“Mong đến giờ chào cờ để nghe kể chuyện”

Nhiều học sinh ở TPHCM trở nên hào hứng hẳn lên vì những điều khác lạ trong giờ chào cờ đầu tuần. Nhiều bạn bày tỏ, mong đến thứ hai để lại được nghe kể chuyện...

Buổi chào cờ ở THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TPHCM trở nên sôi động bất ngờ khi Hiệu trưởng Lê Xuân Dũng bắt đầu tiết mục kể chuyện “Cái kén bướm”.

 

Nội dung câu chuyện kể về một chàng trai nọ tìm thấy một cái kén bướm. Một hôm anh thấy cái kén hé một lỗ nhỏ, anh ngồi hàng giờ nhìn chú bướm nhỏ cố thoát mình khỏi cái lỗ nhỏ xíu. Nhưng mọi việc không tiến triển, vì thế, anh quyết định giúp chú bướm nhỏ. Anh lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm. Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén, nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm.

 
“Mong đến giờ chào cờ để nghe kể chuyện” - 1

Học sinh xúc động lắng nghe những câu chuyện đầu tuần do đích thân thầy Hiệu trưởng kể. (Ảnh: Nguyễn Thủy)

 

Thầy Hiệu trưởng hỏi: "Đố các em, chàng thanh niên này đã hiểu sai chỗ nào?". Và những tràng pháo tay của học sinh vang lên rào rào khi thầy giải thích: Cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài. Nếu ta quen sống lười nhác, không cố gắng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có”.

 

Ngọc Minh, học sinh lớp 11A1, tâm sự: "Tuần nào thầy cũng kể cho tụi mình nghe mấy câu chuyện rất gần gũi với học sinh. Tuần này tụi mình sẽ nhận được bài kiểm tra giữa kỳ. Câu chuyện "Cái kén bướm" của thầy khuyên phải biết phát huy tối đa khả năng tiềm ẩn của bản thân, cố gắng vươn lên trong học tập".

 

Còn Thế Linh, lớp 11A11, chia sẻ: "Ở những giờ chào cờ trước đây, tụi mình chỉ mong cho trôi nhanh. Còn bây giờ, không ít bạn mong đến thứ hai để được nghe thầy kể chuyện". Linh kể, mấy tuần trước, khi miền Trung có bão lũ, lúc toàn trường vận động học sinh gây quỹ ủng hộ, thầy Hiệu trưởng đã kể cho học sinh nghe câu chuyện về hai biển hồ nổi tiếng: biển Chết và Galilee.

 

Biển Chết, đúng như tên gọi của nó, bên cạnh hay xung quanh biển chết đều không tồn tại sự sống. Ai ai cũng ghét, không muốn sống gần đó. Biển thứ hai là Galilee, ngược lại, thu hút rất nhiều khách du lịch. Nước ở đây lúc nào cũng trong xanh, cây cối xanh tươi và con người sống quanh đó cũng rất nhiều. Cả hai biển hồ trên đều nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chạy vào biển Chết. Biển Chết nhận và giữ lại cho riêng mình, nên nước biển mặn chát. Còn biển hồ Galilee biết chia sẻ nguồn nước cho các sông, kênh, rạch.

 

"Qua câu chuyện này, nhiều học sinh bật khóc trước sân trường khi nghĩ về tình cảnh đồng bào miền Trung và học được bài học về sự chia sẻ", Linh nói.

 

Tiết chào cờ cũng có thể gần gũi

Không chỉ riêng THPT Nguyễn Thái Bình, nhiều trường khác tại TPHCM cũng tìm cách "đầu tư ý tưởng" mới để làm cho tiết chào cờ đầu tuần vẫn trang nghiêm mà sinh động, hấp dẫn học sinh hơn.

 

Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng THCS Bạch Đằng, quận 3, cho biết, ngoài những nghi thức kèn, trống, nhạc nền, các trường nên đưa các sinh hoạt chủ điểm theo tháng, gắn với thông tin thời sự hoặc gắn với tâm tư, tình cảm, việc học hành của các học sinh.

 

Tại THCS Bạch Đằng, chủ đề làm học sinh hào hứng ở tiết chào cờ đầu tuần là cuộc thi kiến thức chuyên môn. Học sinh các khối lớp được tham gia bốc thăm trả lời câu hỏi, tranh luận các vấn đề về chuyên môn, học tập.

 

Xuân Mai, Phó bí thư Đoàn TNCS HCM THPT Nguyễn Thái Bình, chia sẻ, hoạt động chào cờ sáng thứ Hai đầu tuần là để bắt đầu một ngày mới, một tuần mới. Do đó, nhà trường và Đoàn, Hội nên lồng ghép các giờ sinh hoạt chủ điểm gắn với những vấn đề gần gũi với học tập, giáo dục đạo đức cho học sinh.

 

"Cảm giác đứng trước lá cờ đỏ sao vàng, hát Quốc ca, Đội ca, Đoàn ca, nhắc nhở học sinh chúng ta không ngừng nỗ lực trong học tập, rèn luyện đạo đức. Chào cờ sáng thứ 2 là một tiết học không thể thiếu trong nhà trường", cô cán bộ Đoàn trường này nêu ý kiến.

 

Còn Mẫn Nghi, học sinh lớp 11A7 THPT Hùng Vương chia sẻ, chào cờ đầu tuần sẽ hay hơn, hấp dẫn hơn nếu bớt đi không khí căng thẳng, xử phạt trước cờ, đặc biệt là nêu tên những bạn học sinh vi phạm nội quy. "Việc xử phạt học sinh, nên để giáo viên chủ nhiệm nói riêng trong lớp hoặc nói với học sinh đó, dành giờ chào cờ đầu tuần cho những sinh hoạt bổ ích hơn: thi kể chuyện, sinh hoạt theo chủ đề, giao lưu…", Nghi nói.

 

Trưởng phòng Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, ông Lâm An bày tỏ: "Chào cờ đầu tuần là một hoạt động giáo dục ngoài giờ mang tính giáo dục cao". 

 

Ông Lâm An cũng cho biết, Sở GD- ĐT TPHCM đang kiểm tra, đánh giá và rà soát lại, đồng thời yêu cầu các trường phải chú ý và đầu tư tâm huyết nhiều hơn cho buổi chào cờ, xem đây là một tiết học nghiêm túc.

 

Theo Đất Việt