Nghe bằng trái tim

(Dân trí) - Nguyễn Mạnh Cường năm nay tròn 17 tuổi, nhưng mới học đến lớp 5. Quãng đường để Cường tốt nghiệp lớp 5 đúng bằng quãng đường mà biết bao bạn bè cùng trang lứa chuẩn bị đến với ngưỡng cửa đại học.

Cường là học sinh của một ngôi trường đặc biệt - Trường Chuyên biệt Tương Lai (TP Đà Nẵng), trường dành cho những học sinh khiếm thính.

Bằng ngôn ngữ ký hiệu, qua phiên dịch của thầy hiệu phó, Cường nói rằng em đang bận rộn tập luyện để chuẩn bị đi thi đấu tại Hội thi Thể thao dành cho thanh thiếu niên khuyết tật toàn quốc diễn ra ở Quảng Trị vào đầu tháng 12 này, và hiện tại quá trình tập luyện của các em rất tốt.

Ngoài ra, chàng trai này còn có năng khiếu đặc biệt khác. Khoảng một năm trở lại đây, tên tuổi của Cường được bạn bè cùng cảnh ngộ trên mọi miền đất nước biết đến qua khả năng làm tranh cát của em, và qua một trang web dành riêng cho người khiếm thính mà Cường thành lập. Trang web này đã thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ Đà Nẵng và cả nước. Cũng chính vì vậy, Cường đã được bạn bè trìu mến đặt cho cái tên là “Hiệp sĩ thông tin”.

Nổi tiếng tại địa phương nhưng tên của Cường lại được nhắc đến nhiều nhất tại Tokyo (Nhật Bản). Đó là vì một bức tranh cát của em. Bức tranh này đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi tranh dành cho thiếu niên châu Á, do Quỹ Tài chính thống nhất Nhật Bản, Ngân hàng Tokyo và Công ty Mishubishi đồng tổ chức. Bức tranh đó đã được in thành bưu thiếp phát hành rộng rãi ở Nhật

Cường cho biết: Bức tranh cát đó em vẽ những cánh diều đang căng gió giữa một bầu trời xanh biếc, trên một bãi cỏ xanh mướt với những chú trâu hiền lành đang gặm cỏ. Và em cố gắng hết sức để thể hiện một suy nghĩ mà nếu bằng những ngôn ngữ ký hiệu trực quan khô khan, em không thể nói hết được.

Giao tiếp với những học sinh khiếm thính quả thật là vô cùng khó khăn, và đối với Cường cũng không ngoại lệ. Dùng cả bút và giấy để trò chuyện, rồi nhờ đến cả “phiên dịch viên” là thầy hiệu phó của trường để có thể biết điều mà Cường thấy hài lòng nhất về bức tranh của mình. Và bằng thứ ngôn ngữ ký hiệu, Cường đã cố gắng bày tỏ: “Điều làm cho em thấy hạnh phúc nhất chính là tấm thông điệp về hoà bình đó đã được nhiều người biết đến”.

Thầy Nguyễn Duy Tiên, phó hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai, cho biết: Ở trường có nhiều em rất có năng khiếu. Dường như nếu các em mất mát hay khiếm khuyết một cái gì đó thì sẽ được bù đắp bằng một cái khác. Trong trường, nhiều em vẽ rất đẹp, như em Võ Thị Thanh Hiếu đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh do báo Nhi Đồng và tổ chức Plan tổ chức, Trần Đình Dương đoạt giải 3 cuộc thi vẽ tranh toàn quốc với chủ đề “ước mơ của em”… Trong đó, Nguyễn Mạnh Cường là nổi bật hơn cả. Chỉ trong năm 2006, Cường đã đoạt 8 giải quốc gia và 2 giải thành phố, chưa kể một số giải quốc tế khác.

Khát khao khám phá và ước mơ vươn lên vượt lên số phận là ước mơ cháy bỏng của Cường. Cùng với một người bạn thân khác là Ngô Phú Lân, Cường đã mày mò tiếp cận với máy tính để thành lập một trang web riêng cho người khiếm thị, cho trường. Bước đầu tuy gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập giao diện, trình bày nội dung… nhưng với lòng quyết tâm của các em, cuối cùng trang web đã ra đời và ngay lập tức đón nhận sự quan tâm của bè bạn.

Trang web ngoài việc giới thiệu những hoạt động của trường, còn có nội dung giải đáp những thắc mắc liên quan đến trẻ em bị khiếm thính, những hoạt động của Câu lạc bộ thanh thiếu niên khiếm thính Đà Nẵng. Trang web dần trở thành một nơi kết nối cộng đồng những người khuyết tật, với số lượng vài chục người tham gia ban đầu, giờ đã lên đến hàng trăm.

Cô Trương Thị Ngọc Hà, giáo viên lớp 5, bày tỏ: Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là làm sao những em có năng khiếu như Cường, Hiếu, Lân… sau khi học xong, các em vẫn phát huy được những khả năng đặc biệt của mình. Chúng tôi tin rằng nếu được xã hội quan tâm hơn nữa, các em sẽ nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng và tìm thấy chỗ đứng của chính mình. 

Chia tay chúng tôi vẫn là nụ cười rất tươi của Cường. Chắc chắn trong em đang có rất nhiều hoài bão, những hoài bão mà bình thường khó có thể diễn tả được. Em không nghe được cuộc đời ngoài kia bằng những âm thanh sôi động, nhưng chúng tôi tin em vẫn đang nghe cuộc đời ngoài kia bằng tất cả trái tim, bằng khát vọng của tuổi.

Lê Tấn Quỳnh