Không thu gom vỏ lon bia, học sinh Đà Nẵng làm “kế hoạch nhỏ” bằng cách nào?

(Dân trí) - Trong khi đây đó vẫn còn nhiều ý kiến dư luận có nên hay không bỏ việc vận động học sinh thu gom vỏ lon bia thì ở Đà Nẵng, ngành Giáo dục và Hội đồng Đội thành phố đã thống nhất bỏ hình thức này từ lâu, thay vào đó vẫn có nhiều cách làm hay để thực hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ”.

Dân trí vừa có cuộc trò chuyện với thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng Phòng chính trị, tư tưởng thuộc Sở GD-ĐT Đà Nẵng xoay quanh câu chuyện vì sao Đà Nẵng bỏ vận động học sinh thu gom vỏ lon bia, và làm cách nào để giáo dục học sinh thực hành tiết kiệm theo đúng tinh thần phong trào “Kế hoạch nhỏ”, song song đó là giáo dục tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, bồi đắp lòng nhân ái cho học sinh.

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương trong một buổi trò chuyện với các em học sinh Đà Nẵng
Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương trong một buổi trò chuyện với các em học sinh Đà Nẵng

* Phóng viên: Thưa thầy, ngành Giáo dục Đà Nẵng và Hội đồng đội thành phố đã bỏ vận động học sinh thu gom vỏ lon bia để làm “kế hoạch nhỏ” bao lâu rồi ạ? Và vì sao?

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương: Phong trào Kế hoạch nhỏ là một phong trào lớn của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh được phát động từ năm 1958 nhằm giáo dục cho học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tình yêu lao động và đóng góp quỹ vào các công trình có ý nghĩa của thiếu nhi thành phố và cả nước. Hội đồng Đội Trung ương phát động phong trào Kế hoạch nhỏ theo từng giai đoạn, hiện nay đang là giai đoạn 2013-2017. Thực hiện chủ trương trên, trong những năm trước, Hội đồng Đội thành phố Đà Nẵng đã phát động, vận động các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn thành phố tự nguyện tham gia phong trào bằng cách thu gom, đóng góp giấy loại hoặc vỏ lon đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, nhận thấy hình thức triển khai trên đã không còn phù hợp, gây phản cảm, phiền hà cho học sinh và phụ huynh, tạo dư luận không tốt, không được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Vì thế, từ đầu năm 2015, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu các đơn vị, trường học không tổ chức thu gom vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt đã qua sử dụng và giấy vụn… để làm Kế hoạch nhỏ.

* Vậy không thu gom vỏ lon bia, học sinh Đà Nẵng làm cách nào để thực hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ” ạ?

Trên cơ sở thống nhất với Sở GD-ĐT, từ năm học 2014-2015, Hội Đồng đội thành phố đã hướng dẫn các liên đội vận động đội viên, thiếu niên, nhi đồng tiết kiệm nuôi heo đất trong dịp Tết Nguyên Đán đóng góp xây dựng phong trào “Kế hoạch nhỏ” để xây dựng 03 “ngôi nhà khăn quàng đỏ” tặng học sinh đặc biệt khó khăn tại 03 quận, huyện trên địa bàn thành phố và trao tặng các “đàn gà khăn quàng đỏ” cho các bạn học sinh đặc biệt khó khăn ở tỉnh Quảng Nam.

Mỗi liên đội xây dựng kế hoạch, áp dụng các hình thức phù hợp trên nguyên tắt đảm bảo tính giáo dục, tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, áp đặt; không vận động đội viên, thiếu niên, nhi đồng là con gia đình chính sách, hộ giải tỏa đền bù, gia đình kinh tế khó khăn.

Với hình thức triển khai này, Hội Đồng đội thành phố đã hoàn thành tốt chỉ đạo của Hội Đồng đội trung ương về triển khai phong trào Kế hoạch nhỏ hằng năm. Đặc biệt, góp phần giáo dục đội viên, thiếu niên, nhi đồng ý thức tiết kiệm, tích cực xây dựng nguồn quỹ đội; giáo dục tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong trường học.

* Ngoài các hình thức trên, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố còn có các hoạt động nào để giáo dục học sinh thực hành tiết kiệm, lòng nhân ái?

Giáo dục kĩ năng thực hành tiết kiệm, bồi đắp lòng nhân ái cho học sinh là một hoạt động giáo dục được các trường học triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như các trường vận động học sinh quyên góp giúp bạn học có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ nạn nhân chất độc gia cam... Mới đây, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị, trường học đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình “Xuân yêu thương”, “Tết sum vầy”, “Ngày vàng vì tình bạn”… nhằm động viên, chia sẻ, giúp các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn đón xuân vui tươi, đầm ấm.

Các em học sinh Đà Nẵng thăm và tặng quà đến các bạn ở Trung tâm nạn nhân chất độc da cam
Các em học sinh Đà Nẵng thăm và tặng quà đến các bạn ở Trung tâm nạn nhân chất độc da cam

Các Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học, Liên đội, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, Ban Đại diện cha mẹ học sinh… trong trường học cũng có nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần giáo dục lòng nhân ái cho học sinh.

Hiện tại, Sở GD-ĐT thành phố đang xây dựng Kế hoạch tổ chức “Ngày yêu thương” nhằm tạo sự giao lưu, kết nối, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa học sinh thành phố Đà Nẵng với học sinh các trường miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thành phố và tỉnh Quảng Nam.

Những hoạt động trên đã góp phần tích cực vào công tác giáo dục kĩ năng thực hành tiết kiệm, giáo dục long nhân ái cho học sinh thành phố.

* Được biết thầy là người thường xuyên có các buổi nói chuyện dưới cờ “lấy nước mắt của học trò” với những câu chuyện cảm động để từ đó cảm hóa, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thầy có thể chia sẻ thêm đến phụ huynh để cùng nhà trường chung tay giáo dục con em thực hành tiết kiệm, bồi đắp lòng nhân ái?

Với câu hỏi này, tôi xin trả lời theo quan điểm rất riêng của cá nhân. Tôi rất thích 2 câu ngạn ngữ về giáo dục trẻ em, đó là: “Con hãy suy nghĩ bằng con tim và yêu thương bằng lí trí” và “Bạn hãy sống đi và cho người khác sống với”. Từ những trải nghiệm của thực tiễn công việc và theo quan sát của cá nhân, tôi nhận thấy, tâm lý của nhiều phụ huynh bây giờ là bảo bọc con cái. Từ bảo bọc, phụ huynh dễ dẫn đến tâm lý bù đắp mà nhất là bù đắp vật chất. Càng bù đắp vật chất nhiều hơn bù đắp tinh thần thì trẻ càng muốn hưởng thụ mà không biết sẻ chia. Vì cách giáo dục này mà nhiều bạn trẻ dễ trở thành “thế hệ gối ôm”, hay xã hội gọi là “gà công nghiệp”, sống ích kỉ, ít quan tâm những người sống quanh mình.

Vì thế, là một người thầy giáo, tôi mong muốn quý vị phụ huynh hãy quan tâm hơn nữa để hiểu rõ hơn mục đích ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức thực hành tiết kiệm, tinh thần tương thân tương ái, lòng bao dung, biết sẻ chia… của nhà trường đối với con em mình. Từ đó, đồng hành cùng nhà trường giáo dục con em mình ngày một trưởng thành, biết sống tốt, sống đẹp, sống nhân ái, vị tha, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Khánh Hiền (thực hiện)