1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Một tuần ở Hà Nội bay cả tấn thóc”

(Dân trí) - Lên Hà Nội mới mấy ngày, con chưa vào phòng thi mà số tiền bác Hậu mang theo đã cạn. Cầm số tiền còn lại trên tay, bác Hậu thở dài: “Kiểu này phải gọi điện về nhà bán thêm nửa tấn thóc nữa…”.

Sĩ tử đi thi thường phải có bố hoặc mẹ đi cùng, ít nhất cũng là người xách đồ đạc cho con, biết chỗ con ăn, con ở, con làm bài thế nào. Với nhiều gia đình ở quê, việc đưa con lên thành phố tham dự kỳ thi đại học cũng trở thành một gánh nặng mà họ phải chắt bóp, chuẩn bị tinh thần từ trước…

“Tui nuôi hai con lợn từ sau Tết, mới rồi bán được gần 3 triệu, trả tiền giống gần 1 triệu. Cầm 2 triệu đưa con đi thi, giờ tính mới thấy không thể đủ cho đến ngày về. Ở Hà Nội, cái gì cũng đắt” - chị Dung, quê ở Nghệ An, có con thi vào trường ĐH Kiến trúc cho biết.

Chị Dung thật sự “xanh mặt” vì những khoản chi với giá cắt cổ: “Ở nhà trọ chi mà lấy 60 nghìn một người mỗi ngày. Hai mẹ con ở 6 ngày mất 720 nghìn, bằng tiền chi tiêu một tháng cho cả gia đình ở quê. Rồi tiền ăn uống, tiền xe cộ đi lại... Tiền triệu rồi cũng sạch”.

Bác Hậu, quê ở Thái Bình có con trai thi vào trường ĐH Khoa học Tự nhiên lên Hà Nội hôm 30/6 cũng đang dở khóc dở cười với khoản tiền mang theo người. Bác nói: “Cũng biết là Hà Nội đắt đỏ hơn ở quê nhưng không hình dung nổi đến mức này. Lần đầu tiên trong đời dám “chơi sang”, bán hẳn nửa tấn lúa được hơn 2 triệu để hai cha con đi “du lịch” nhưng con chưa thi mà tiền đã sắp hết”.

Bác Hậu cho biết hai cha con bác tìm được phòng trọ ở trên đường Láng giá trọn gói 600 nghìn cho đợt thi, chưa kể phải trả cho “cò” 100 nghìn. Từ chỗ trọ đến điểm thi tính tiền xe ôm hai cha con bác cả đi lẫn về cũng phải mất gần 100 nghìn.

“Khiếp thật, mỗi suất cơm bụi phải 20 nghìn mới đủ lót dạ, bẳng tiền mua thức ăn một ngày cho cả gia đình. Giờ chỉ còn mấy trăm, chắc chắn phải gọi về nhà bán thêm lúa gửi tiền lên. Chưa đến một tuần ở Hà Nội mà chi tiêu bằng cả tấn thóc” - bác Hậu rùng mình - “Cách đây 5 năm tôi cũng đã đưa cô con gái đầu đi thi mà cả đợt chỉ hết 400 nghìn đồng. Còn bây giờ…”.

Cũng như chị Dung, bác Hậu những người bố, người mẹ ở các tỉnh đưa con đi thi đều bị “hụt hơi” trước những khoản mình phải chi. Giá cả từ nhà trọ, ăn uống đến chi phí đi lại đắt đỏ đã đành, với các sĩ tử lại thêm cảnh bị “chặt chém” nên cái gì họ cũng phải trả trên mức bình thường. Có nhiều nhà, phải bán thứ này thứ nọ mới có tiền đưa con đi thi, sau đó lại phải nai lưng ra làm việc “bù lỗ”. Có những người, kể cả khi thi cử, lúc quan trọng nhất nhưng vẫn phải tìm mọi cách để tiết kiệm…

Nguyễn Huy Hoàng, quê ở Ninh Bình thi vào trường ĐH Xây dựng dù chưa một lần đặt chân lên Hà Nội nhưng lần này vẫn phải một mình tự đi vì có người đi cùng sẽ thêm tốn kém. Với số tiền 1 triệu đồng bố mẹ đưa, khoản tiền lớn nhất từ nhỏ đến giờ cậu được cầm nhưng Hoàng vẫn phải tiết kiệm may ra mới đủ chi phí cho đợt thi.

Hoàng bộc bạch: “Hai hôm nay em dò đường rồi, em sẽ đi xe buýt đến chỗ thi thì chỉ mất 3.000 đồng, còn mà đi xe ôm mất mấy chục bạc”. Hoàng cho biết thêm cậu còn nộp hồ sơ thi khối B vào ĐH Nông nghiệp nhưng cậu sẽ phải bỏ cuộc vì sợ tốn tiền.

Con đi thi, điều đầu tiên bố mẹ mong muốn là con đỗ nhưng khi được “va chạm” với thị trường, giá cả ở Hà Nội nhiều vị phụ huynh đã thật sự lo lắng chuỗi ngày trước mắt.

Với giọng miền Trung nằng nặng của mình, chị Dung thật thà: “Nó mà đậu thì không biết rồi đây gia đình xoay xở răng đây. Nói mong con trượt thì có tội nhưng muốn con đậu cao đẳng học trong tỉnh thì may ra vợ chồng tui còn nuôi nổi. Còn hơn là đậu đại học mà không được đi học thì nó còn buồn hơn”.

Nỗi lo “con đỗ đại học” chắc chắn không phải chỉ riêng với chị Dung…

Hoài Nam