Lưu học sinh: Băn khoăn khi trở về nước

(Dân trí) - Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài, nhiều lưu học sinh Việt Nam có mong muốn được trở về phục vụ và cống hiến cho đất nước. Xong, phần lớn các bạn còn băn khoăn về chế độ đãi ngộ, cũng như cơ hội làm việc tại quê nhà.

Lưu học sinh: Băn khoăn khi trở về nước - 1
Mong muốn của hầu hết lưu học sinh Việt Nam là được trở về cống hiến cho đất nước. (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, ngày càng nhiều các lưu học sinh có mong muốn được trở về quê hương lập nghiệp. Trên các diễn đàn về du học, trong các buổi phỏng vấn, các chương trình giao lưu trực tuyến do TƯ đoàn TNCS HCM, Cục Đào tạo với nước ngoài tổ chức thì vấn đề “việc làm cho lưu học sinh sau khi về nước” luôn là điểm nóng.

Là một trong những sinh viên Việt Nam có thành tích học tập tốt, bạn Phạm Quang Anh (22 tuổi), sinh viên năm cuối khoa Tự động hóa, ĐH Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Mình chưa quyết định có về Việt Nam hay ở lại đây sau khi tốt nghiệp. Một số anh chị khóa trên (là bạn của mình) về nước không tìm được việc làm phù hợp (việc làm không đúng với chuyên ngành đã học, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, môi trường và điều kiện làm việc còn hạn chế,...), số khác được làm việc đúng chuyên ngành nhưng thu nhập không đáp ứng nhu cầu nên họ lại thi lấy học bổng ra nước ngoài học thạc sĩ, tiến sĩ”.

Không đâu bằng nhà mình, quê mình nhưng cũng có một số trở ngại cho các lưu học sinh khi quyết định trở về nước là họ sẽ làm gì, làm ở đâu. Nhiều lưu học sinh chia sẻ, chính việc không hiểu môi trường làm việc trong nước khiến họ e ngại và quyết tâm ở lại tìm kiếm việc làm ở nước sở tại. Đây cũng là tâm sự của bạn Nguyễn Khánh Bảo Thi, Trường ĐH Sư phạm Ecole Normal Supérieure, Pháp.

Còn bạn Nguyễn Minh Trang (21 tuổi), sinh viên năm cuối khoa Truyền thông, Trường ĐH Kỹ thuật Nanyang, Singapore (NTU) thì cho biết: “Dự định của tôi là sẽ tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ và công tác ở nước ngoài khoảng một vài năm để lấy kinh nghiệm trước khi về làm việc hẳn tại Việt Nam. Hơn nữa, những gì mình học được, tiếp thu được ở nước ngoài, nếu đem ra sử dụng ở đấy thì cũng chẳng đóng góp được gì nhiều cho đất nước họ, nhưng nếu đem sử dụng và đóng góp cho đất nước mình thì lại có ý nghĩa và quan trọng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, có một số trở ngại về vấn đề việc làm và đãi ngộ. Trong trường hợp may mắn thi được vào làm  ở các cơ quan Bộ, ngành của Nhà nước thì lương không đủ chi trả cho mức sống tối thiểu. Còn làm bên ngoài thì bấp bênh, và không có cơ hội thăng tiến”.

Băn khoăn của các bạn Quang Anh, Bảo Thy, Minh Trang cũng là nỗi lo của nhiều lưu học sinh khác. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT cho biết: “Lưu học sinh sẽ được tạo điều kiện tốt nhất khi có nhu cầu về làm việc trong nước. Đối với lưu học sinh trước khi đi học chưa có cơ quan công tác sẽ được giới thiệu về các trường đại học mà họ từng là sinh viên để ưu tiên cho các trường tuyển dụng làm giảng viên. Hoặc Cục sẽ giới thiệu cho các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng gửi đến Cục để giới thiệu lưu học sinh xin việc tại các cơ quan khối Nhà nước”.

Thiết nghĩ, đối với nguồn nhân lực chất lượng cao như các lưu học sinh nếu có chế độ đãi ngộ tốt chắc chắn sẽ thu hút họ quay trở về phục vụ cho đất nước.

Song An