Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam: Tụt hạng

(Dân trí) - Trong thời gian từ năm 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế ở Mỹ, tức mỗi năm trung bình có 2 bằng sáng chế. Có năm Việt Nam không có bằng sáng chế nào được đăng ký.

Tụt hạng cả 3 tiêu chí

GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc) cho biết, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đang tụt hạng. Sự tụt hạng xảy ra ở cả 3 tiêu chí chính: trí tuệ, kinh tế tri thức và đẳng cấp của ĐH.

Bảng xếp hạng của Tổ chức trí tuệ thế giới cho thấy Việt Nam đứng hạng 76/141 về khả năng sáng tạo các cách tân. Trong khi đó thứ hạng của Malaysia là 65, Thái Lan là 57 và Singapore là 3. GS Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, thứ hạng này khá nhất quán với số bằng sáng chế được đăng ký ở Mỹ.

Theo báo cáo của UNESCO, trong thời gian từ năm 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế ở Mỹ, tức làm mỗi năm trung bình chỉ có 2 bằng sáng chế. Có năm (năm 2002 và 2011) không có bằng sáng chế nào được đăng ký.

Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đang tụt hạng.
Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đang tụt hạng.

Các chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước trong vùng. Theo báo cáo của Tổ chức giáo dục Khoa học và Văn hóa của UNESCO năm 2011, Việt Nam đứng hạng 106/145 về kinh tế tri thức. So với năm 1995, thứ hạng này tăng 14 bậc. Song so với các nước tương đương trong vùng, kinh tế tri thức của Việt Nam thấp nhất, thậm chí còn ở thứ hạng thấp hơn bán đảo Fiji (hạng 86).

Hệ thống GDĐH Việt Nam đang mở rộng rất nhanh chóng. Từ năm 2001 đến 2011, trung bình mỗi năm có 8 trường ĐH và 12 trường CĐ được thành lập, số lượng SV hàng năm tăng 9%, một con số rất "vượt mặt" các nước trong khu vực. Nhưng đến nay không một ĐH nào của Việt Nam nằm trong danh sách các ĐH hàng đầu thế giới. Theo kết quả phân tích và xếp hạng của nhóm Quacquarelli Symonds mới đây, châu Á có 65 trường nằm trong top 400. Trong đó Nhật Bản có 16 trường, Trung Quốc có 9 trường. Riêng khối ASEAN có 11 trường có trên trong top 400 này như Thái Lan 2 trường, Lalaysia 5, Singapore 3…

Với tốc độ hiện nay, ông Tuấn nhấn mạnh, chúng ta đã đi sau Thái Lan đến hơn nửa thế kỷ, chứ chưa dám so với các nước tiên tiến ngoài khu vực.

Nghiên cứu khoa học lu mờ

GS Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, cả 3 tiêu chí về kinh tế tri thức, số bằng sáng chế và xếp hạng ĐH, Việt Nam đang ở một vị thế thấp và bất lợi. Mẫu số chung cho sự tụt hậu này là do sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế còn quá lu mờ. Vì các chỉ số trí tuệ, kinh tế tri thức và đẳng cấp của ĐH được cấu thành từ nghiên cứu khoa học (NCKH).

Việt Nam hiện có khoảng 24.000 TS và trên 9.000 GS và PGS nhưng số công trình NCKH công bố lại nằm vào nhóm thấp nhất các nước Đông Nam Á. Đại đa số TS được đào tạo từ trong nước cũng không hay chưa bao giờ có các bài báo trên các tạp san khoa học quốc tế. 70% TS giữ chức vụ quản lý và không làm NCKH.

Trong thời gian từ 1970 đến 2011, Việt Nam công bố được 10.745 bài báo khoa học trên các tạp san khoa học quốc tế. Con số này chỉ bằng 22% của Thái Lan, 27% của Malaysia và 11% của Singapore. Tầm ảnh hưởng của các công trình NCKH của Việt Nam cũng thấp nhất trong các nước được đề cập trên.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng NCKH của Việt Nam quá “nhạt nhòa” ở trường quốc tế và trong vùng xuất phát từ nguyên nhân là các ĐH và trung tâm NCKH ở nước ta chưa có những quy định về chuẩn mực NCKH phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Hệ thống đề bạt GS vẫn dựa trên các tiêu chuẩn “nội địa” mà chưa quan tâm đúng mức đến độ đóng góp vào khoa học có công trình đăng trên tạp san khoa học quốc tế.

GS Nguyễn Văn Tuấn thẳng thắn cho rằng, ngay cả những người làm khoa học thì số người “làm thật” cũng không nhiều. Nhà khoa học này cũng tỏ ra tiếc nuối khi chia sẻ: “Nước ta có nhiều công trình NCKH rất xứng đáng được chia sẻ với với cộng đồng khoa học thế giới nhưng tiếc là cho đến nay nhiều công trình vẫn loay quanh trong các báo cáo nghiệm thu, dẫn đến hệ quả thiệt thòi cho khoa học nước nhà".

Hoài Nam