Nghề giáo khó và nguy hiểm vì giáo viên không hiểu và không yêu

(Dân trí) - “Một cô giáo bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Cô ấy coi đó là biện pháp để phạt vì học sinh nói chuyện riêng, ảnh hưởng đến các bạn... Có thể cô ấy có đủ kiến thức về chuyên môn, nhưng cô ấy thiếu nhiều quá...”.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đánh giá kết quả giáo dục - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ sau vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (Trường tiểu học An Đồng, Hải Phòng) phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng khiến dư luận phẫn nộ.

Tôi xin được điểm qua một số vụ việc xảy ra gần đây trong giáo dục về những xử sự sai sót của giáo viên:

Một cô giáo bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Cô ấy coi đó là biện pháp để phạt vì học sinh nói chuyện riêng, ảnh hưởng đến các bạn. Cô giáo ấy trẻ. Đây là năm học đầu tiên của cô ấy. Cô ấy học văn bằng 2, có thể cô ấy có đủ kiến thức về chuyên môn, nhưng có thể cô ấy thiếu nhiều quá.

Cô ấy thiếu kinh nghiệm xử lí tình huống sư phạm. Cô ấy thiếu kiên nhẫn với trẻ em. Cô ấy thiếu hiểu biết về những biện pháp “phạt” an toàn mà giúp trẻ nhận ra lỗi. Cô ấy thiếu những năm tháng giúp cô ấy được đào tạo bài bản, những khát khao dạy người.

Rồi một cô giáo không nói, không giảng bài cho học sinh nghe vì sợ bị ghi âm (như lời dọa của một học sinh cũ). Cô ấy có thể không thiếu tuổi đời nhưng cô ấy thiếu sự tự tin: Mình dạy cho học sinh những điều tốt vì sao phải sợ một lời đe dọa? Cô ấy cũng thiếu những giúp đỡ chân tình từ đồng nghiệp, cô ấy bị thiếu những giám sát, cảnh tỉnh kịp thời từ nhà trường. Cô ấy thiếu sự dũng cảm, thiếu niềm tin, thiếu cảm xúc yêu thương được nói, được giảng cho những học sinh khác.

Cô giáo quyền lực im lặng suốt 4 tháng (Ảnh: H. Nam)
"Cô giáo quyền lực" im lặng suốt 4 tháng (Ảnh: H. Nam)

Rồi một cô giáo đã quỳ khi bắt phạt học sinh quỳ. Cô ấy thiếu hiểu biết về hình phạt “quỳ”. Cô ấy thiếu sự tôn trọng học trò. Cô ấy thiếu cả sự bảo vệ bản thân, trước mình, trước người khác.

Một thầy giáo bị học sinh dùng dao bấm đâm sau khi thầy nhắc nhở, yêu cầu em này xóa hình xăm. May thay mới đây đã có tin thầy giáo qua cơn nguy kịch. Học sinh đâm thầy học lớp 12, là lớp trưởng mà thầy chủ nhiệm. Thầy giáo ấy đã thiếu hiểu biết về tâm lí học trò, về cách phê bình, cách nhận xét.

Nhưng tôi, một người làm nghiên cứu giáo dục, nhất là những gì tôi đã trải qua, kinh nghiệm với việc tiếp xúc, làm việc với hàng ngàn giáo viên, việc huấn luyện trực tiếp những giáo viên ở nhiều miền của đất nước, tôi mới thấy những thứ mà giáo viên thiếu, và yếu, mà rất lâu không được khắc phục. Đó là những kĩ năng mềm về giao tiếp với học sinh, với cha mẹ, với cộng đồng, kĩ năng quản lí và phát triển bản thân.

Chúng ta có biết trong giáo viên có những trường hợp mắc bệnh tâm lí dẫn đến những hành vi sai trái nhưng đã không được khắc phục kịp thời. Chúng ta cũng chưa kịp khắc phục những điều kiện khiến cho chất lượng lao động của giáo viên không thể được đảm bảo. Nào là số lượng học sinh đông, nào là thiếu thốn về cơ sở vật chất, nào là thiếu trợ lí tâm lí học đường… mặc dù trong các quy định của ngành giáo dục đã đề cập đến.

Những khắc phục trong đầu tư cho giáo dục, cho phát triển nhà trường ở mỗi địa phương đang quá chậm. Lớp học không đạt chuẩn, số lượng học sinh, gia đình và xã hội.


Bản kiểm điểm của cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau vì nói chuyện trong lớp.

Bản kiểm điểm của cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau vì nói chuyện trong lớp.

Một cô bạn đang nghiên cứu ở Úc nhắn hỏi tôi: “Chị ơi, ở mình sinh viên sư phạm có được học những chương trình kiểu như "building partnership with family" hay không"? Tôi nói, nếu nói có chút gì đó, thì có vì nó được nhắc đến trong lí thuyết môn Giáo dục học, môn Tâm lí lứa tuổi. Nhưng thực tình chẳng có môn đó, vì thiếu thốn những bài tập thực hành, những quá trình bền bỉ ở thực tiễn. Khi tôi vẫn mãi ngạc nhiên về vấn đề sinh viên sư phạm khi tuyển đầu vào nhiều em không có lý tưởng nghề nghiệp, không có kĩ năng mềm, ….

Giáo viên cứ nghĩ có được một công việc ổn định là được, họ đang “liều” mà không biết. Khi họ nhận một công việc, mà không am hiểu, không yêu, thì họ đã bắt đầu đặt mình vào tình trạng “nguy hiểm”. Khi họ đã ra trường, không ít người đã lâu không được bồi dưỡng về ứng xử giữa gia đình, học sinh, …

Trong khi đi thăm các nhà trường, làm việc với các giáo viên, chúng tôi thấy thiếu: Giáo viên ôm học sinh vào lòng mà sẻ chia niềm vui, nỗi buồn; Giáo viên cười vui, dám rơi nước mắt trước thất bại của mình, của học trò; Giáo viên thỏa thuận, bàn bạc với học sinh nội quy ứng xử, tự coi mình là thành viên của lớp, là người bạn của học sinh; Giáo viên hiểu nghề giáo KHÓ và NGUY HIỂM ra sao khi không HIỂU và YÊU.

Trong chương trình Thầy cô chúng ta đã thay đổi, chúng tôi gặp nhiều trường hợp GV đã thất bại, đã không hạnh phúc với nghề nghiệp chỉ vì họ chỉ cố để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, và nhận lại áp lực nghề nghiệp, trong khi cánh cửa để đánh thức việc học tập của tụi nhỏ chính là “trái tim”, sự gần gũi với đứa trẻ.

Chu Cẩm Thơ