TPHCM:

Năm trường tư thục có tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp 100%

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tại TPHCM có năm trường THPT dân lập, tư thục đạt kết quả tối đa - 100% học sinh thi đỗ. Đó là các trường Nguyễn Khuyến, Thái Bình, Ngôi Sao, Thanh Bình, Quốc tế.

Dù đầu vào có thể không cao như những trường công lập nhưng bằng những cố gắng và cách thức đào tạo riêng, các trường đã trang bị cho học sinh (HS) kiến thức vững chắc trước khi vượt vũ môn.

Lập “chốt” ngay đầu vào

Cô Nguyễn Yên Chi - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: Sau khi tuyển, nhà trường mở lớp dạy hè để các em làm quen với môi trường học mới. Qua khóa học hè, HS nào cảm thấy không phù hợp với môi trường học tập ở trường có thể xin chuyển về trường khác. “Qua vòng này, chúng tôi đã có sự phân định trình độ nhất định các em. Và HS được tuyển vào thường có trình độ khá” - cô Chi nói.

Đối với Trường THPT Thái Bình thì trước đây, nhà trường không tuyển chọn HS đầu vào nhưng khoảng hai, ba năm trở lại đây đã giới hạn số lượng tuyển chọn. Giải thích điều này, cô Lê Thúy Hòa - Hiệu trưởng Trường Thái Bình cho biết: “Do nhu cầu của phụ huynh và HS quá cao nên nhà trường không đáp ứng được. Tổng số HS của trường bao gồm cấp II và III chỉ có khoảng 400 em. Quan điểm của trường là đào tạo theo từng cá nhân HS, thà ít mà chất lượng” - cô Hòa cho biết.

Gắt hơn một chút, khâu đầu vào của Trường THPT Ngôi Sao tuyển lựa khá chặt. “Yêu cầu lớn nhất là hạnh kiểm của các HS phải tốt vì nhà trường chúng tôi quan niệm rằng giáo dục HS phải đi từ đạo đức. Nhà trường cũng chú trọng đến điểm số tiếng Anh của các em khi vào học cấp III” - thầy Đỗ Đức Huyến, nguyên Hiệu trưởng Trường Ngôi Sao cho biết.

Phân loại để giúp những HS yếu

Để có mặt bằng kiến thức đồng đều, các trường dân lập hiện nay rất chú trọng vào việc phân định các bậc năng lực khác nhau để có những phương án bồi dưỡng cụ thể cho các em.

Cụ thể là khi các giáo viên quản nhiệm phát hiện có HS yếu trong lớp thì phải báo cáo với nhà trường. Sau đó, nhà trường, giáo viên quản nhiệm, giáo viên bộ môn và gia đình cùng trao đổi để đưa ra kế hoạch phụ đạo cho HS đó. Thầy Hoàng Minh Huy, Hiệu phó Trường THPT Thanh Bình cho biết: “Chương trình dạy phụ đạo cho các HS yếu của trường chia làm hai nhóm: HS tiếp thu chậm và HS mất căn bản và rất yếu. Với HS mất căn bản, trường sẽ có giáo viên phụ đạo riêng cho từng em, không thu thêm học phí”.

Cô Nguyễn Yên Chi cũng nói: “Nhà trường xếp HS theo trình độ để thầy cô dễ dàng có phương pháp giảng dạy phù hợp và các em cũng tiếp thu hiệu quả hơn”.

Thầy Lê Gia Phong, giáo viên quản nhiệm một lớp yếu nhất của khối 12 Trường Nguyễn Khuyến, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, đều có một lớp HS yếu. Nhà trường phải có kế họach phụ đạo riêng. Các em yếu môn nào chúng tôi phụ đạo môn đó. Có em yếu hai, ba môn thì phụ đạo từng môn và xong môn này sẽ tiếp tục các môn còn lại cho đến khi các em tiến bộ”.

Tư duy chủ động, thực hành nhiều

Thầy Đỗ Đức Huyến cho rằng: “Điều quan trọng nhất hiện nay là phải rèn luyện được cho HS tính chủ động, tự giác trong học tập. Điều này được xem như lực “kích hoạt” để các em luôn phấn đấu. Trường Ngôi Sao hiện nay khắc phục tối đa lối học công thức, thuộc lòng. HS không phải đối phó với việc dò bài đầu tiết như các trường khác. Thay vào đó, trường siết lại việc đánh giá năng lực HS từ khâu làm bài kiểm tra, chống quay cóp. Chính điều này khiến HS luôn tích cực học dù không dò bài đầu tiết”.

Hiện nay, Trường Ngôi Sao không dạy phụ đạo cho các HS mà để các em nâng cao ý thức tự giác học tập. “Nhà trường giúp các em có nhiều phương pháp học tập như cung cấp các địa chỉ học tập trên mạng. Cùng đó tăng cường các tiết thực hành để giúp HS tiếp xúc bằng trực quan sinh động giúp ghi nhớ tốt hơn và hiểu bài sâu hơn. Nếu một tiết dạy lý thuyết chúng tôi chỉ trả cho giáo viên 45 ngàn đồng thì một giờ thực hành chúng tôi trả gấp đôi cho giáo viên” - thầy Huyến cho biết.

Cô Lê Thúy Hòa cũng nhìn nhận: “Nhà trường đào tạo theo năng lực của HS. Phương pháp giảng dạy tối ưu là để các em phát huy tối đa năng lực của mình”. “Song song với chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT, các HS còn được học ngoại ngữ, các môn năng khiếu. Mục tiêu đào tạo của nhà trường không chỉ dừng lại ở chỗ tốt nghiệp THPT mà còn thi đỗ vào các trường đại học trong nước và đi du học” - cô Hòa cho biết.

Theo Pháp Luật TPHCM