KTX Đại học Bách khoa Hà Nội gây khó dễ cho sinh viên?

Ký túc xá luôn thiếu phòng cho sinh viên, nhưng lại có chỗ cho cả hộ gia đình thuê. Sinh viên phải mua bảo hiểm y tế mới được quay lại thuê phòng KTX... Đó là những điều vô lý đang hiển hiện tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Năm học này đánh dấu sự khởi đầu bằng những tấm gương đầy nghị lực của các Thủ khoa nghèo về vật chất, nhưng giàu về nghị lực và trí tuệ. Những tấm gương ấy làm nhiều người cảm động đến rơi nước mắt, nhưng không biết họ có rơi vào cảnh ngộ khó khăn chung của những sinh viên nghèo cầu mong có được một chỗ ở trong Ký túc xá...

Trường ĐH Bách Khoa HN là một trường có nhiều thủ khoa như thế. Những sinh viên nghèo như các thủ khoa nói trên, trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn của mình với hoàn cảnh giá cả hiện nay chỉ mong có được một chỗ ở trong Ký túc xá để tiết kiệm được một khoản tiền và yên tâm học hành.

Thế nhưng xem ra, những chuyện xảy ra trong Ký túc xá của trường ĐH Bách Khoa danh tiếng này lại không chiều“ theo ý nguyện hết sức đơn giản và chính đáng  đó.

Thiếu phòng cho sinh viên, nhưng vẫn có phòng cho... cả hộ gia đình 

Gần đây, theo phản ảnh của các bạn sinh viên, Ký túc xá ĐH Bách khoa có nhiều việc xảy ra khiến không ai hiểu nổi.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đa phần các nhà trong khu ký túc xá Bách khoa hiện nay xuống cấp nghiêm trọng. Sinh viên phải sống trong điều kiện hết sức chật chội và mất vệ sinh. Không có đủ không gian cho sinh hoạt, nghỉ ngơi và học tập. Tuy vậy, với tình hình giá cả leo thang hiện nay, ngày càng nhiều sinh viên muốn được vào ký túc xá sống để giảm phần lo toan cho bố mẹ ở nhiều vùng quê, mọi thứ chi tiêu chỉ chắt chiu trông vào hạt lúa.

Trong điều kiện nhu cầu chỗ ở của sinh viên tăng cao như vậy thì Trường ĐH Bách khoa đã làm gì với KTX của mình ?

Theo phản ảnh của sinh viên, ba khu nhà tiện nghi nhất, mới nhất hiện nay là nhà B10, B3, và B6 có nhà vệ sinh khép kín - còn các khu nhà khác là vệ sinh chung - được san sẻ cho người ngoài, kể cả các hộ gia đình thuê. Cũng theo sinh viên sống ở các khu đó, việc này diễn ra từ năm học 2007 - 2008. Và hiện nay vẫn tiếp diễn cách kinh doanh không đúng mục đích như vậy.

Thật kỳ lạ và không thể giải thích nổi tình trạng những dãy phòng của khu ký túc xá như vậy lại hiển nhiên tồn tại cả những người lạ, không phải sinh viên, những hộ gia đình có cả người già và trẻ em sinh sống cùng, dù KTX được nhà nước cấp kinh phí xây dựng là để phục vụ sinh viên.

Tiếp xúc với chúng tôi, có bạn sinh viên bức xúc: chúng em đã có phản ảnh, cả trực tiếp lẫn gián tiếp với nhà trường, nhưng các bạn sinh viên nghèo vẫn không có chỗ ở, còn Ký túc xá thì lại thừa phòng tốt để cho người ngoài thuê. Chúng em thật không hiểu nhà trường nghĩ gì mà có sự phân biệt đối xử vô lý như vậy ...

Hàng trăm sinh viên phải lang thang vạ vật suốt hai ngày

Nhân tiện, những người ghi chép cho bài viết này còn nhận được phản ánh về sự phục vụ sinh viên một cách kỳ lạ của ĐH Bách Khoa HN qua những sự việc rất bức xúc khác.

Theo kế hoạch của trường, tuần đầu tiên của học kỳ một bắt đầu vào thứ 2 ngày 18 tháng 08. Và lịch mở cửa KTX để sinh viên dọn vào ổn định chỗ ở là hai ngày thứ bảy - CN trước đó 16 -17/08. Thế nhưng theo các bạn sinh viên, đa phần trong tổng số hơn 700 sinh viên sống trong nhà B10 đã hết sức ngỡ ngàng và lo lắng khi Ban quản lý KTX cương quyết không cho các em quay trở lại chỗ ở của mình bằng nhiều lý do khác nhau.

Số sinh viên nói trên đã phải lang thang vạ vật trong suốt hai ngày , và cho đến khi buổi học đầu tiên của năm học mới đã bắt đầu, họ vẫn chưa được quay về, ổn định chỗ ở để học tập.

Có bảo hiểm y tế mới được ở KTX (?)

Chuyện chưa dừng lại ở đó, khi các sinh viên làm thủ tục đăng ký vào lại chỗ ở của mình từ trước, thì Ban quản lý KTX lại đưa ra một yêu cầu hết sức kỳ quặc: Chỉ những sinh viên nào đã mua bảo hiểm y tế mới được vào KTX .

Rõ rằng , đây là hai việc khác nhau, của hai cơ quan khác nhau, và việc mua bảo hiểm y tế là tự nguyện. Vậy tại sao Ban quản lý KTX lại đưa ra những yêu cầu phi lý như trên?

Cố gắng phản ảnh tình hình vô lý đó lên các phòng, ban chức năng nhà trường nhưng không được giải quyết, các sinh viên nghèo trong KTX phải gửi thẳng đơn lên Ban giám hiệu, đến ngày thứ hai việc gây khó dễ cho sinh viên mới tạm dừng lại.

Những câu chuyện tồn tại nhiều năm ở ĐH Bách Khoa vẫn âm ỉ, nhất là những nơi như Phòng đào tạo (đã không ít lần lên báo ), Trung tâm quản lý KTX... gây sự bức xúc không nhỏ cho sinh viên nhiều khoá liên tiếp không biết đến bao giờ mới được giải quyết triệt để.

Hay phải chăng, như thừa nhận của GS. Nguyễn Trọng Giảng khi còn là Hiệu phó, trong lần trả lời báo Dân trí về hiện tượng thiếu phòng ốc cho học tập, nghiên cứu nhưng vẫn có chỗ thoải mái cho đại gia Ngân hàng thuê thì ông ta đã trả lời : Đứng về mặt quản lý Nhà nước, tôi thừa nhận việc làm đó là không đúng lắm nhưng rồi tình hình vẫn đâu vào đấy, chưa hề được rút kinh nghiệm và chấn chỉnh!? 

Quốc Minh

LTS Dân trí - Bài viết trên đây phản ảnh nhiều điều bất bình của sinh viên về tình hình quản lý lộn xộn và sử dụng không đúng mục đích của Ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ đấy đã gây ra nhiều khó khăn cho sinh viên và đặt ra những đòi hỏi vô lý đối họ (như chuyện phải mua thẻ bảo hiểm y tế mới được nhận lại chỗ ở Ký túc xá).

Chúng tôi trân trọng chuyển những ý kiến đóng góp nói trên đến Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Mong rằng những ý kiến đó sớm được xem xét với tinh thần “thực sự cầu thị’ và nếu có điểm nào đúng thì nên chấn chỉnh kịp thời, không những đáp ứng đúng những yêu cầu chính đáng của sinh viên mà còn nhằm bảo vệ uy tín của một trường đại học có danh tiếng của nước ta..