Nên xem xét lại cách giáo dục ở thành phố

Khá nhiều học sinh con nhà nghèo đỗ thủ khoa, á khoa. Vậy sao “giáo dục kiểu nhà giàu” ở thành phố không đạt được điều tốt đẹp đó. Phải chăng “Con tàu Giáo dục Thành phố” quá nặng nề, chất đầy sự phù phiếm, tiêu cực đã không thể lái nổi trên con đường nó cần đi...

Tôi hoàn toàn nhất trí với những điều thầy Bùi Minh Tuấn viết và đăng trên Dân Trí. Tôi là một người có đôi chút học thức, đã trưởng thành và đang có con nhỏ theo học ở trường THCS, tiểu học ở Hà Nội. Tôi thấy môi trường học ở Hà Nội, ở một góc độ nào đó, cần được xem xét lại. Nó thật sự gây ra những bức bối mà không dễ nói ra. Tôi biết, tất cả phụ huynh học sinh đều biết, nhưng vẫn phải chung sống, suốt ngày tất bật đưa đón, học đủ thứ hầm bà lằng mà kết quả không cao. Tôi có khoảng 4 năm đấu tranh với vợ, kiên quyết không cho cháu đi học thêm, quyết tâm ở nhà tự học, nhưng chỉ cần 2-3 lần con làm bài kiểm tra ở lớp phải đề bài lạ, các bạn học thêm toàn 9-10, con mình chỉ 5-6, thì tôi đành thua vợ. Thật sự không thể một  mình một đường trong một môi trường có quá nhiều tác động.

 

 Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Tôi cũng vẫn thường tự hỏi và trao đổi với vợ tôi (cũng là người có chút học thức) rằng tại sao những cá nhân nổi trội về thành tích học tập, lại rơi vào rất đông con nhà nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. (Cái này tôi đọc trên Dân Trí thời gian gần đây và tự thống kê). Chúng tôi thường hay đùa rằng, hay là gửi các con về cái huyện Ứng Hòa đó, cho vào ở nhà cái bác gì đó, nghèo đến nỗi không có cái ăn, thì các con mình có khi còn giỏi hơn. Ít nhất cũng được đạt 25-26 điểm khi thi vào đại học… Nghĩ ngợi, phân tích nhiều quá, nhiều lúc chúng tôi hoang mang, không biết nên làm thế nào. Tự mình quẫy đạp, thật sự chúng tôi không trông chờ gì vào hệ thống giáo dục chính thống.

 

Thật sự và rất cần thiết có một nghiên cứu kỹ về hiện tượng nhà nghèo mà học giỏi. Tôi không tin cá biệt các em đó “thông minh vốn sẵn tính trời”, mà chủ yếu là sự cần cù, lòng quyết tâm, tự mình vươn lên. Vậy sao giáo dục thành phố, giáo dục nhà giàu không hướng tới được điều đó. Phải chăng con tàu giáo dục quá nặng nề, chất đầy sự phù phiếm, tiêu cực đã không thể lái nổi trên con đường mà  nó cần đi.

 

Mức chi phí cho con tôi học rất lớn, có thể gấp 10-20 lần đầu tư cho một thủ khoa nhà nghèo nhưng chưa chắc đạt được mong muốn. Một sự lãng phí rất rất lớn và đáng buồn.

 

Xin được tâm sự đôi điều vậy thôi. Mong Dân Trí thông cảm và tiếp tục cho trao đổi về một vấn đề mà tôi nghĩ rằng rất nhiều người làm cha làm mẹ đang trăn trở.

 

Nguyễn Quang Vinh

(Phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội)

 

LTS Dân trí - Đã làm cha làm mẹ thì không ai không tâm huyết và đặt nhiều hy vọng vào con cái. Con em chúng ta có thành đạt hay không một phần quan trọng là do biết cách giáo dục đúng để cho con biết tự giác học tập và học tập đúng phương pháp; biết chọn hướng đi đúng trong cuộc đời vừa phù hợp với sở trường  bản thân vừa đúng với xu thế phát triển của xã hội.

 

Đương nhiên không thể thóat ly khỏi môi trường giáo dục ở thành phố còn nhiều điều nặng nề, tiêu cực. Nhưng vẫn có thể tạo cơ hội cho con chọn những trường tốt, lớp tốt và những thầy cô giáo đáng tin cậy.

 

Từ xưa ông cha ta đã có những lời dạy chí lý: “Sang sông thì phải lụy đò”; “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

 

Thật ra, không chỉ ở nông thôn mà nhiều gia đình vốn có nền nếp ở thành phố, nhất là những gia đình trí thức thường biết cách nuôi dạy con nên người dù trong hoàn cảnh nào hay xã hội nào.