Mầm mống của bạo lực

(Dân trí) - Điều gì sẽ xảy ra khi con em chúng ta hàng ngày được chứng kiến những cảnh bạo lực trong phim ảnh, sách báo, trên mạng Internet và trong đời sống thực? Những hình ảnh, âm thanh bạo lực đó dần dần ngấm vào con trẻ để rồi một ngày nào đó nó bật ra thành những màn bạo lực…

Các em bé mầm non chơi đùa trong một căn phòng nhỏ có rất nhiều đồ chơi như búp bê, bếp lò, bóng... trong đó có con búp bê Bobo bằng nhựa được gắn một quả tạ ở bên dưới. Nếu bạn đấm vào mũi búp bê, nó sẽ nảy ngược trở lại để bạn tiếp tục đấm.

Sau đó các em được xem một đoạn phim ngắn có cảnh một cô gái trẻ cố ý đánh đập búp bê Bobo bằng một cái búa. Cô ta đánh đập búp bê Bobo và la lên “Sockeroo”. Cô ta đá búp bê Bobo, ngồi lên nó, đánh bằng búa, đồng thời la lối với nhiều câu nói mang nội dung thù địch.

Ngay sau khi xem phim, các em mầm non được đưa trở lại phòng đồ chơi. Một bé gái bước vào phòng, lật tung đám đồ chơi cho đến khi tìm được chiếc búa và đánh tới tấp vào búp bê Bobo. Cô bé cùng hàng chục em bé khác theo sau cùng thực hiện những hành vi bạo lực tương tự như trong phim. Các em xúm vào đánh đập búp bê Bobo rất hăng hái, vừa đánh vừa la hét câu “Sockeroo”. Thậm chí có cả những hành vi bạo lực mới như sử dụng súng lục đánh búp bê.

Lần khác, các em nhỏ được xem một đoạn phim mới. Trong phim này, cô gái trẻ đấm đá một anh hề sống thật. Sau khi xem phim, khi vào phòng chơi, các em bé xúm vào bắt chước y hệt trong phim, thi nhau đấm đá túi bụi anh hề sống.

Trên đây là một nghiên cứu của nhà nghiên cứu xã hội người Mỹ, Tiến sỹ Albert Bandura (sinh năm 1925). Người trong phim là một nữ sinh viên của ông đóng vai.

Từ nghiên cứu này của Tiến sỹ Albert Bandura cho thấy hiện tượng học bằng cách quan sát hay rập khuôn, tức là hành vi của con người có thể bị tác động mạnh chỉ từ quan sát những người khác.

Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi con em chúng ta hàng ngày được chứng kiến biết bao cảnh bạo lực trong phim ảnh, sách báo, trên mạng Internet và trong đời sống thực? Những hình ảnh, âm thanh bạo lực đó dần dần ngấm vào các em để rồi nó bật ra thành những màn bạo lực mà các em sẵn sàng tung ra khi thấy thích, nhất là ở lứa tuổi mới lớn rất hiếu động, dễ "ngứa ngáy chân tay". Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đã từng xảy ra rất nhiều vụ thanh thiếu niên đánh nhau, xô xát, đâm chém… chỉ vì nhìn người kia “thấy ghét”. Dường như là “bạo lực” đã “ngấm” ở trong những bạn trẻ này, chỉ cần có yếu tố nào đó “mồi” là các đòn đánh đấm được tung ra dễ dàng.

Thật nguy hiểm làm sao! Trong khi chờ xã hội có những biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bạo lực, mỗi gia đình cần chủ động tạo môi trường lành mạnh cho con mình càng sớm càng tốt!

“Dạy con từ thuở còn thơ...”, các cụ ta dạy rồi, vậy thì ngay từ trong mỗi gia đình, có thể bắt đầu từ việc chọn đồ chơi giáo dục cho con trẻ, nói không với đồ chơi, trò chơi có tính bạo lực như súng ống, hay phim siêu nhân, game bạo lực. Tiếp nữa là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những hình ảnh, âm thanh bạo lực đến từ phim ảnh, mạng Internet, sách báo… Đồng thời, ngay trong các gia đình phải luôn giữ gìn môi trường hòa thuận, thân ái, yêu thương nhau hàng ngày để nuôi dưỡng tình yêu thương trong con trẻ, tạo “miễn dịch” cho trẻ trước những màn bạo lực ngoài đời.

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con