Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH: Cần được chi rõ ràng

(Dân trí) - Phải có chính sách rõ ràng về kinh phí cho hoạt động kiểm định. Đó là phần lớn kiến nghị của 158 đại biểu đến từ 70 trường ĐH khu vực phía Nam dự hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học tổ chức tại TPHCM ngày 30/11

Vấn đề tài chính chi cho hoạt động kiểm định chất lượng và lương cho cán bộ hoạt động này được nhiều đại biểu ý kiến.

TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng kinh phí cho hoạt động kiểm định chất lượng vẫn là cấp thiết nhất. “Hiện các trường đang tự cân đối bằng theo kiểu lấy túi này nhét sang túi kia. Kinh phí gần 99 tỷ đồng cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH - TCCN giai đoạn 2011-2020, nhưng trong đó các trường phải tự chi là 84,56 tỷ đồng. Bộ GD-ĐT tính như thế thì chúng tôi lấy đâu ra tiền chi”.

Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH: Cần được chi rõ ràng - 1
TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưỏng ĐH Cần Thơ phát biểu trong hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

“Ở trường tôi, muốn chi 1 triệu đồng cho mà không có văn bản cũng đã bị kiểm toán hành lên hành xuống. Bộ không cho tiền nhưng phải cho các trường quy chế thực hiện cụ thể, cần phải có quy định cụ thể”, ông Xê kiến nghị.

Thực tế kinh phí dành cho công tác đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế được ông Nguyễn Khánh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí Trường ĐH Cần Thơ dẫn chứng cụ thể: Từ năm 2005-2008, dự án Giáo dục Việt Nam - Hà Lan tài trợ kinh phí cho kiểm định ở 5 ĐH lớn: Thái Nguyên, Đà Nẳng, Vinh, Huế và Cần Thơ. Khi chương trình kết thúc, thì trường chỉ cấp 150 triệu đồng/năm cho trung tâm làm công tác này.

Ông Sơn chia sẻ: “Với nguồn kinh phí này không thể nào đủ để hoạt động vì chỉ riêng việc đánh giá chương trình đã mất 140 triệu đồng/năm. Trường có đến 90 chương trình của bậc ĐH, 28 chương trình bậc thạc sĩ, 8 chương trình bậc tiến sĩ. Giảng viên phải làm công không vì lấy cái lợi là hiểu sinh viên hơn để thay đổi phương pháp giảng dạy”.

Vấn đề kinh phí cũng được ông Đào Trọng Phương, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng ĐH Đà Lạt kiến nghị: Vấn đề tài chính là cực kỳ quan trọng và phải có thì mới thực hiện điệm công tác kiểm định chất lượng. Đề nghị Bộ GD-ĐT có cơ chế rõ ràng cho những người làm công tác kiểm định chất lượng.

Trước nhiều ý kiến của các trường, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, PGS-TS Bùi Anh Tuấn cho biết sắp tới sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ ra thông tư với hướng dẫn, định mực cho việc chi.

Cũng trong hội nghị này, nhiều đại biểu thắc mắc việc chưa công bố 40 trường thực hiện đánh giá ngoài. Được biết, đến tháng 11/2010 đã có 237 trường ĐH, CĐ và TCCN hoàn thành tự đánh giá. Trong đó, hệ ĐH có 100 trường, hệ CĐ có 81 trường và TCCN là 56 trường. Trong đó, đã có 40 trường ĐH đã thực hiện đánh giá ngoài và đã có báo cáo gửi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT.

TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT lý giải: Hiện Bộ đang hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp lý để phân quyền, trách nhiệm rõ ràng cho các cấp. Sau khi có đầy đủ các văn bản, cục sẽ tiến hành công bố đầy đủ danh sách tất cả các trường đã đánh giá ngoài, tự đánh giá và chưa thực hiện đánh giá.

Lê Phương