“Không quan tâm đúng mức dễ xảy ra chuyện đau lòng”

(Dân trí) - Từ những việc tưởng chừng như “vô hại” nhưng có những học sinh lại giải quyết bằng cách tìm đến cái chết. Qua nhiều vụ HS tự tử cho thấy, đã đến lúc cần nhìn lại cách ứng xử giữa thầy và trò, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình hơn.

Hàng loạt vụ học sinh (HS) tự tử diễn ra gần đây đa số đều gắn liền với những nguyên nhân tưởng chừng rất đơn giản. Từ chuyện bị nghi ngờ ăn cắp, bố mẹ mắng vì học hành chểnh mảng, hay bị thầy cô la mắng, xúc phạm, các em này đều giải quyết một cách bồng bột đó là tìm đến cái chết. Sự ra đi của các em nhằm giải quyết các vấn đề như: chứng minh mình trong sạch, sức chịu đựng có giới hạn nên muốn thoát khỏi cảnh này…

Kỹ năng sống quá yếu?

Vấn đề kỹ năng sống (KNS) trong trường học lâu nay được cập đến nhiều và ngành giáo dục cũng thừa nhận khâu này đang còn yếu. Bản chất của KNS là kỹ năng tự quản lý bản thân và kỹ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả... Nói cách khác, KNS là khả năng làm chủ bản thân của mỗi con người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó trước các tình huống của cuộc sống.

Việc giáo dục KNS góp phần giải quyết tình trạng trẻ thụ động, không biết ứng phó trong những hoàn cảnh nguy cấp, không biết cách tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm, thậm chí không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ...

Trên thực tế, việc giáo dục KNS cho HS được ngành giáo dục đặt ra từ lâu, nhưng cho đến nay Bộ GD-ĐT chưa ban hành một bộ chuẩn nào về khâu này để định hướng chung nên mỗi trường có một cách dạy riêng. Phần lớn việc giáo dục KNS tại các trường học mới chỉ dừng lại ở các tiết học giáo dục công dân.

Không ít ý kiến cho rằng, các trường học hiện nay đã quá nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc giáo dục KNS cho HS dẫn đến có một bộ phận HS trong các trường thiếu hụt hiểu biết về môi trường xung quanh, về ứng xử cần thiết trong cuộc sống. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hành vi, lối sống đạo đức của nhiều HS.

Nói là thế, nhưng vụ nữ sinh tự tử vừa qua ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định khiến nhiều người phải đánh giá lại những hiện tượng HS tự tử vừa qua có phải do khâu kỹ năng sống của HS quá yếu hay không?

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có một môi trường học tập không tạo áp lực cho HS, các em học vì niềm đam mê và yêu thích. Để giúp các em luôn cảm thấy ham thích học tập, nhà trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa sôi nổi như thể thao, võ thuật, nghệ thuật... Hàng tuần, các lớp đều đứng ra tổ chức các chương trình tự biên tự diễn trước toàn trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên mời các chuyên gia tâm lý để tư vấn cho các em HS và thậm chí là các bậc phụ huynh về cách giao tiếp và trò chuyện với con cái trong gia đình.

Lãnh đạo nhà trường thừa nhận: “KNS được trang bị rất nhiều thông qua các hoạt động nhưng việc các HS tiếp thu được đến đâu thì nhà trường cũng không dám khẳng định”.

Chính vì thế nên việc nữ sinh lớp 12 quyết định giải quyết bế tắc của mình bằng cách treo cổ tự tử tại khu ký túc xá khiến lãnh đạo nhà trường bàng hoàng mà không thể giải thích được nguyên nhân. Theo cô Tâm - hiệu phó Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định thì bao nhiêu HS là từng đó cá tính và ẩn sâu trong các em là những uẩn ức không thể biết hết được. Chính vì vậy, dù giáo viên đã cố gắng hết sức nhưng vẫn còn chưa thể hiểu hết được các em. Đó cũng là nỗi trăn trở của cô không ít thầy cô sau những sự việc đau lòng trên.
 
“Không quan tâm đúng mức dễ xảy ra chuyện đau lòng”
Di ảnh của em N.T.C.Nhung - một trong số ba nữ sinh lớp 7 ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vừa tự tử cùng nhau. (Ảnh: Viết Hảo)

Chúng ta đã thiếu sự quan tâm”

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. TS Lâm phân tích: “Ở độ tuổi các em HS cấp 2, 3 là giai đoạn phát triển tâm sinh lý. Bên cạnh đó với xu hướng phát triển thì những đối tượng này cũng va chạm nhiều với những áp lực của xã hội. Chính vì thế nếu không có sự quan tâm đúng mức thì dễ xảy ra những chuyện đau lòng”.

Cũng theo TS Lâm, nhân cách của con người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ môi trường sống. Nếu một đứa trẻ không được giáo dục trong một nền tảng gia đình, nhà trường tốt, không chịu được va đập của xã hội sẽ dễ mắc sai lầm.

“Trong nhà trường hiện nay chỉ dạy học sinh về KNS đơn sơ thôi chưa đủ, bởi những bài học đó chỉ giúp họ có những chuẩn mực trong ứng xử giao tiếp. Điều quan trọng, từ bậc mầm non đến bậc đại học cần nhấn mạnh đến các bài học giá trị sống bao gồm: bình an, tôn trọng, yêu thương, hạnh phúc, trung thực, khiêm tốn, trách nhiệm, giản dị, khoan dung, hợp tác, tự do, đoàn kết” - TS Lâm nói.

Dưới góc độ là hiệu trưởng của một trường THPT, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Đối với các nước phát triển thì ở trường học người ta lập ra hẳn một phòng tâm lý học được để giải quyết sớm các vấn đề khúc mắc. Tránh để kéo dài khiến HS rơi vào trạng thái bi quan và dễ có suy nghĩ dại dột. Ở Việt Nam thì điều này khó thực hiện hiện được ngay nên trong thời gian tới ngành cần phải quan tâm đến việc bổ trợ thêm giáo viên về kiến thức năng tâm lý để hiểu các em hơn”.

Với dòng xoáy cuộc sống thầy cô ít có thời gian quan tâm đến học trò của mình trong khi các bậc phụ huynh thì lại thường quan niệm “trăm sự nhờ thầy cô”. Khi cả nhà trường và gia đình đều thiếu sự quan tâm cần thiết thì các em chỉ cần một tác động nhỏ đều dẫn đến suy nghĩ bồng bột.

Sự việc nữ sinh nhảy lầu tự tử ở Thái Bình một phần nào đó minh chứng cho điều này. Khi em K.O. thấy hình thức chép phạt mà cô giáo dạy Toán đưa ra không phù hợp và đã có ý kiến với thầy giáo chủ nhiệm nhưng lại không nhận được sự tư vấn cũng như chia sẻ cần thiết. Việc này khiến em rơi vào trạng thái bi quan. Trong khi đó, phía gia đình lại không chia sẻ được với con cái. Và khi bị tác động gây ức chế, em đã tìm đến cái chết.

Theo chị Lê Thị Giang, một bậc phụ huynh ở Hà Nội thì yếu tố gia đình rất quan trọng. Bố, mẹ là người gần gũi với con cái nhất. Nếu có sự quan tâm thì không khó để biết được những biểu hiện thay đổi của con từ chuyện tâm sinh lý đến những vướng mắc trong mối quan hệ bạn bè, thầy cô… Con cái cũng rất mong được chia sẻ với bố mẹ nhưng hiện nay nhiều bậc phụ huynh chủ yếu quan tâm đến kết quả học tập của con. Nếu con điểm cao thì vui mừng, còn điểm không tốt thì lại có những lời lẽ dễ làm con cái tổn thương.

Cũng theo chị Giang, gia đình quan tâm đến con cái sẽ giải quyết được những vấn đề tường chừng nhỏ nhưng tích tụ lâu ngày lại thành lớn. Chẳng hạn nếu con đã có khúc mắc với thầy cô mà không thể hòa giải thì tốt nhất nên xin cho con chuyển trường, bởi cách nghĩ và tư duy ở độ tuổi này thường rất non nớt. Các em được tiếp cận với nhiều luồng thông tin nhưng tiếp nhận điều tốt thì ít còn điều không tốt thì nhiều hơn nên dễ phát sinh những tư tưởng cực đoan.

Chung quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích thêm: “Nhiều gia đình hiện nay thường thả nổi con cái cho nhà trường và bao bọc con quá. Nên khi xảy ra vấn đề nào đó các em thường rơi vào trạng thái bị động và không biết xử lý thế nào”.

Dẫn chứng về hiện tượng này, TS Lâm nêu lên những câu chuyện hết sức đáng trách gần đây của các bậc phụ huynh. Chẳng hạn như nữ sinh ở Nghệ An sinh con ngay tại lớp học nhưng gia đình lại không hay biết con mình mang bầu!
 

Có nên quy trách nhiệm?

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay xã hội rất thích đi tìm hiểu nguyên nhân để quy trách nhiệm mà không tìm hiểu kỹ càng dễ tạo nên những hiệu ứng không tốt.

Trưởng phòng CA thành phố Nam Định không ngần ngại khi nhấn mạnh với chúng tôi xung quanh vụ nữ sinh tự tử ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: “Nếu những vụ việc liên quan đến án hình sự thì chúng ta hãy đi phân tích chuyên sâu. Còn nếu đơn giản là các em tự tử vì sự bồng bột thì nên dừng lại đúng mức. Gia đình đã quá đau xót, bản thân không ai muốn điều này xảy ra. Nếu chúng ta cứ cố đi tìm lời giải thích thỏa đáng thì chỉ làm tổn thương thêm về phía gia đình, còn góc độ những người liên quan sẽ khiến họ day dứt và có thể làm những điều dại dột. Nhất là những người này là bạn bè cùng trang lứa với em HS đó”.

 
 
Nguyễn Hùng