Lên phương án hỗ trợ thí sinh ở xa, có hoàn cảnh khó khăn

(Dân trí) - Vấn đề được các Hội đồng thi khu vực miền núi Thanh Hóa đặc biệt quan tâm là tổ chức rà soát học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Nhiều điểm ăn, nghỉ quanh khu vực thi cũng cam kết không tăng giá, chặt chém trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Theo báo cáo của các Hội đồng thi khu vực miền núi, nơi tập trung các thí sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp, đến thời điểm này, tất cả các khâu đã hoàn tất sẵn sàng cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015.

Trường THPT Quan Hóa là điểm thi chung của huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).
Trường THPT Quan Hóa là điểm thi chung của huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Tại Trường THPT Quan Hóa, huyện Quan Hóa, theo thầy Nguyễn Văn Hồi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cả huyện chỉ có một điểm thi tại Trường với 3 đơn vị là: Trường THPT Quan Hóa, THCS và THPT dân tộc nội trú Quan Hóa, Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) với tổng số thí sinh 204 thí sinh dự thi xét tốt nghiệp.

Để tạo điều kiện cho các thí sinh và người nhà đến dự thi, Hội đồng thi đã liên hệ với Trường THCS thị trấn để có chỗ ăn, nghỉ đợi thi cho thí sinh ở xa. Có 80% thí sinh dự thi là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có những thí sinh phải đi xa 60km. Việc ôn tập đã được nhà trường thực hiện từ ngày 1/4 đến ngày 20/6 mới kết thúc. Đến thời điểm này, nhà trường đã tổ chức học quy chế thi và phát thẻ dự thi cho thí sinh, những sai sót về hồ sơ của học sinh cũng đã kịp thời được bổ sung, điều chỉnh hoàn tất; cơ sở vật chất đảm bảo.

Trường THPT Quan Hóa đã sẵn sàng tất cả cho kỳ thi diễn ra.
Trường THPT Quan Hóa đã sẵn sàng tất cả cho kỳ thi diễn ra.

Thầy Hồi cho biết, đây là kỳ thi chung lần đầu được tổ chức nên về tâm lý học sinh ban đầu cũng hoang mang, lo lắng, nhưng nhà trường đã tổ chức các buổi học quy chế, tư vấn giúp học sinh yên tâm. Trước thực trạng nhiều sinh viên ra trường chưa xin được việc làm, hơn nữa khu vực miền núi điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhà trường tổ chức tư vấn, định hướng cho các em hướng vào xét tốt nghiệp là chính.

Tại Trường THPT Bá Thước, huyện Bá Thước là điểm thi chung của 4 đơn vị như: Trường THPT Bá Thước, THPT Hà Văn Mao, THPT Bá Thước 3 và Trung tâm GDTX huyện với tổng số 548 thí sinh dự thi xét tốt nghiệp. Về phía đơn vị tổ chức đã chuẩn bị đầy đủ từ bàn ghế, phòng chức năng, phòng làm việc, điện, tường rào… Trường cũng đã liên hệ với một số nhà nghỉ và các hộ dân xung quanh cho những thí sinh ở xa có nhu cầu lưu trú; chỗ ăn nghỉ của cán bộ coi thi cũng đã được nhà trường bố trí đầy đủ.

Trường THPT Bá Thước cũng đã hoàn tất các khâu chuẩn bị.
Trường THPT Bá Thước cũng đã hoàn tất các khâu chuẩn bị.

“Trước kỳ thi diễn ra, Nhà trường đã tổ chức ôn tập, phân luồng, tách số học sinh có nguy cơ trật tốt nghiệp đẻ phụ đạo thêm. Nhà trường cũng đã chuẩn bị tâm lý cho cả phụ huynh và học sinh. Kỳ thi hoàn toàn mới, lúc đầu tâm lý phụ huynh, học sinh cũng hoang mang, nhưng nhà trường đã kịp thời tổ chức ôn tập, khảo sát, thi thử, kiểm tra chất lượng cho các em”, thầy Phạm Văn Nghĩa - Hiệu phó Trường THPT Bá Thước cho biết.

Trường THPT Cẩm Thủy 1, huyện Cẩm Thủy cũng là điểm thi số 06, thuộc Hội đồng thi do Sở GD-ĐT chủ trì, tổ chức để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh các trường: THPT Cẩm Thủy 1, THPT Cẩm Thủy 2, THPT Cẩm Thủy 3 và Trung tâm GDTX Cẩm Thủy với tổng số 511 thí sinh đăng ký dự thi.

Trường THPT Cẩm Thủy 1 là một trong những điểm thi có số thí sinh đông nhất tại các huyện miền núi.
Trường THPT Cẩm Thủy 1 là một trong những điểm thi có số thí sinh đông nhất tại các huyện miền núi.

Theo thầy hiệu trưởng Trần Đức Toàn, công tác chuẩn bị của đơn vị rất chu đáo, nhà trường đã kiểm tra đến cả nhà vệ sinh, giấy vệ sinh. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề lớn nhất đặt ra lo lắng cho nhà trường.

“Chúng tôi đã đề nghị với Ban chỉ đạo thi của huyện liên hệ với các nhà nghỉ, điểm ăn uống quanh khu vực thi không tăng giá, chặt chém. Nhà trường cũng đã cử cán bộ đi khảo sát, lấy số điện thoại để cung cấp cho phụ huynh và học sinh có nhu cầu. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn, nghỉ cũng đã cam kết không tăng giá”, thầy Toàn chia sẻ.

Phòng thi đã được dọn vệ sinh, sắp xếp bàn ghế đầy đủ.
Phòng thi đã được dọn vệ sinh, sắp xếp bàn ghế đầy đủ.

Một vấn đề khác cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm là cùng phối hợp với các đơn vị có thí sinh dự thi tại điểm thi số 6 là rà soát đối tượng thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để có giải pháp hỗ trợ các em. Về phía nhà trường có 3 khu phòng học chức năng, ngoài 1 khu dành để tổ chức thi, 2 khu còn lại nhà trường mở cửa để các em và người nhà có thể vào lưu trú.

Ngoài việc tổ chức các lực lượng chức năng bảo vệ trong khu vực thi, ban chỉ đạo thi còn bố trí các lực lượng công an xã và lực lượng khác bảo vệ vòng ngoài để tránh tình trạng phụ huynh tập trung đông người gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông…

Cơ sở vật chất điểm thi này được chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng nhu cầu cho số thí sinh dự thi đông.
Cơ sở vật chất điểm thi này được chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng nhu cầu cho số thí sinh dự thi đông. (Ảnh: Duy Tuyên)

“Quan điểm của chúng tôi là dứt khoát không để thí sinh vì khó khăn mà không thể tham dự thi. Lo lắng nhất đối với nhà trường là áp lực của học sinh khi bước vào kỳ thi, do tâm lý của các em khá nặng nề, lo lắng trước một kỳ thi mới”, thầy Toàn cho biết thêm.

Liên quan đến công tác tổ chuẩn bị cho kỳ thi, ngày 26/6, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn công tác đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình và chỉ đạo các đơn vị ở các huyện miền núi trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan để kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
 
Cụm thi 38: Quyết tâm không để thí sinh nào bỏ thi vì khó khăn
 
Mỗi điểm thi tại cụm 38 tổ chức tại Bạc Liêu có thí sinh Cà Mau dự thi, tỉnh Cà Mau sẽ điều động từ 1-3 cán bộ, giáo viên hỗ trợ ổn định nơi ăn, chỗ ở và di chuyển đến địa điểm thi.

Ngày 27/6, ông Trương Tấn Lời - Trưởng phòng Khảo thí & Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Cà Mau) cho biết, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để 100% thí sinh được dự thi kỳ thi THPT quốc gia, quyết tâm không để thí sinh nào bỏ thi vì hoàn cảnh khó khăn.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 281 thí sinh là con hộ nghèo, 42 thí sinh cận nghèo, 24 thí sinh có hoàn cảnh tương đối khó khăn. Đến thời điểm này, chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường đã đóng góp và vận động mạnh thường quân trên 200 triệu đồng để hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho các em.

Ông Lời thông tin, tại cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức tại Cà Mau có 2.042 thí sinh; có 314 cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác thi. Còn tại cụm thi 38 do tổ chức tại Bạc Liêu có 6.119 thí sinh Cà Mau đăng ký dự thi.

Tại mỗi điểm thi ở cụm thi 38, các trường học đã tổ chức đặt phòng, nơi ăn và phương tiện đưa rước các em đến điểm thi. “Ở mỗi điểm thi có thí sinh Cà Mau, tỉnh sẽ có từ 1-3 cán bộ, giáo viên hỗ trợ các em”, ông Lời nói.

Sơ đồ các điểm thi tại Bạc Liêu
Sơ đồ các điểm thi tại Bạc Liêu.

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, Ban chỉ đạo thi vừa có thông tin cho biết, qua khảo sát tại các địa điểm thi gồm TP Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, huyện Hòa Bình, huyện Giá Rai (cụm thi liên tỉnh) và huyện Phước Long, huyện Đông Hải (cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức) có 3 điểm trọ miễn phí cho thí sinh gồm: Khu nhà ở sinh viên (TP Bạc Liêu), khu Ký túc xá (ĐH Bạc Liêu, cơ sở 1) và Trường PT Dân tộc nội trú (huyện Hòa Bình).

Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú khác trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gồm: TP Bạc Liêu có 84 cơ sở, huyện Vĩnh Lợi có 25 cơ sở, huyện Hòa Bình có 10 cơ sở, huyện Giá Rai có 35 cơ sở, huyện Đông Hải có 23 cơ sở và huyện Phước Long có 8 cơ sở.  

Thí sinh có thể xem chi tiết các điểm lưu trú và các tuyến xe buýt tại đây (nguồn CTTĐTBL).

 

Nhóm PV