Bình Định:

Nên học đại học hay học nghề?

(Dân trí) - Em đọc nhiều thông tin trên báo chí, rất sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thất nghiệp. Vậy em có nên thi đại học hay chọn một trường nghề để học cho phù hợp? Mong thầy cô giáo tư vấn giúp em!

Học sinh lo ra trường rồi thất nghiệp

Ngày 6/3, hơn 3.000 học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đến buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức tại Trường THPT Quốc học Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định). Tham gia chương trình còn có các chuyên gia tư vấn đến từ nhiều trường ĐH công lập lớn tại TP Hồ Chí Minh và đại diện các trường ĐH, CĐ địa phương.

Hơn 3.000 học sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định tha gia buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 tại Trường THPT Quốc học Quy Nhơn
Hơn 3.000 học sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định tha gia buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 tại Trường THPT Quốc học Quy Nhơn

Mở đầu phần tư vấn chung, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM đã thông tin chung về dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 để các em học sinh nắm rõ.

Tiếp sau phần tư vấn chung, rất nhiều câu hỏi được các bạn học sinh đặt ra cho các chuyên gia tư vấn. Trong đó, nhiều bạn học sinh còn băn khoăn về việc chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp với lực học cũng như hoàn cảnh gia đình; cách thức nộp hồ sơ, xét tuyển vào ĐH, CĐ cho thuận tiện và hiệu quả. Đặc biệt, nhiều bạn tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề chọn ngành nào để khi tốt nghiệp đại học ra trường không thất nghiệp…

Một bạn học sinh hỏi: “Em đọc nhiều thông tin trên báo chí, rất sinh viên tốt nghiệp đại học khi ra trường bị thất nghiệp. Vậy em có nên thi đại học hay chọn một trường nghề để học cho phù hợp?”

Trả lời băn khoăn, TS. Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐHQGTP.HCM tư vấn: Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới nên nhu cầu lao động việc làm rất cao, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao. Vì thế, việc các bạn ra trường có việc làm hay không không phải là đại học hay học nghề mà phụ thuộc vào năng lực của chính bản thân các bạn. Nếu bạn thực có thực lực thì tôi tin các bạn khi ra trường sẽ có việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo.

“Việc làm tốt chỉ dành cho những sinh viên có ý chí và luôn lỗ lực trong học tập, rèn luyện và biết nắm chắc cơ hội”, bà Mai động viên.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - cán bộ Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, lưu ý học sinh cần lựa chọn kỹ khi chọn ngành và chính sách ưu tiên
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - cán bộ Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, lưu ý học sinh cần lựa chọn kỹ khi chọn ngành và chính sách ưu tiên

Nhiều học sinh có chung câu hỏi: “Theo các thầy cô chúng em nên nộp hồ sơ đăng ký theo cách nào thuận tiện và hiệu quả nhất?”.

TS. Trần Thế Hoàng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: Năm nay, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện hoặc đăng ký online. Cả hai hình thức trên đều tạo thuận lợi cho thí sinh. Các thí sinh không phải đến trường nộp trực tiếp gây tốn kém chi phí đi lại. Các trường cũng không phân biệt đối xử với hình thức đăng ký nào. Đối với đường bưu điện, nhà trường căn cứ vào dấu bưu điện, hồ sơ nộp trong thời hạn xét tuyển đều hợp lệ.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - cán bộ Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT thông tin thêm: Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT phải bố trí máy tính, mở mạng cho các em đăng ký xét tuyển online.

HS cần lưu ý chọn ngành, chính sách ưu tiên

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - cán bộ Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết: Rút kinh nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 có một bất cập nhất là trong việc xét tuyển ĐH, CĐ, nhiều thí sinh thay đổi nguyện vọng đã nộp hồ sơ rồi lại rút, dẫn đến sự lộn xộn.

Năm 2016, sau khi làm việc với các Sở GD-ĐT ở địa phương, theo quy chế đang dự thảo của Bộ GĐ-ĐT thì đợt 1 mỗi học sinh được đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và đợt bổ sung được phép đăng ký 3 trường, mỗi trường 2 nguyện. Tuy nhiên, 2 đợt xét này các em không được thay đổi nên các em phải nghiên cứu kỹ khi chọn ngành học với từng nguyện vọng.

Học sinh đặt câu hỏi còn băn khoăn cho các chuyên gia tư vấn
Học sinh đặt câu hỏi còn băn khoăn cho các chuyên gia tư vấn

Ông Hùng lưu ý: Theo quy định, các em vẫn được xét 8 môn thi, tuy nhiên trong đó có 4 tổ hợp tối thiểu bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT. Vì thế, các em phải lựa chọn các môn học thế mạnh để dùng kết quả đó xét tốt nghiệp THPT cũng như xét vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, trước kỳ thi việc đầu tiên các em phải tập trung vào việc học tập thì mới có kết quả tốt.

Một vấn đề cuối cùng mà ông Hùng lưu tâm là chính sách ưu tiên. “Năm 2015 có rất nhiều đối tượng học sinh bị nhầm lẫn chính sách ưu tiên trong việc đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, khi sử dụng điểm ưu tiên lại không chính xác dẫn đến xảy ra một sự cố, nhầm lẫn. Vì vậy, năm nay nếu chưa rõ thì các em có thể hỏi trực tiếp về các cơ sở đào tạo hoặc về đường dây nóng của Bộ chúng tôi sẽ có hướng dẫn, giải thích cụ thể”, ông Hùng thông tin.

TS. Trần Thế Hoàng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tư vấn cho các học sinh về quy chế xét tuyển
TS. Trần Thế Hoàng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tư vấn cho các học sinh về quy chế xét tuyển
Đại diện đơn vị chủ nhà Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) cũng tham gia tư vấn tuyển sinh cho học sinh tỉnh nhà
Đại diện đơn vị chủ nhà Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) cũng tham gia tư vấn tuyển sinh cho học sinh tỉnh nhà

Doãn Công