Lý do đại học Úc phải chạy khỏi Singapore

(Dân trí) - Gần đây, việc trường đại học danh tiếng New South Wales (UNSW) của Úc đột ngột rút khỏi Singapore chỉ sau vài tháng hoạt động đã gây xôn xao dư luận ở Singapore và cả ở những nước có đông học sinh, sinh viên đang theo học tại đảo quốc Sư tử này, trong đó có Việt Nam.

Giáo sư Fred Hilmer, Hiệu phó UNSW, đã đáp chuyến bay rời Singapore trong cùng ngày ông tuyên bố đóng cửa cơ sở của UNSW tại đây, khiến tập thể giảng viên và sinh viên chưa tốt nghiệp rơi vào trạng thái hoang mang. Vậy đâu là nguyên nhân của sự ra đi đột ngột này?

 

Quá nhẫn tâm?

 

Phát biểu tại Sydney (Úc) hôm 30/5, Hiệu phó Fred Hilmer nói rằng đây là một trong những điều khó khăn nhất mà ông buộc phải làm kể từ khi nhậm chức. Trả lời tờ Sunday Times, ông cho biết UNSW phải rút khỏi Singapore vì lý do tài chính. Ngân sách của trường chỉ còn 200 triệu AUD - đơn vị tiền tệ của Úc, tương đương 255 triệu SGD - đơn vị tiền tệ của Singapore.

 

Chỉ tính riêng năm ngoái, UNSW Asia - tên gọi của UNSW tại Singapore - đã chi vượt quá số tiền 17,3 triệu SGD mà Ủy ban phát triển kinh tế Singapore (EDB) cấp cho.

 

Thêm vào đó, trường đã vay 156,8 triệu SGD và chi hết 21 triệu SGD trong số đó.

 

Liệu có quá mạo hiểm với một trường đại học ở Singapore nếu ngân sách dự trữ chỉ còn 255 triệu SGD? Có thể. Thậm chí 3 trường đại học trong nước của Singapore cũng có ngân sách lớn hơn nhiều, riêng Đại học Quốc gia Singapore (NUS) có trên 1 tỷ  SGD.

 

Tự đánh giá bản thân quá cao?

 

UNSW Asia đã đặt ra mục tiêu thu hút được 10.000 sinh viên vào năm 2015 và 15.000 vào năm 2020. Trả lời phỏng vấn của báo chí, Giáo sư Hilmer đã giải thích cụ thể hơn về lý do ông cho rằng UNSW Asia là một dự án kinh doanh không thể tiếp tục thực hiện.

 

Theo kế hoạch, UNSW Asia được xây dựng trong 3 giai đoạn, đến khoảng năm 2020 mới hoàn thành.

 

Trong giai đoạn 1, kéo dài 4-5 năm, ngân sách của trường - dựa trên số học viên đăng ký - dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 10-20%, nhưng thực tế ngân sách đã thâm hụt khoảng 50%.

 

Nếu số lượng học viên đăng ký theo học tại UNSW Asia tăng lên theo đúng kế hoạch, trong Giai đoạn 2, trường sẽ khả năng trang trải khoản nợ 156,8 triệu SGD. Và trong Giai đoạn 3, sau năm 2015, trường sẽ bắt đầu có lãi.

 

Vấn đề là ngay trong 2 học kỳ đầu tiên, số học viên đã quá thấp. Tháng 3 vừa qua, UNSW Asia hy vọng thu hút được 300 sinh viên, nhưng thực tế là chỉ có 148 học viên, mặc dù số đơn đăng ký lên đến 700.

 

Trường đã kỳ vọng sẽ có 500 sinh viên trong đợt tuyển sinh tháng 8 nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 250.

 

Giáo sư Hilmer nói: “Với tỷ lệ như hiện nay thì chúng tôi mãi sẽ vẫn chỉ ở Giai đoạn 1…Chúng tôi có thể phá sản vào năm 2010.

 

Theo tính toán của ông, UNSW Asia sẽ mất đi khoản thu 1 triệu AUD cho mỗi 20 học viên mà trường không thu hút được theo kế hoạch.

 

Một câu hỏi đặt ra là “Nếu như vậy thì liệu có phải là hơi chậm chễ khi tuyên bố ngừng hoạt động khi khóa học đã bắt đầu được 10 tuần?

 

Giáo sư Hilmer cho biết hồi tháng 3, ông vẫn đang thảo luận với EDB về hướng giải quyết khó khăn cho UNSW Asia. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái; khi đó, trường đã yêu cầu EDB hỗ trợ tài chính nhiều hơn, và có vẻ như đã được chấp nhận. Mọi thông tin về thỏa thuận tài chính giữa UNSW và EDB đều không được công khai. Có nguồn tin cho biết EDB đồng ý cho vay 80 triệu SGD và tài trợ một khoản gần gấp đôi nữa.

 

Ông Hilmer cho biết khi đó, ông không nhận thấy vấn đề có thể nảy sinh từ số lượng học viên. Chỉ đến tháng 1 năm nay, khi bắt đầu xem xét số đơn đăng ký và số học viên đủ tiêu chuẩn nhập học, ông mới nhận ra sai lầm nghiêm trọng trong khâu xác định thị trường.

 

UNSW Asia đã đánh giá bản thân quá cao, mức học phí dành cho mỗi học viên là khoảng 25.000 SGD/năm, cao gấp 4 lần học phí của 3 trường nổi tiếng của Singapore.

 

“Giá cả phải phù hợp với thị trường. Bạn không thể dùng giá Sydney cho Singapore, cũng như vậy, các trường đại học của Úc không thể thu học phí như mức ở Mỹ ở Sydney,” ông Hilmer nói. Do đó, các cuộc thảo luận giữa UNSW và EDB bắt đầu hướng đến giải pháp giảm quy mô dự án UNSW Asia; theo đó, mục tiêu sẽ giảm xuống mức khiêm tốn là 2.000 học viên vào năm 2012.

 

Chỉ một tuần trước khi quyết định đóng cửa UNSW được công bố, các quan chức của EDB đã bay sang Sydney trong nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế. Nhưng khi trở về Singapore, ngày 19/5, EDB đã chính thức thông báo quyết định của phía chính phủ Singapore về dự án UNSW Asia. Mọi việc đã rơi vào bế tắc. Ngày 23/5, trường chính thức tuyên bố rút khỏi Singapore.

 

Khi đó, một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao cả chính phủ Singapore và UNSW lại sai lầm đến thế vào năm 2004?

 

Quyết định vội vã?

 

Các phương tiện truyền thông của Úc cho rằng thất bại của dự án này là do quyết định vội vàng.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng David Gonski của UNSW khẳng định rằng dự án này đã được nghiên cứu trong ít nhất là 1 năm.

 

Nhận định về thất bại này, Giáo sư Simon Marginson của Đại học Melbourne cho rằng đó là do một kế hoạch kinh doanh tồi, dựa trên những dự đoán quá lạc quan về số lượng học viên. UNSW Asia đã không nghiên cứu kỹ thị trường. Với mức phí cao gấp 4 lần các trường trong nước, dù không cố ý, nhưng UNSW Asia đã tự biến mình thành sự lựa chọn thứ 2 cho sinh viên Singapore. Ông đồng ý với Giáo sư Hilmer rằng nếu trì hoãn việc đóng cửa UNSW Asia thì hậu quả và thiệt hại sẽ còn lớn hơn.

 

Lựa chọn sai đối tác?

 

Mãi đến bây giờ, một số cán bộ của UNSW mới vui mừng nhận ra rằng việc Giáo sư Hilmer quyết định nhanh chóng rút khỏi Singapore là giúp hạn chế thua lỗ.

 

Trên giấy tờ, ý tưởng thành lập cơ sở tại Singapore không có gì sai, nhưng UNSW không có đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi dự án này. Một giáo sư của UNSW đã ví von: “Hôn nhân là một ý tưởng hay, nhưng phía Singapore đã lựa chọn sai đối tác”.

 

Vậy tại sao vẫn bắt đầu một “cuộc hôn nhân” tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất bại?

 

Có thể là cả hai bên chỉ nhận ra sai lầm khi sự việc bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát. Bên cạnh việc thiếu nguồn kinh phí, dự án trên còn được ký kết vào giữa lúc UNSW đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nhân sự lãnh đạo.

 

Chỉ 2 tuần trước khi ký biên bản ghi nhớ với EDB, Hiệu phó Rory Hume của UNSW đã từ chức chỉ 21 tháng sau khi ký hợp đồng thời hạn 5 năm với trường, do mâu thuẫn nội bộ.

 

Giáo sư Mark Wainwright lập tức được bổ nhiệm vào vị trí hiệu phó thường trực vừa bị khuyết.

 

Việc xáo trộn nhân sự cấp cao này lẽ ra phải khiến phía Singapore đặt ra một số câu hỏi, nhưng EDB vẫn cho triển khai dự án.

 

Vào thời điểm đó, ngay cả các sinh viên của UNSW ở Sydney, trong đó có cả sinh viên người Singapore, cũng cho rằng dự án UNSW Asia có vấn đề ngay từ khi bắt đầu.

 

Cô Johanna Cheong, 23 tuổi, lãnh đạo Hiệp hội Sinh viên Singapore, nói: “Đã có lo lắng về việc UNSW sẽ hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh để thu hút thêm sinh viên nước ngoài”. Thêm một vấn đề nữa là tại sao sinh viên lại muốn lấy bằng của UNSW tại Singapore chứ không phải là sang Sydney trong khi học phí là như nhau.

 

Các sinh viên Úc còn lo rằng học xá của UNSW ở Sydney sẽ bị ảnh hưởng nếu nguồn lực tài chính bị san sẻ cho học xá ở châu Á. Và lo lắng đó không phải là không có cơ sở, chỉ trong 1 năm, trường đã chi 17 triệu AUD cho học xá ở Singapore. Họ cho rằng số tiền này lẽ ra đã có thể chuyển thành học bổng hay các khoản hỗ trợ nghiên cứu cho sinh viên ở Sydney.

 

Đặng Lê

Theo Straits Times