Kính thưa Bộ Giáo dục...

Em thấy có một điều lạ là sao năm nào các kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có chuyện buồn, khi thì tranh cãi về đề, khi thì xảy ra chuyện sửa barem chấm điểm, và năm nay là chuyện quay cóp tưng bừng ở Bắc Giang bị tung lên mạng.

Thưa các cô chú lãnh đạo Bộ Giáo dục - đào tạo, em hiện đang là sinh viên năm thứ nhất. Mới năm ngoái, em là thí sinh tham gia hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Em thấy có một điều lạ là sao năm nào các kỳ thi cũng có chuyện buồn, khi thì tranh cãi về đề, khi thì xảy ra chuyện sửa barem chấm điểm, và năm nay là chuyện quay cóp tưng bừng ở Bắc Giang bị tung lên mạng.

Em xin kể với các cô chú một câu chuyện như sau: Một người bạn thân của em được ba mẹ có điều kiện cho đi du học tại Úc khi mới vừa xong lớp 10. Vừa rồi, bạn ấy chat kể về những lần thi cử bên xứ kangaroo, nghe cứ tưởng như chuyện cổ tích. Bạn ấy bảo rằng khi học lớp 11 đã có tham gia thi học sinh giỏi môn hóa của toàn nước Úc. Ngày thi, học sinh ở trường nào thi tại trường ấy. Đến giờ quy định, thầy trong trường mở mail lấy đề in ra giao cho học sinh, rồi cứ thế đúng 180 phút sau thu bài gửi về bộ phận chấm thi. Thầy trong trường nhưng chẳng có chuyện gà bài cho học sinh. Học sinh ngồi làm bài mà chẳng có giám thị săm soi, cũng chẳng ai xài “phao”!

Bạn em kể tiếp kỳ thi “2 trong 1” vừa lấy điểm tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để vào đại học. Lại cũng như thi học sinh giỏi, học sinh trường nào ngồi thi ở trường đó. Thầy cô trường nào coi thi trường đó, chứ chẳng phải là những cuộc huy động thầy cô giáo chạy nháo nhào sang trường khác như các kỳ thi ở nước ta. Kết quả để tốt nghiệp và vào đại học không chỉ có bài thi toàn quốc, mà còn căn cứ vào điểm của suốt năm học 12 nên không sợ chuyện quanh năm chơi, chỉ tập trung đối phó với kỳ thi.

Em có hỏi bạn rằng xin đừng nói con người ở Úc là thánh, hoàn toàn không có chuyện châm chước nhằm cho học sinh mình, trường mình đạt kết quả tốt. Bạn bảo: ”Dĩ nhiên. Ở mỗi trường, người của bộ giáo dục sẽ nhặt lấy khoảng chục trường hợp bất kỳ, thường ở nhóm học sinh giỏi, để xem xét toàn bộ bài kiểm tra ở các môn trong suốt năm học. Họ làm như thế để xem thử các bài kiểm tra trong trường có quá dễ không, có chấm đàng hoàng không. Nếu mọi chuyện bình thường, khi ấy bộ giáo dục mới công nhận kết quả của trường”.

Thưa các cô các chú, nghe bạn kể chuyện du học mà thèm. Em không thèm chuyện bạn kể về những thư viện, phòng thí nghiệm hoành tráng của trường học bên ấy, vì người ta giàu. Em chỉ thèm về sự trung thực, chặt chẽ, hiệu quả và đơn giản trong thi cử bên ấy. Chuyện này em tin không phải do nghèo khiến giáo dục nước mình không làm được. Nhìn lại quãng đường 12 năm học phổ thông, em thật sự buồn. Suốt ba cấp học, chúng em toàn học nhồi học nhét, học theo bài văn mẫu, giải toán kiểu chỉ cần kết quả đúng, không cần biết vì sao nó như thế. Suốt ba cấp học, lúc nào chúng em cũng căng chuyện thi và thi. Hết cấp I lo thi sao cho có điểm cao để vào được trường tốt ở cấp II. Hết cấp II là lo vào cấp III. Hết cấp III là sốt vó chuyện vào đại học. Nhưng vào được đại học thì tàng tàng rồi cũng ra...

Thưa các cô chú lãnh đạo Bộ giáo dục - đào tạo, em ước sao giáo dục nước mình sẽ được như những gì bạn em kể. Khi ấy mỗi năm có lẽ tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng, khi mà các thầy cô không phải chạy sang trường khác coi thi, chấm thi, cả triệu thí sinh (và cả phụ huynh) không phải gạo đùm cơm bới ra Hà Nội, về TP.HCM để thi tuyển sinh đại học. Số tiền tiết kiệm ấy ắt mỗi năm phải xây được vài ngôi trường khang trang.

Minh Tú (sinh viên ĐHQG TPHCM)
Theo Tuổi Trẻ