Lò luyện thi bắt đầu “nóng”

Bước vào mùa tuyển sinh, các lò luyện thi ĐH trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu đông nghẹt sĩ tử. Dẫu thời tiết mùa này còn se lạnh nhưng tất cả các lò luyện đều “nóng”, tăng tốc cho kịp với mùa thi. Nhiều lò còn mở dịch vụ tổ chức thi thử và dịch vụ này xem ra khá đắt khách.

1 tiết học 3 triệu đồng

 

Sáng 11/3, có mặt tại Trung tâm luyện thi T.H (51A, Đại Cồ Việt), đã thấy hàng trăm học sinh nườm nượp kéo đến đăng ký học. Qua tìm hiểu được biết, đa phần các em đã và đang học ở đây, đến mua thẻ để học tiếp, chủ yếu là cựu học sinh (lớp 13).

 

Mỗi thẻ thường có giá 37.000 đồng, có giá trị 5 buổi học. Học trò có thể tùy ý lựa chọn từng môn để mua thẻ. Giá này được coi là khá “mềm” so với các trung tâm khác, bởi có nơi treo giá tới 10.000 đồng/1 tiết học.

 

Mạnh Hùng, một sĩ tử từng thi trượt ĐH đang ôn luyện tại Trung tâm luyện thi T.H, cho biết, cậu theo học tại trung tâm này vì nghe danh các thầy giỏi, uy tín được quảng cáo trên các băng rôn đỏ chót. “Các thầy đều là giảng viên ĐH đấy”, Hùng khoe. Hùng lưu ý thêm, nếu sĩ tử đăng ký sớm, đăng ký theo tháng thì thường có số báo danh chỗ ngồi. “Phải nhanh chân mới có số báo danh chỗ ngồi, chứ không thì đành ngồi ngoài, ngồi nhờ chen vào giữa các học sinh khác hoặc là mất chỗ luôn”.

 

Quả thật, trên tờ quảng cáo của trung tâm này có chú thích ở dưới “bán thẻ học có số báo danh chỗ ngồi...”. Tên các thầy luyện thi nổi bật giữa các băng rôn đỏ và trên các tờ quảng cáo. Lớp “đặc biệt” với thầy Võ - Nhất - Nguyên - Cẩn - Hiếu. Có thầy dạy trên truyền hình, dạy ĐH,…

 

Thấy tất cả các băng rôn quảng cáo của trung tâm đều có tên thầy Nhất (TS Lê Thống Nhất nổi tiếng về luyện thi môn Toán), tôi tò mò hỏi và được chủ trung tâm giải đáp: thầy Nhất dạy vào 18h tối thứ 3 và Chủ nhật hàng tuần. Nhưng Hùng quay ngay sang tôi nói nhỏ: “Không có thầy Nhất đâu chị ơi. Em học lớp đó mà đâu có thấy thầy”.

 

Khi được hỏi về sĩ số lớp, người phụ trách đăng ký cho biết, lớp “ít” nhất là lớp Hóa, với khoảng 300 sĩ tử; còn lớp Hình có hơn 400 em.

 

Nhẩm tính sơ sơ số tiền 1 tiết học mà trung tâm thu lại tới 3 triệu đồng. Trung bình một ngày các thầy chạy sô 3, 4 ca; có thầy dạy liền 2 ca cho một lớp.

 

Thầy cứ giảng, trò cứ “gật”

 

Dạo qua hai ngõ nhỏ cạnh ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, thấy các trung tâm luyện thi nhiều như nấm sau mưa. Riêng ngõ 366 Nguyễn Trãi (cạnh ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) dài hơn 100m, có khoảng 15 trung tâm treo bảng luyện thi, mà trung tâm nào cũng “chất lượng cao”, “giàu kinh nghiệm”.

 

Mạnh Hùng với 2 năm “kinh nghiệm” ôn thi tại lò luyện, cho biết: “Nhiều thầy bây giờ dạy bằng máy chiếu, vì thế phải hết sức tập trung mới tiếp thu được. Trong lớp em, nhiều bạn không nghe kịp đành chỉ biết ngồi ngáp hoặc ngủ gật”.

 

Quả thật, trong một lớp học mà con số học sinh lên tới 300 - 400 thì chuyện “thầy giảng cứ giảng, trò chép cứ chép” là điều đương nhiên, còn “vào” hay không thì không ai dám khẳng định.

 

Thu Huyền quê ở Hà Tây, ôn thi cạnh ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, nhận xét: “Em ôn từ trước Tết, thấy cũng hơi phí thời gian và tiền bạc. Lớp học vừa đông, vừa ồn ào, không tiếp thu được bao nhiêu. Em xin nghỉ tự ôn nhưng bố mẹ cứ muốn em phải học thêm ở thủ đô, cơ hội đỗ cao...”.

 

Cũng giống như Huyền, Ngọc Minh (Vĩnh Phúc) lên Hà Nội ôn chỉ để cho yên tâm: “Năm ngoái em cũng ôn ở đây rồi nhưng không đỗ. Muốn ôn ở quê lại không yên tâm, nhất là có thêm các môn thi trắc nghiệm. Với lại em sợ năm nay có thêm kiểu bài tập gì mới nên phải tiếp tục dùi mài kinh sử ở Hà Nội. Biết đâu “trúng tủ” như một số thí sinh năm trước ôn ở lò Sư phạm”.

 

Đề “ba chung” từ lâu, nhưng thi trường nào ôn tại trường đó vẫn đang là tâm lý chung của phần lớn thí sinh. Tuấn lặn lội từ Yên Bái ra Hà Nội cũng vì vậy: “Năm trước em chưa có kinh nghiệm thi cử nên không đậu. Năm nay, em ôn ngay tại trường, được học với các thầy giáo sẽ chấm thi sau này nên chắc chắn sẽ đỗ”.

 

Chị Hương mẹ của Tuấn phân trần: “Gia đình cũng chẳng khá giả gì nhưng con mình đã quyết tâm thì sao nỡ khước từ nguyện vọng chính đáng được học thêm như vậy”.

 

Theo Phương Nguyên

VTCNews