹ cho đi học. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên cô con gái đầu Nguyễn Thị Thắm luôn học hành tốt. Suốt 12 năm học phổ thông, Thắm luôn là học sinh khá, giỏi.

“Ở làng chài này, các cháu ít được đi học lắm, vì nghèo và đói quá. Gia đình tôi cũng như thế, nhưng thương con quá, nó học giỏi nên phải gắng gượng để cháu được đến trường. Ngày cháu đi học, đêm về lại theo bố mẹ đi thả lưới kiếm ăn. Dẫu khó khăn, nhưng được cái cháu Thắm sáng dạ lắm chú à. Tôi còn nhớ hồi nó đang học lớp 8, gia đình lâm vào cảnh khốn cùng đành bắt cháu bỏ học nhưng nó cứ van xin, rồi cô giáo chủ nhiệm cũng phải lặn lội ra nốc xin để cháu được học, bắt nó bỏ tội lắm…”, chị Tịnh nhớ lại chặng đường học hành gian nan của con mình.

Hằng ngày Thắm và bố vẫn đều đặn cái nghề sông nước.
Hằng ngày, Thắm và bố vẫn đều đặn cái nghề sông nước.

Hằng ngày Thắm và bố vẫn đều đặn cái nghề sông nước.
Thắm không những giỏi nghề sông nước, mà còn là nữ sinh đầu tiên của dân vạn chài Tân Lam đỗ đại học.

Gia đình quá nghèo, thiếu thốn so với bạn bè song bù lại, hiểu hoàn cảnh nên Thắm cố gắng học và học rất tốt. Thi đỗ đại học, nữ sinh làng chài có thể bị gián đoạn ước mơ của mình bởi gia đình nghèo không có tiền để em nhập học.
 

Độc giả muốn chia sẻ cùng em Nguyễn Thị Thắm, xin liên hệ qua số điện thoại: 01658 992 347

Đành gác lại giấc mơ đại học

Tốt nghiệp lớp 12, Thắm làm hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Vinh, khoa Giáo dục Tiểu học. Ngày Thắm từ nốc bước lên bờ để đi thi cũng bị bố mẹ ngăn cản, không muốn em dự thi bởi sợ Thắm đỗ đại học thì cũng không có tiền để em nhập học. Vượt qua lo âu của bố mẹ, Thắm quyết chí lên đường thử sức mình xem có vượt qua kỳ thi này hay không. Và kết quả, Thắm thi đỗ với 16,5 điểm (Văn 6,5, Toán 6,25 và Tiếng Anh 3,5 điểm). 

Anh Đương nhớ lại: “Hôm nó xin đi thi, tôi bảo đừng đi nữa, gia đình ta nghèo lắm… dù con có thi đỗ thì cũng không đi học được đâu. Thế là nó lại trốn đi thi và đã thi đỗ vào khoa Giáo dục Tiểu học của Trường ĐH Vinh với 16,5 điểm đó chú. Ngày cháu Thắm nhận giấy báo nhập học mà vợ chồng tôi nghẹn đắng, mấy đêm liền không ngủ được. Bây giờ cho Thắm đi học thì tiền lấy đâu ra, chưa nói đến 2 đứa em nó đang đi học. Mà 4 năm đại học với gia đình tôi hiện nay có bán cả chiếc nốc (nơi trú ngụ của 7 con người) này cũng không đủ, thế tôi bảo con ở nhà vậy”, nói đoạn anh Đương cố giấu đi những giọt nước mắt thương con.

Chị Tịnh đã khóc suốt buổi khi tâm sự cùng PV Dân trí. 
Chị Tịnh đã khóc suốt buổi khi tâm sự cùng PV Dân trí. 

Theo lịch, Thắm sẽ nhập học ngày 5/9/2012 vào ngành Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Vinh. Nhưng do gia đình quá nghèo, không có tiền nên em đành phải ở nhà từ đó cho đến nay và có thể sẽ phải gác lại giấc mơ giảng đường.

Biết hoàn cảnh của Thắm không thể theo học, chiều ngày 25/9, thầy Dư Hồng Quang - phó hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 1, nơi Thắm học 3 năm THPT, đã liên lạc với PV Dân trí tại Nghệ An để mong được giúp đỡ. Gặp tôi, thầy bảo: “Ở ngôi trường Nam Đàn 1 này không có em nào khổ như em Thắm. Gia cảnh em thuộc vào khó khăn nhất ở cái vùng sông nước này. Nhưng bù lại, em ấy học tốt lắm, chịu khó và luôn đạt học sinh tiên tiến của trường. Trong ba năm học, biết hoàn cảnh em khó khăn nên nhà trường miễn phí nhiều khoản và ưu tiên nhiều chương trình học bổng cho Thắm không phải bỏ học".
 
Thầy Quang cho biết thêm: "Thắm là một học sinh nghèo, cảnh bần hàn đến độ mỗi khi đi học ở lại trường là em phải nhịn đói vì không có tiền để mua nổi cái bành mì. Những lúc như thế, Thắm lại được bạn bè thương giúp đỡ, và chính vợ tôi cũng đã mua cho Thắm cái cặp lồng, mua cơm để mỗi khi em ở lại học buổi chiều có cơm ăn. Với bạn bè trong lớp, Thắm luôn được lòng mọi người, thầy cô ai cũng quý, cũng thương vì biết hoàn cảnh của em ấy… Không phụ lòng mọi người, Thắm học giỏi, siêng năng, cần cù, chịu khó và đã thi đỗ đại học. Song giờ đây gia cảnh quá túng quẫn nên Thắm đang tạm gác lại ước mơ vào đại học rồi nhà báo ơi. Không biết khi em Thắm được lên báo Dân trí có xoay chuyển gì không? Tôi rất mong mọi người giúp cho em ấy được nhập học”.

Với Thắm, ước mơ lớn nhất là được vào đại học và sau này trở thành cô giáo.
Với Thắm, ước mơ lớn nhất là được vào đại học và sau này trở thành cô giáo.

Để ra được chỗ ở của gia đình Thắm, phải qua một cánh đồng rộng, vượt qua bãi bồi sông Lam lớn và di chuyển bằng con thuyền nhỏ khi đó mới có thể tiếp cận được nốc của gia đình Thắm. Vừa bước lên chiếc nốc nó cứ chòng chành như muốn lật nghiêng, vừa chật chội, vừa cũ kỹ…, tôi thầm nghĩ lỡ có trận mưa lớn, gió to thì chiếc nốc này khó lòng mà đứng vững. Quan sát trong con nốc, tài sản đáng giá nhất là chiếc nồi nấu cơm, cái ấm nước chè và những tay lưới đánh cá cũng ranh tướp.

Tâm sự về chặng đường học tập gian nan của Thắm, chị Tịnh không cầm được nước mắt. Chị bảo: “Khổ, khổ lắm chú à. Cháu Thắm đỗ đại học rồi mà không thể nhập học, đành phải ở nhà vậy thôi. Bố mẹ nào mà chẳng thương con hả chú. Thương lắm chứ, nhưng giờ trong gia đình không có một thứ gì đáng giá để bán kiếm tiền cho cháu nhập học. Hơn nữa 4 năm học thì làm sao chu cấp nổi. Gia đình không một tấc đất sản xuất, chỉ có cái nghề dập dềnh trên sông nước thôi, đôi khi cũng buồn lắm, nhưng chẳng biết làm sao cả…”.  Nói đoạn, chị Tịnh khóc, khóc vì quá nghèo không thể cho con ăn học, chị khóc cho Thắm sẽ bị lỡ giảng đường đại học.

Với Thắm, ước mơ lớn nhất là được vào đại học và sau này trở thành cô giáo.
Chiếc thuyền này là nơi trú ngụ của 7 con người trong gia đình Thắm.

Còn với Thắm, thì ước mơ làm cô giáo vẫn luôn cháy bỏng từ lâu: “Em muốn đi học lắm. Có học thì mới thoát được cảnh khổ này, nhưng hoàn cảnh như nhà em đây chẳng biết làm thế nào cả. Giờ mà em đi học thì sợ các em sau này không được đi học nên em cũng buồn. Ước mơ của em là được làm giáo viên...”.

Nguyễn Duy

Dòng sự kiện: Vượt khó đỗ ĐH