Mất phiếu ĐKDT số 2 có được lấy giấy báo dự thi?

(Dân trí) - Nhiều thí sinh thắc mắc về việc đã làm mất phiếu ĐKDT số 2 thì làm thế nào để có thể lấy được giấy báo dự thi? Và khi muốn điều chỉnh những thông tin sai sót của hồ sơ ĐKDT thì phải làm như thế nào?

Để giải toả thắc mắc của các bạn thí sinh, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thành Duy, chuyên viên tuyển sinh của Vụ ĐH&SĐH - Bộ GD-ĐT.

 

Thưa ông, thí sinh khi làm mất tờ phiếu ĐKDT số 2 thì phải làm như thế nào để lấy được giấy báo dự thi ĐH, CĐ?

 

Theo lịch công tác tuyển sinh, thí sinh bắt đầu nhận giấy báo dự thi từ ngày 30/5 đến ngày 5/6. Chậm nhất là ngày 10/6 các em sẽ được nhận giấy báo dự thi.

 

Nếu các em làm mất tờ phiếu ĐKDT số 2 thì có thể mang những giấy tờ tuỳ thân dán ảnh hợp lệ xuất trình cho cán bộ trả giấy báo dự thi để nhận giấy báo của mình.

 

Giấy tờ hợp lệ có thể là chứng minh thư nhân dân, thẻ học sinh…

 

Nếu trong giấy báo dự thi có sự sai sót mà các em cần phải điều chỉnh thông tin trong hồ sơ ĐKDT vào ngày làm thủ tục dự thi, nhưng lại không có phiếu ĐKDT số 2 thì sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Sau khi nhận được giấy báo dự thi và phát hiện ra những sai sót trong hồ sơ ĐKDT, các em phải chỉnh sửa trong ngày làm thủ tục dự thi.

 

Nếu các em mất phiếu số 2 thì cần mang những giấy tờ cần thiết để xác nhận thông tin mình sửa, ví dụ như muốn sửa ngày tháng năm sinh thì phải mang giấy khai sinh, đối tượng ưu tiên thì phải mang giấy xác nhận của địa phương…

 

Tuy nhiên, đối với việc điều chỉnh nguyện vọng mã ngành học sẽ hơi phức tạp một chút. Do không còn phiếu số 2 của thí sinh nên bắt buộc các trường phải kiểm tra hồ sơ gốc để đối chứng nên rất mất thời gian.

 

Thông thường, khi điều chỉnh hồ sơ ĐKDT, cán bộ điều chỉnh phải xác nhận vào phiếu ĐKDT số 2, nhưng đối với những thí sinh làm mất phiếu số 2 thì sẽ được xác nhận như thế nào?

 

Sau khi điều chỉnh hồ sơ ĐKDT, nếu thí sinh không có phiếu ĐKDT số 2 thì cán bộ chỉnh sửa hồ sơ bắt buộc phải viết giấy xác nhận thông tin điều chỉnh cho thí sinh sau đó đóng dấu xác nhận.

 

Thí sinh có trách nhiệm giữ giấy này để sau này có thể đối chứng khi cần thiết.

 

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng
 (Thực hiện)

Dòng sự kiện: Tư vấn tuyển sinh 2007