“Mật mã” tiền trường đầu năm học

(Dân trí) - “BT: 25.000đ; NK: 6.000đ; TA: 13.200đ; XD: 40.000đ; HP: 60.000đ; TBBH: 100.000đ”. Đó là toàn bộ nội dung một biên lai thu tiền của Trường Mầm non Ngọc Hà, Hà Nội “phát” cho phụ huynh nhân dịp đầu năm học mới!

Đã thế, đằng sau biên lai còn ghi thêm một phép cộng đầy khó hiểu: BH: 30.000đ; PH: 50.000đ/ 80.000đ +  413.000đ = 493.000đ. 

 

Anh K.N, một trong những chủ nhân của chiếc biên lai đầy những ký hiệu tắt kể trên phàn nàn: “May mà gia cảnh nhà tôi không đến nỗi nào, chứ ngay ngày đầu năm học mới chỉ đưa một bé 4 tuổi đến lớp mầm non mà đã phải đóng tới số tiền gần 500 nghìn như thế, có phải nhà nào cũng đóng được ngay đâu. Mà nhà trường chỉ biết yêu cầu phụ huynh đóng tiền như những cái máy, không được phàn nàn, không được thắc mắc!

 

Hơn nữa, đóng những khoản gì khoản gì tôi có biết đâu, chỉ đươc giải thích đây là biên lai thu tiền theo đúng mẫu của Sở Tài chính, có ký hiệu, có số đàng hoàng, khuất tất ở đâu!?”

 

Nói về những ký hiệu “bí ẩn” của biên lai thu tiền thì biên lai của trường Tiểu học H. là một list danh mục cần phải đóng dài dằng dặc được liệt kê: XD: 40.000 đ; HTTH: 45.000 đ; BHYT: 50.000 đ; BHTT: 25.000 đ; PT: 40.000 đ; SHSĐ: 18.000 đ; BG, TV, QT, GDM, XDTN: 500.000 đ….Tổng số tiền phải nộp cho một học sinh lớp 1 trong ngày đầu tiên đến trường lên đến hơn 1 triệu đồng! 

 

Khi phụ huynh gạn hỏi về những “mã số” bí ẩn trên biên lai thì được giáo viên nhấm nhẳng giải thích rằng đó là các loại tiền xây dựng, tiền hỗ trợ tiểu học, tiền sinh hoạt sao đôi, tiền photo, tiền bảo hiểm y tế, tiền bảo hiểm thân thể, tiền mua bàn ghế gấp phục vụ cho việc ăn ngủ bấn trú trên lớp, tiền mua quạt trần, tiền mua ti vi, tiền mua giá để mũ, tiền đóng góp xây dựng tự nguyện…

 

Mặc dù, các Sở GD-ĐT đều có những văn bản khá chặt trong việc quy định các khoản thu tại nhà trường để hạn chế đến mức tối đa những thắc mắc của phụ huynh nhưng khi áp dụng văn bản vào thực tế cho thấy các khoản thu đã đượchợp thức hoá để biến tấu khôn lường.

 

Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT thành phố cho phép các trường được “du di” những khoản thu được coi là hợp lý khi phát sinh nhưng chưa có trong quy định của UBND TP Hà Nội như tiền ăn trưa, tiền bồi dưỡng cán trông trưa, tiền hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ cho bán trú, tiền mua quần áo đồng phục, tiền để bảo trì, bảo dưỡng máy tính… 

 

Nhưng trong những trường hợp này, nhà trường phải có văn bản thoả thuận tới từng phụ huynh về mức thu và nội dung chi, đảm bảo dân chủ, công khai, được sự nhất trí của hội phụ huynh các lớp. Với những khoản đóng góp tự nguyện tuyệt đối không được quy định mức đóng góp với từng học sinh… 

 

Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện quy định. Bên cạnh việc các khoản thu được các trường liệt kê ra biến thành dạng “mật khẩu” và được hợp thức hoá bằng các biên lai mang danh Sở Tài chính Hà Nội như đã kể trên thì việc đóng tiền, hầu như phụ huynh đều rơi vào trong tình trạng “đánh úp” và buộc phải… tự nguyện đóng tiền. 

 

Thậm chí đối với những trường hợp học sinh học trái tuyến, phụ huynh phải nộp thêm những khoản “tự nguyện”. Như tại trường Tiểu học K., mức tự nguyện được rỉ tai rằng: “dưới 1 triệu là không ổn đâu!” Anh Đ.V.B vất vả lắm mới “chạy” được cho con vào lớp 1 trái tuyến ở đây thở dài cho biết: “Thôi thì đành chiều theo nhà trường chứ biết làm sao vì đó là nơi nắm giữ tương lai của con mình. Phàn nàn thì cũng thế mà lại khiến các thầy cô giáo ác cảm!”

 

Nhóm PV Giáo dục