Liệu có "được mùa" khoe thành tích học kì của con?

(Dân trí) - Việc cha mẹ chạy đua điểm số, thành tích thì thời nào cũng có nhưng chưa khi nào sự cạnh tranh ấy lại dữ dội và khốc liệt như thời đại công nghệ chúng ta đang sống. Chỉ một tuần nữa thôi, khi cuộc họp phụ huynh kì 1 kết thúc, Facebook sẽ rầm rộ cảnh phụ huynh chưng ảnh giấy khen, phần thưởng của con...

Ngày cuối năm, tôi thở phào vì cậu con trai đã thi xong học kì 1. Buổi chiều đi học về, con chạy lại khoe mẹ "con làm hết bài mẹ ạ". Tôi bảo vậy là tốt rồi, mẹ sẽ thưởng cho con trai 1 gói bim bim nhé. Cậu bé có vẻ hơi lo lắng hỏi mẹ "nếu con không đạt điểm cao thì có làm sao không mẹ nhỉ". "Tất nhiên là mẹ cũng hơi buồn nhưng cũng không sao con ạ, học kì 2, mẹ con mình cố gắng tiếp". Cậu bé cười hồn nhiên và chạy đi chơi ngay cùng lũ bạn.

Thực ra việc học cùng con cũng không dễ dàng. Có những thời điểm, tôi rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng vì công việc bấp bênh. Về đến nhà, cả đống việc không tên đang đợi bàn tay mình dọn dẹp. Buổi tối không mấy khi tôi được thong thả ngồi xem ti vi mà phải ngồi học cùng con. Có những bài toán khó, giảng mãi con vẫn không hiểu, tôi không giữ nổi bình tĩnh và quát mắng con. Đầu óc ong ong bởi một câu hỏi: "Không biết mình phải vất vả đánh vật với con đến bao giờ?".

Liệu có "được mùa" khoe thành tích học kì của con? - 1

Có lẽ bất cứ bà mẹ yêu con nào cũng thấy mình quá tải khi cứ phải chăm chăm vào việc rèn giũa con cái. Rèn con cách nói năng, ăn uống, rèn con học, rèn con chơi. Phải làm gì để việc học cùng con không trở thành gánh nặng ? Tôi không đưa ra yêu cầu quá cao với con. Môn toán có nhiều bài tính nhẩm, con hay làm sai, làm nhầm vì không thạo cách cộng nhớ, thêm bớt. Có nhiều đề toán, con không đọc kĩ đầu bài và thường làm sai phần cuối. Không vội vã dạy con ngay, tôi thường dành thời gian nghiên cứu kĩ bài vở của con để hướng dẫn con làm đúng và dễ hiểu nhất. Khi cô giao đề cương ôn thi học kì 1, mẹ và con cùng học nước rút. Mẹ nói rõ là chỉ vài ngày nữa là thi rồi nên 2 ngày cuối tuần, con không được ra ngoài chơi nữa. Sáng con học 1 tiếng, chiều học 1 tiếng, mẹ giao bài cho con tự làm, bài nào sai 2 mẹ con cùng làm lại. Học xong, con được phép giải lao, ra ngoài chơi với các bạn. Buổi tối, con tiếp tục ôn luyện thêm 1 tiếng. Môn văn, mẹ kiểm tra lại những bài cô chấm, con kém phần tập làm văn, đánh dấu chấm phẩy còn sai, cách trình bày cẩu thả đều được mẹ hướng dẫn chi tiết. Tôi dạy con theo cách gợi mở, thỉnh thoảng mẹ đặt ra tình huống và con tự trả lời, cũng không hỏi nhiều vì con sẽ cáu nhặng lên, mặt xị ra khiến mẹ rất bực. Hôm nay nhắc con sai chỗ này, ngày mai nhắc lại con sẽ ghi nhớ và đỡ lặp lại cái sai đó trong bài toán, bài văn. Tôi bảo chỉ cần con cố gắng, chắc chắn con sẽ đạt điểm tốt.

Tôi chứng kiến cảnh nhiều bà mẹ gò ép con mình chỉ vì những lời nhận xét khách quan của cô giáo. Có chị bắt con ngồi viết đi viết lại chữ cái sao cho đúng nét, đúng li, bắt con ngồi đọc thuộc làu làu bảng cửu chương từ 8 giờ tối đến 11 giờ đêm. Việc bố mẹ ngồi kè kè bên cạnh, hò hét con khiến đứa trẻ sợ hãi, nếu con có cố thuộc bài thì cũng chỉ là ép uổng. Một bà mẹ trẻ, con mới học mẫu giáo lớn, cô giáo mầm non ngày nào cũng giao bài về để con học. Tôi rất ngạc nhiên khi cháu mới 5 tuổi đã viết cả trang chữ cái rõ ràng, ngay ngắn mà vẫn bị cô chê chữ chưa đúng li. Cháu buồn thiu, về đến nhà lại phải ngồi vào bàn học và cứ thút thít khóc khiến mẹ cháu nổi khùng, dọa xé sách vở. Một chị hàng xóm cạnh nhà tôi, con trai nhận điểm kém, cô phê tiếp thu chậm, chị bắt con ngồi viết 2 trang giấy với một nội dung đậm tính ăn thua "không học giỏi sau này đi làm bốc vác".

Việc cha mẹ chạy đua điểm số, thành tích thì thời nào cũng có nhưng chưa khi nào sự cạnh tranh ấy lại dữ dội và khốc liệt như thời đại công nghệ chúng ta đang sống. Chỉ một tuần nữa thôi, khi cuộc họp phụ huynh kì 1 kết thúc, Facebook sẽ rầm rộ cảnh phụ huynh chưng ảnh giấy khen, phần thưởng của con kèm theo đó là vô số tán thưởng, xuýt xoa của bạn bè. Tôi cũng là một tín đồ của thế giới mạng nên rất thấu hiểu tâm trạng của các phụ huynh "con hát mẹ khen hay" âu cũng là điều dễ hiểu. Con giỏi, bố mẹ có quyền tự hào, hãnh diện chứ. Chỉ khổ sở cho những vị con cái học hành kém cỏi, họ bức xúc khi mình không có gì khoe con, vậy là con cái lãnh đủ sự lườm nguýt, mắng mỏ của bố mẹ.

Nói thật là tôi chưa bao giờ đăng thành tích của con mình lên mạng, những lời khen ảo chưa bao giờ khiến tôi sung sướng. Con đường học hành của con còn dài rộng lắm, mình chỉ đồng hành với con như một người bạn thầm lặng và bền bỉ.

Mỹ Đức 

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!