“Không thay đổi, sẽ còn nhiều vụ tự tử đau lòng của trẻ mới lớn”

(Dân trí) - Vụ tự tử tập thể của 5 nữ sinh Hải Dương vào đầu năm 2006 khiến cả xã hội “rúng động” đang lùi vào quá khứ, thì mới đây, vụ việc 3 học sinh ở Đăk Nông rủ nhau cùng chết khiến không ít người giật mình….

“Hiện tượng học sinh tự tử tập thể vì những lý do nghe có vẻ như rất nhỏ, không đáng… đã không còn là hi hữu và sẽ tiếp tục có những vụ việc đau lòng như thế…” - TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng lo lắng nói trong cuộc trao đổi với Dân trí quanh vấn đề này.
 
“Không thay đổi, sẽ còn nhiều vụ tự tử đau lòng của trẻ mới lớn”
TS.BS Trần Tuấn.

Ông nhận định như thế nào về vụ việc 3 nữ sinh rủ nhau tự tử ở Đăk Nông vừa xảy ra mới đây?

Rất tiếc khi phải nói rằng, những trường hợp đó không còn là cá biệt. Chúng ta có thể nhớ lại vụ việc ở Hải Dương cách đây 6 năm, khi 5 em học sinh lớp 7 cùng buộc tay nhau lại và tự vẫn trầm mình dưới sông. Hay nhiều vụ tự tử khác mà chúng ta đều dễ dàng nắm thông tin qua báo chí. Và mới đây nhất là 3 trường hợp ở Đắk Nông rủ nhau tự vẫn.

Theo ông, nguyên nhân nào khiến các em có hành động dại dột này?

Cái chết là điều không ai mong muốn vì bản năng của con người là bản năng sống. Trong lúc khó khăn nhất, tưởng như không vượt qua nổi, thậm chí cái chết cận kề nhưng bằng mọi cách con người đều cố vượt lên.

Còn các em học sinh này thì sao? Vì sao lại tìm đến cái chết? Các em tìm đến cái chết vì các em không còn yêu cõi đời, đã không còn muốn sống. Nguyên nhân dẫn đến chán sống ở các em có thể có nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp. Những sự việc tưởng như rất bình thường với người lớn, đó chỉ đơn giản là lời mắng nhiếc trẻ, hay trẻ vì lý do gì đó mà giận dỗi bố mẹ, giận dỗi bạn bè… Tất cả những sự việc rất đột xuất, không lên kế hoạch trước đó có thể trở thành tác nhân khiến sức chịu đựng của trẻ không vượt qua nổi và có những phản ứng, hành động đột ngột, dẫn đến tự tử.

Hành vi tự tử cũng có thể xảy ra do quá trình lâu dài, liên quan đến quá trình rối nhiễu tâm lý của trẻ.

Những hành vi dại dột theo xu hướng xấu của trẻ, là bởi con người xã hội trong trẻ chưa được hoàn thiện.

Ông có thể nói rõ hơn về “con người xã hội” của trẻ?

Quá trình phát triển của trẻ là quá trình tự hoàn thiện. Trong cơ thể chúng ta có hai con người con người sinh học và con người xã hội. Con người xã hội quá trình hình thành phát triển theo quá trình trẻ lớn lên và luôn có sự biến đổi. Thầy cô giáo mắng, bố mẹ mắng, hay đơn giản chỉ là buồn vu vơ… dẫn đến hành vi tự tử. Đó là những trường hợp đột xuất, thể hiện con người xã hội trong trẻ có những xử sự bất thường, không được chín chắn. Đó là hậu quả lâu dài của quá trình giáo dục trong vấn đề xử lý các tình huống xã hội, từ gia đình, hàng xóm, bạn bè, từ quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin đối với trẻ…

Vậy có phương pháp nào để hoàn thiện con người xã hội ở mỗi người?

Đứa trẻ như cây non phát triển. Chưa có kinh nghiệm, bởi kinh nghiệm phải trải qua quá trình trưởng thành. Vì thế, giải quyết mọi vấn đề của trẻ, nguyên nhân không thể đổ cho trẻ. Bất kể tình huống nào xảy ra ở trẻ dưới 18 tuổi là có căn nguyên từ gia đình, bè bạn, xã hội.

Vai trò hoàn thiện con người xã hội của trẻ, không nên để trẻ sống ảo để dần hoàn thiện con người xã hội. Những kinh nghiệm hoàn thiện một con người xã hội trong trẻ giúp trẻ nhận thức, phân tích các hành vi để không có các hành vi tiêu cực.

Bởi con người xã hội trong mỗi người chúng ta được hình thành thông qua các thông tin tiếp nhận, khi có quan hệ với môi trường. Các thông tin này phải là quá trình xây dựng hình thành từ khi trẻ bé và lớn lên. Trẻ thông qua quan sát, cảm nhận, lắng nghe lời nói người lớn… tác động đến trẻ để trẻ xử lý.

Quá trình trẻ đang lớn lên là quá trình bắt chước. Làm sao đó để trẻ nhìn nhận, cảm nhận, lắng nghe được những cái hình ảnh thực tế càng theo hướng tích cực bao nhiêu, càng giúp trẻ dần lớn lên, giúp trẻ phân tích làm thế nào là tốt. Quá trình dạy dỗ rất quan trọng từ nhỏ tại gia đình. Không cần nói trực tiếp với trẻ mà trẻ quan sát qua cách người lớn xử lý tình huống.

Lứa tuổi dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, bắt đầu có ý định tự tử là khi các em đã lớn hơn, thường ở lứa tuổi học sinh cấp từ THCS trở lên. Bởi khi còn nhỏ, mọi sinh hoạt, mối liên hệ của các em vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của cha mẹ, nhưng từ THCS trở lên các em bắt đầu có xu hướng hướng ngoại, liên quan đến bạn bè nhiều hơn và ra đến ngoài xã hội.

Xã hội (từ cộng đồng, nhà trường, nơi sinh sống) có quá nhiều thông tin tiêu cực đối với trẻ tạo cho trẻ cảm xúc, cái nhìn, nhận định, phân tích đi theo hướng tiêu cực thì sẽ có những hành động tiêu cực và ngược lại.

Vậy theo ông, có biện pháp gì để có thể ngăn chặn những hành vi dại dột của các em học sinh?

Đến hiện nay, tỷ lệ bao nhiêu trẻ dẫn đến hành vi bột phát, ý định tự tử và tự tử chúng ta chưa hề có nghiên cứu. Và nhiệm vụ đó là nhiệm vụ của y học dự phòng. Nhưng hệ thống đó của nhà nước hoàn toàn không hoạt động, không có nghiên cứu, số liệu. Khi có nghiên cứu, chúng ta sẽ phát hiện được trong số các em học sinh đó, ai là đối tượng có nguy cơ cao có những hành vi tiêu cực để hỗ trợ..

Phải có hệ thống thông tin về việc phát hiện những trường hợp có nguy cơ như thế này.

Cá nhân tôi nhìn nhận, chắc chắn tỷ lệ trẻ có rối nhiễu tâm trí, rồi dễ có những hành vi cực đoan, tỷ lệ trẻ có ý định tự tử và tự tử sẽ ngày càng tăng. Nếu chúng ta không thay đổi, không quan tâm tìm hiểu, không tạo điều kiện tốt để con người xã hội trong trẻ hoàn thiện và phát triển thì sẽ còn có nhiều vụ tự tử đau lòng của những học sinh.

Hồng Hải (thực hiện)