Mỗi tiết học là một giờ chơi

(Dân trí) - Một chương trình dạy và học thử nghiệm đang gây hứng thú lớn cho giáo viên và học sinh Hà Nội trong bối cảnh ngày càng có nhiều đòi hỏi hơn về đổi mới phương pháp giáo dục. Tiết học lớp 6E của trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội) là một ví dụ.

Mỗi tiết học là một giờ chơi  - 1
Một giờ học lý thú và bổ ích
 
Cô giáo trẻ Đỗ Minh Anh nhấn nhẹ phím enter của chiếc laptop, tức thì trên tấm bảng trắng xuất hiện cùng lúc hàng loạt các mũi tên ký hiệu con chuột trỏ.

Những con trỏ chuột đó ngay lập tức chạy loạn xạ trên bảng, trong khi những người điều khiển - các em học sinh lớp 6E của trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội nhìn lên một cách tinh nghịch. 

Tiết học toán nhan đề “Nhân hai số nguyên tố khác dấu” của cô và trò họ bắt đầu đầy hứng thú như vậy với những ánh mắt trẻ thơ đầy tò mò. 

Cả lớp chia làm 8 tổ, mỗi tỗ điều khiển 1 con chuột. Cô Minh Anh tiếp tục ấn phím enter. Trên bảng xuất hiện nhiều bài toán và lời giải khác nhau. Nhiệm vụ của các nhóm là dùng chuột lựa chọn đáp án đúng trên màn hình. Nhóm nào chọn nhanh hơn và đúng sẽ thắng. Kết quả được công bố ngay sau đó. 

Nhóm thắng cuộc vui vẻ reo hò đầy hồn nhiên. Các nhóm kém điểm hơn tụm đầu trao đổi nguyên nhân. Nhiều giọng ấm ức: “Thưa cô, nhóm em làm đúng, nhưng chuột bị đơ ạ”. Cứ như vậy, cả cô giáo và học sinh trải qua tiết học toán đầy hào hứng và sinh động. 

Cô Minh Anh cho biết, giờ học thú vị này là kết quả của một chương trình thí điểm ứng dụng công nghệ đa chuột MightyMice của Microsoft. Giáo viên sử dụng công nghệ này để thực hiện bài dạy, trong khi học sinh sử dụng con chuột của mình để tương tác với nhau qua bài học trên màn hình máy chiếu trước toàn lớp.  

Công nghệ đa chuột được hiểu là có nhiều chuột được sử dụng trong lớp cùng lúc cho các em học sinh, trong khi chỉ cần một chiếc máy tính cho giáo viên. Phương pháp giảng dạy này làm thay đổi hoàn toàn cách mà cô giáo từng dạy trước đây với phấn trắng và bảng đen.  

“Phương pháp này cho phép tôi giao tiếp cùng lúc với nhiều học sinh hơn, thay vì chỉ một học sinh như trước. Như vậy, tôi có thể kiểm tra kiến thức nhiều học sinh hơn trong một khoảng thời gian cố định ”, cô nói. 

Các em học sinh lớp 6E cho biết thêm là các em rất thích thú với các dạy này vì mỗi tiết học toán đều trở thành cuộc thi, mà kết quả được biết ngay lúc đó. 

Cô Minh Anh là một trong số 90 giáo viên đầu tiên ở Hà Nội tham gia khóa tập huấn để triển khai phương pháp dạy học mới cho học sinh. Công nghệ “đa chuột” cho phép tất cả các em học sinh tham gia trực tiếp vào quá trình điều khiển máy tính, tăng sự tiếp xúc của học sinh với máy tính cũng như sự tương tác giữa các học sinh, và với giáo viên.

Nó có thể hỗ trợ 40 học sinh cùng một lúc và ứng dụng với bất kỳ môn học nào, từ Toán, Lý, Lịch sử, hay Địa lý. Chỉ cần duy nhất một máy tính mà vẫn đáp ứng được yêu cầu học tập của nhiều học sinh cùng lúc. Công nghệ này đã được triển khai ở một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, và nay là Việt Nam. 

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ ủng hộ triển khai công nghệ này tại các trường vì tính tiện dụng, và chi phí rẻ của nó trong bối cảnh cảnh năm học 2008-2009 được chọn làm năm ứng dụng công nghệ thông tin và giảng dạy. 

Cho đến nay, đã có 22 trường phổ thông ở Hà Nội đã đưa chương trình này vào giảng dạy. Hi vọng rằng phương pháp giảng dạy này sẽ được phổ biến ra toàn quốc, nhằm mang lại lợi ích cho nhiều  học sinh và giáo viên hơn. 

Vũ Minh