GS Nguyễn Thị Lê - Nhà ký sinh trùng học nổi tiếng Đông Nam Á:

Kỳ cuối: Lưu danh trong văn liệu sinh học thế giới

(Dân trí) - Khám phá 1 giống mới, 13 loài mới và 7 loài phụ mới cho khoa học, bản Luận án Tiến sĩ khoa học của Nguyễn Thị Lê là công trình đầu tiên hoàn chỉnh, có hệ thống và toàn diện về sán lá ở một nước nhiệt đới vùng Đông Nam Á.

Kỳ I: Tuổi 20 và những hoài bão khoa học

Nhà Ký sinh học nổi tiếng

Một lần đi qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, tôi chợt dừng bên cái tủ ảnh và tình cờ nhìn thấy tấm ảnh chụp một loài chim mới được phát hiện trên đất nước Phù Tang. Dưới tấm ảnh có ghi dòng chú thích: "Một sự kiện khoa học đáng chú ý".

Đánh giá như vậy có quá đáng không?

Chắc là không! Bởi vì, sau mấy trăm năm phát triển, sinh học đại cương ngày nay đã hoàn thiện đến mức: Phát hiện được một loài động vật hay thực vật mới là điều hết sức khó!

"Chim trời, cá nước, cây rừng", những thứ xưa kia không ai biết chắc thì đều đã được đặt tên Latin và mô tả tỉ mỉ, rồi xếp thành nhiều thứ bậc: ngành - lớp - bộ - họ - giống - loài - loài phụ. Giờ đây, phát hiện được một loài mới - hay thậm chí một loài phụ mới - được coi như "một sự kiện khoa học đáng chú ý". Và, theo bộ Luật quốc tế về Danh pháp động vật và thực vật, thì nhà sinh học nào lần đầu tiên phát hiện loài mới ấy - hay loài phụ mới ấy - được quyền lấy họ của mình đặt ngay sau "đứa con" do chính mình "đẻ ra" và hiến dâng cho khoa học.

Vậy cái khó là ở chỗ nào? Chính là ở chỗ: Phải biết rõ, nắm chắc tất cả các giống, loài đã từng được phát hiện, mô tả, đặt tên và công bố trong tất cả các sách chuyên khảo và tạp chí chuyên ngành của bất cứ nước nào trên thế giới, nghĩa là phải có tầm nhìn thế giới. Phải hiểu sâu, biết rộng, nắm chắc như vậy, thì mới có cơ sở đủ tin cậy để so sánh với mẫu vật mình vừa phát hiện, để rồi từ đó, mới dám khẳng định rằng nó có phải là giống mới, loài mới hay không. Nếu quả quyết một cách vội vàng, thì sớm muộn cũng sẽ bị cộng đồng khoa học thế giới bác bỏ một cách thẳng thừng! Trong khoa học, không thể có chuyện... "chín bỏ làm mười"!

Vì những lẽ trên, nhiều nhà sinh học đại cương có uy tín ở nước ngoài đánh giá cao bản Luận án Tiến sĩ khoa học của Nguyễn Thị Lê, coi đó là một đóng góp quan trọng cho khoa học, là công trình đầu tiên về sán lá hoàn chỉnh, có hệ thống và toàn diện ở một nước nhiệt đới vùng Đông Nam Á.

Trong bản Luận án, Nguyễn Thị Lê lần đầu tiên tìm thấy ở chim và thú Việt Nam 305 loài sán lá, trong đó có 106 loài mới đối với khu hệ sán lá Việt Nam, 91 loài tìm thấy ở vật chủ mới. Trên mẫu vật Việt Nam, chị đã phát hiện 1 giống mới (thuộc họ phụ mới), 17 loài mới và 3 loài phụ mới đối với khoa học.

Để có được mấy con số ngắn ngủi "khô khan" này, chị Lê đã phải lao động miệt mài, lặng lẽ trong một phần tư thế kỷ, từ khi còn là cô sinh viên 16 tuổi cho đến khi trở thành một tiến sĩ 26 tuổi, rồi tiến sĩ khoa học ở tuổi 41, "Một nhà Ký sinh trùng học nổi tiếng Đông Nam Á" (theo lời đánh giá của Viện Nghiên cứu Giun Sán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trước đây).

Những thuật ngữ sinh học đầy ý nghĩa

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lướt qua bản Luận án Tiến sĩ khoa học của chị Lê trong nguyên văn tiếng Nga (không có bản dịch tiếng Việt), và dừng lại ở những cái tên Latin. Đầu tiên là dòng Dictyonograptus babeensis Nguyen, 1978: Rattus fulvescens.

Chữ "Nguyen" (không dấu) ở đây chính là họ Nguyễn của chị Lê. Chị là người đầu tiên trên thế giới phát hiện và mô tả loài động vật ấy. Do đó, chị có quyền đặt tên cho loài mới này, và họ Nguyễn của chị mãi mãi đi liền với cái tên khoa học kia, mãi mãi "lưu danh" trong các tạp chí chuyên ngành, sách chuyên khảo và sách giáo khoa về sinh học đại cương ở bất cứ nước nào.

Nhưng trước chữ "Nguyen", tại sao lại có chữ "babeensis"? Câu chuyện hơi dài...

Trong chuyến đi điền dã đó, đoàn điều tra chim, thú và ký sinh trùng "hạ trại" bên hồ Ba Bể. Buổi tối, chị Lê mổ một con chuột rừng (tên khoa học là Rattus fulvescens) do chị bẫy được ở khu rừng xanh rậm rì dưới chân núi Pi-a Bi-oóc. Trong gan con chuột, chị trông thấy một chú sán lá hình thù hơi khác lạ. Ngâm vào cồn 80 độ, chị mang về Hà Nội, nhuộm, rồi lên tiêu bản, soi dưới kính hiển vi, để thấy rõ nội quan và đo kích thước. Chị biết ngay con vật bé tí ti kia thuộc giống Dictyonograptus. Giống này trên thế giới người ta chỉ mới tìm thấy 1 loài, và được mô tả lần đầu tiên ở Brazil, sau đó, chưa ai tìm thấy lại ở một nơi nào khác. Loài mà chị Lê vừa phát hiện chính là loài thứ 2 thuộc giống đó. Để ghi nhớ địa danh Ba Bể, nơi tìm thấy loài ấy, chị Lê đặt tên Latin cho nó là: Dictyonograptus babeensis Nguyen, 1978: Rattus fulvescens. Chữ babeensis chính là biến thể của địa danh Ba Bể. Phát hiện loài mới này từ năm 1968, nhưng phải chờ 10 năm sau, đến năm 1978, khi sang Maxcơva, làm cộng tác viên cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, có trong tay đầy đủ thông tin, chị mới dám khẳng định.

Chị Lê cũng là người đầu tiên trên thế giới tìm thấy loài thứ ba của giống nói trên ký sinh trên chuột cống, và chị đặt cho nó cái tên Latin: Dictyonograptus vietnamensis Nguyen, 1978: Rattus rattus. Chữ vietnamensis chính là biến thể của chữ Việt Nam.

Chị còn tìm thấy một loài mới ký sinh trên gà lôi ở Lạng Sơn, trong những năm người Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam, và đặt cho nó cái tên: Platynotrema langsonensis Nguyen, 1968: Lophura nycthemera. Chữ langsonensis là biến thể của chữ Lạng Sơn.

Tưởng nhớ GS Đặng Văn Ngữ, người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu ký sinh trùng từ năm 1937, chị lấy họ Đặng của ông đặt tên cho một loài mới ký sinh trên khỉ, do chị và GS Sudarikov người Nga phát hiện: Platynotrema dangy Nguyen et Sudarikov, 1977, Macaca rheus (dangy là biến thể của chữ Đặng).

Nếu đọc tiếp bảng tên Latin, ta sẽ còn nhiều lần bắt gặp những chữ Nguyen, vietnamensis, vietnamense... Tất cả các giống, loài, loài phụ mới do chị phát hiện đều được cộng đồng sinh học quốc tế kiểm tra kỹ càng, rồi mới chính thức công nhận.

Những nghiên cứu cơ bản của GS, TSKH Nguyễn Thị Lê là đóng góp có giá trị vào việc phòng và chữa bệnh cho người và cho gia súc, gia cầm ở nước ta cũng như ở nhiều nước nhiệt đới khác.

Chị là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học tại Liên Xô vào năm 1980, sau đó, được tặng Giải thưởng Kovalevskaya về khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

Qua nhiều khoá, chị được tập thể tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Ký sinh trùng học Việt Nam, một hội có nhiều hội viên trong các ngành sinh học, y học, thú y...

Chỉ yêu một lần trong đời”

Sáng 5-4-2006, gọi điện đến Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đề nghị được nói chuyện với GS Nguyễn Thị Lê, tôi mới biết chị xin nghỉ việc buổi sáng hôm ấy để đi viếng mộ chồng.

Chiều muộn, hẹn gặp chị tại nhà riêng ở khu đô thị mới Nam Thăng Long, tôi hỏi:

- Hôm nay là ngày giỗ anh Phan Phải, chị nhỉ?

- Không. Anh Phải qua đời hôm 1-9-1989, sau một cơn đột quỵ trong khi đang làm việc ở Bulgaria. Hôm nay không phải là ngày giỗ anh ấy, mà là tiết Thanh minh, anh Hàm Châu không nhớ sao?...

- Chết chửa! Tôi quên khuấy đi mất!...

"Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh". Vào ngày sóc, ngày vọng, ngày tiết, ngày chủ nhật, chị thường đi viếng mộ chồng là Tiến sĩ khoa học Phan Phải. Anh qua đời ở tuổi 50, khi đang dồi dào sức sáng tạo. Mối tình của anh chị thật đẹp, thật thủy chung lạ thường...

Anh chị đều là học sinh Liên khu V tập kết ra bắc. Anh quê ở Bình Định, chị ở Quảng Nam. Ra Hà Nội, hai người cùng học một trường, cùng đỗ cử nhân một khoá và, về sau, đều đỗ tiến sĩ, đều làm cộng tác viên cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Rồi hai người đều bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học sinh học. Anh làm Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp. Chị là Giáo sư công tác tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Tôi quen thân anh chị từ khi hai người còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh chị và tôi đều là học sinh kháng chiến; tôi học ở Liên khu IV, còn anh chị ở Liên khu V. Không may, anh Phải mất sớm do xuất huyết não...

- Trong đời, tôi chỉ yêu một lần. Không có hình ảnh một người đàn ông nào khác trong tâm hồn tôi. Chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau. Tôi nói ra điều đó, nhiều người không tin, nhưng sự thật đúng là như vậy. Anh Phải mất, tôi cảm thấy trống trải vô cùng! Tôi thường đến khu A nghĩa trang Văn Điển, ngồi yên bên mộ anh nhiều giờ liền...

Box: Nếu đọc tiếp bảng tên Latin, ta sẽ còn nhiều lần bắt gặp những chữ Nguyen, vietnamensis, vietnamense... Tất cả các giống, loài, loài phụ mới do chị phát hiện đều được cộng đồng sinh học quốc tế kiểm tra kỹ càng, rồi mới chính thức công nhận.

Hàm Châu