Mong manh cánh cửa vào ĐH của thí sinh huyện nghèo

(Dân trí) - Theo Quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT, thí sinh người dân tộc thiểu số ở 62 huyện nghèo được ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, cơ hội vào đại học với nhiều thí sinh huyện nghèo này hiện nay rất mong manh.

Quy chế tuyển sinh 2012, bổ sung quy định thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
 
Học sinh Trường THCS bán trú cụm xã Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). (Ảnh: Công Bính)
Học sinh Trường THCS bán trú cụm xã Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). (Ảnh: Công Bính)

Trường từ chối

Tại tỉnh Thanh Hóa, năm nay thí sinh ở 7 huyện là Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát và Quan Sơn được hưởng ưu tiên quy định mới trên.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Phó phòng giáo dục Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Sở đã chuyển hơn 1.000 bộ hồ sơ của các em được hưởng chính sách này tới hơn 100 trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, đến nay đã có 2 trường hồi âm không nhận là trường CĐ Y tế Thái Nguyên và trường ĐH Kinh tế - ĐH QGHN. Trường trả lời vậy thì chúng tôi đành chịu”.

Nhiều trường đại học không từ chối thẳng thừng như 2 trường đại học trên nhưng đưa ra chỉ tiêu nhận rất ít và quy định quy định xét tuyển rất cao như ĐH Ngoại thương yêu cầu xếp loại học lực các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại Giỏi. Chỉ tiêu xét tuyển không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường năm 2012.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân tuyển mỗi huyện tuyển không quá một chỉ tiêu, thí sinh phải có lực học 3 năm THPT đạt Khá trở lên; trong đó 3 môn tương ứng với 3 môn thi tuyển sinh vào trường, mỗi môn phải đạt điểm 7 trở lên và hạnh kiểm tốt thì mới được tham gia xét tuyển. Trường không xét tuyển vào ngành Tài chính ngân hàng và ngành Kế toán.

Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm nay nhận được gần 400 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển của học sinh các huyện nghèo trong khi đó chỉ tiêu của trường năm nay xét tuyển là 150. Ông Đinh Văn Chỉnh - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường nhận đủ chỉ tiêu rồi đào tạo lại các em sau 1 năm học tại trường nếu các em nào đạt tiêu chuẩn thì xét tuyển vào trường. Chỉ tiêu này chúng tôi sẽ tính vào chỉ tiêu tuyển sinh sang năm”.

Còn tại ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam, hiện cũng đã nhận được 150 hồ sơ nhưng chỉ tiêu của trường chỉ có 40. Lãnh đạo nhà trường cho biết, để tạo điều kiện cho các thí sinh này, trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu để các em vào học nhưng sẽ không tăng nhiều.

Theo lãnh đạo nhiều Sở GD-ĐT, lực học của các thí sinh thuộc đối tượng huyện nghèo này đều trung bình và yếu. Số lượng thí sinh đạt học lực giỏi và khá rất ít.

Tỉnh lo

Tỉnh Lào Cai, năm nay học sinh 3 huyện được hưởng chính sách này là Si Ma Cai, Mường Khương và Bắc Hà. Năm nay, 3 huyện này có 930 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ, trong đó các trường khối Sư phạm hơn 100 bộ, trường Nông nghiệp gần 100 bộ.

Ông Bùi Xuân Tiệp - trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết: “Nhiều trường đại học không tiếp nhận thí sinh đối tượng này cũng phải bởi quy định ra quá gấp, không có điều tra khảo sát nên hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách cho các em như thế nào, địa phương chi trả hay Nhà nước chi trả. Nếu thí sinh thuộc các huyện nghèo này đỗ hết đại học thì ra trường bố trí việc làm như thế nào. Hiện nay đối tượng cử tuyển (mỗi năm tỉnh có 35 chỉ tiêu) ra trường tỉnh chưa bố trí được việc làm vì địa phương cần lao động tay nghề nhiều hơn huống chi là tất cả các em này đỗ thì tỉnh sẽ bố trí thế nào”.

Với vấn đề trên, theo ông Tiệp, Sở GD-ĐT Lào Cai đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị có hướng dẫn cụ thể về vấn đề trên.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lạng, Phó phòng giáo dục Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho hay, có thể do quy định mới nên Bộ chưa có hướng dẫn cụ thể tới các trường, nên có trường thực hiện có trường không.

Tuy nhiên, ông Lạng cho rằng: “Đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh huyện nghèo là rất quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu. Cơ quan quản lý cần tính tới chuyện bố trí việc làm khi ra trường của các em, đó cũng là vấn đề quan trọng vì hiện nay tỉnh bố trí việc làm cho các thí sinh thuộc diện cử tuyển cũng đang gặp nhiều khó khăn”.

Hồng Hạnh