Ngành quản trị Kinh doanh Quốc tế đào tạo gì?

(Dân trí) - Năm 2008, trường ĐH Kinh Tế-ĐH Quốc gia lần đầu tiên tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh trình độ quốc tế. Ngành học này đang được thí sinh đánh giá là một ngành học “hot” nhất hiện nay.

Trao đối với Dân trí vào sáng 4/4, TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó hiệu trưởng nhà trường đã đưa ra những thông tin và lời khuyên cho những thí sinh đăng ký vào ngành học này.

Mục tiêu đào tạo của ngành học?

Mục tiêu của chương trình này là, đào tạo nên những doanh nhân, những nhà quản lý có đầy đủ năng lực, trình độ để làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế, môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Những sinh viên tốt nghiệp sẽ có những phẩm chất cụ thể như: Có kiến thức chuyên sâu, hiện đại về Quản trị Kinh doanh, kiến thức xã hội tổng hợp, thành thạo tiếng Anh (TOEFL ≥ 550 điểm); có khả năng phân tích, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm và có tư duy lãnh đạo. Có khả năng làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở đâu?

Tháng 12/2007, Đề án Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh đạt trình độ quốc tế của Trường Đại học Kinh tế được Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt với sự tin tưởng rằng chương trình sẽ là cú hích, một sự đột phá về chất lượng đào ngành Quản trị Kinh doanh tại Việt Nam.

Sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc ở mọi nơi, đặc biệt sẽ được trường giới thiệu làm việc tại các tập đoàn kinh tế lớn là đối tác của nhà trường như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Nomura, Tập đoàn Gami…

Chương trình đào tạo như thế nào?

Chương trình đào tạo sẽ đạt trình độ quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh, chương trình đào tạo được xây dựng theo chương trình của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Chương trình được thiết kế cho 4 năm bao gồm các khối kiến thức như: khối kiến thức đại cương, khối kiến thức rộng, khối kiến thức cơ sở ngành và ngành.

Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ ra sao?

Sinh viên theo học ngành này phải có trình độ tiếng Anh đạt TOEFL pape (nội bộ hoặc quốc tế) từ 400 điểm trở lên, TOEFL IBT từ 30 điểm trở lên, TOEFL CBT từ 93 điểm trở lên, IELTS từ 3,5 điểm trở lên, TOEIC từ 350 điểm trở lên.

Phương thức tuyển sinh như thế nào?

Khóa đào tạo Quản trị Kinh doanh đạt đẳng cấp quốc tế sẽ được tuyển sinh theo 2 phương thức.

Theo đó tuyển thẳng những học sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự kỳ thi Olympic quốc tế về các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh.

Về thi tuyển, thì thí sinh phải đạt mức điểm tối thiểu cao hơn 3 điểm so với điểm sàn của Đại học Quốc gia Hà Nội, tuyển chọn theo thứ tự từ điểm cao xuống.

Trong đó nhà trường cũng ưu tiên xét tuyển những học sinh tốt nghiệp THPT năm tuyển sinh xếp loại khá trở lên, đoạt các giải: nhất, nhì, ba trong các kỳ thi chọn lọc học sinh giỏi quốc gia lớp 12 về các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh và có điểm thi đại học năm tuyển sinh đạt từ điểm sàn của ĐH Quốc gia Hà Nội trở lên.

Khi thí sinh ĐKDT vào ngành này cần lưu ý gì?

Như đã nói ở trên là khi học ngành này cần yêu cầu về ngoại ngữ rất khắt khe. Do đó khi đăng ký dự thi thí sinh cần phải có những chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu của trường, trong trường hợp chưa có các chứng chỉ ngoại ngữ thì cần cân nhắc xem trình độ Tiếng Anh của mình có đáp ứng được yêu cầu đó hay không.

Những thí sinh trúng tuyển vào ngành học này chưa có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ phải tham dự một kì thi kiểm tra ngoại ngữ. Sau khi thi có điểm đạt yêu cầu mới được nhập học. Nếu trình độ ngoại ngữ không đáp ứng được sẽ được bố trí vào học các ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn.

Tuy nhiên việc chuyển sang các ngành học khác sẽ tuân thủ theo nguyên tắc khắt khe. Trường ĐH Kinh tế sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục này.

Do đó trước khi đăng ký dự thi vào ngành Quản trị kinh doanh của trường thí sinh cần phải cân nhắc cho kỹ càng.

Học phí, học bổng khi theo học chương trình?

Về học phí, ngoài kinh phí do nhà nước hỗ trợ là 270 USD/tháng/sinh viên, sinh viên phải đóng thêm học phí là 46 USD/tháng/sinh viên.

Những sinh viên có kết quả học tập tốt có cơ hội được nhận các học bổng toàn phần, bán phần của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Trường ĐH kinh tế và học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ.

Những sinh viên có nhu cầu sẽ có cơ hội được vay tiền học phí từ các doanh nghiệp là đối tác của Trường. Mức học bổng của đề án cụ thể như sau: Loại A: 300USD/học kì; Loại B: 200USD/học kì; Loại C: 100USD/học kì.

Nguyễn Hùng