Khối trường Y - Dược kiến nghị có điểm sàn riêng

(Dân trí) - Buổi họp báo chiều 28/12 để công bố kết quả kiểm tra liên ngành đối với việc mở ngành Y – Dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã trở thành một buổi đối thoại “nóng bỏng” về chất lượng đào tạo ngành Y. Các thông tin mới về tuyển sinh cũng như hướng cấp chứng chỉ hành nghề được Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế tiết lộ.

Tham dự buổi họp báo có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế)…

Kiến nghị có mức điểm sàn riêng cho ngành Y - Dược

Tiết lộ với cơ quan báo chí, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Ngày 15/12, Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH Y - Dược đã họp và đồng thuận về việc kỳ thi năm 2016, các trường ĐH Y - Dược vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển và chúng tôi đề nghị áp dụng điểm ngưỡng chất lượng. Hội đồng đã định hướng và đề nghị Bộ GD-ĐT ban hành cho các trường Y - Dược (hệ đào tạo Dược học 5 năm và thạc sĩ 6 năm) mức điểm ngưỡng chất lượng riêng. Và chúng tôi yêu cầu tất cả các trường Y Dược (kể các trường ĐH Quốc gia, trường công lập, dân lập) nếu dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia đều tuân thủ luật này.

Đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và lãnh đạo ĐH Y Hà Nội trao đổi về công tác đào tạo ngành Y - Dược
Đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và lãnh đạo ĐH Y Hà Nội trao đổi về công tác đào tạo ngành Y - Dược

 

“Hiện nay chúng tôi đang còn băn khoăn một chút về khâu kỹ thuật đó là xác định mức ngưỡng điểm chất lượng như thế nào, điều này phụ thuộc vào kết quả kì thi THPT quốc gia. Tuy nhiên về sơ bộ thì có ý kiến đề nghị ấn định mức điểm là 21,0 (đối với tổ hợp 3 môn xét tuyển, không nhân hệ số), có ý kiến đề nghị lấy mức giới hạn khi có phổ điểm là trên 30% cận trên và dưới 70% cận dưới, có người đề nghị lấy ở mức 50%...Luật quy định các trường được phép tự chủ nhưng chúng tôi nghĩ rằng, nghề Y là một nghề đặc biệt và sự tự chủ của bàn tay vô hình kinh tế thị trường cần phải có bàn tay hữu hình của quản lý nhà nước” – PGS.TS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH cho hay, để chuẩn bị cho việc tuyển sinh năm 2016, Bộ GD-ĐT đã có những hội nghị để họp với các trường ở 2 miền, các Sở Giáo dục. Tại các Hội nghị này Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra những câu hỏi, những vấn đề cần xin ý kiến đối với nhân dân, với xã hội. Trong các câu hỏi đưa ra để xin ý kiến là có nên xác định ngưỡng điểm chất lượng riêng (điểm sàn) cho ngành Y – Dược hay không.

Điểm sàn đơn giản chỉ là để xác định một điều kiện tối thiểu về chất lượng nhằm có thể tuyển được thí sinh vào học được các ngành nói chung và nếu như có điểm sàn riêng của ngành Y- Dược thì tạm coi đó là điều kiện đủ tiêu chuẩn để vào học ngành Y - Dược. Tuy nhiên, trên thực tế, Luật Giáo dục đại học cho phép việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Vậy nếu như đặt ra quá nhiều hạn mức, quy định thì có vi phạm quyền tự chủ của các trường hay không?

Ở điều này, Bộ GD-ĐT phải lấy ý kiến tất cả các trường và sinh viên cũng như toàn xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay, có nhiều phương thức tuyển sinh và được mở rộng ra rất nhiều, có thể là thi tuyển hoặc xét tuyển theo học bạ, vậy thì, điểm sàn cũng chỉ có ý nghĩa đối với những người thi tuyển vào những trường dùng kết quả kì thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Còn các trường có cách tuyển riêng, có những cơ chế riêng về thi và tuyển sinh thì người ta sẽ đưa ra những yêu cầu nhất định trong đề án của họ để đảm bảo chất lượng đầu vào. Chúng tôi mong muốn, nếu ngành nào đó, có những yêu cầu cho ngành đặc thù thì nên có những quy định để phù hợp với tính đặc thù đó, có thể là ngưỡng điểm sàn, hoặc là ngưỡng môn học hay là những phỏng vấn theo yêu cầu của môn học… Tất cả những yêu cầu để đảm bảo môn học Bộ GD-ĐT rất khuyến khích nếu như có cơ sở thuyết phục được lòng xã hội.

“Vấn đề có ngưỡng điểm sàn riêng đối với ngành Y – Dược hay không thì Bộ GD-ĐT đang trong quá trình thảo luận, nếu như được sự ủng hộ của các trường, xã hội, và thí sinh thì có thể sẽ được đưa vào như một yêu cầu tuyển sinh của năm tới” – Quyền Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.

Có “hàng rào kỹ thuật” nhưng vẫn phải giám sát chất lượng đầu vào

Tại buổi họp báo có rất nhiều câu hỏi bày tỏ sự lo lắng về chất lượng đào tạo ngành Y, nhất là khi ngành này được đào tạo ở khối các trường ngoài công lập. Để làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc lập “hàng rào kỹ thuật” để giám sát chất lượng đầu ra, phóng viên báo Dân trí nêu vấn đề: Chất lượng đào tạo là việc của các trường còn có sử dụng hay không còn qua khâu tuyển dụng. Để vào được hành nghề Y thì bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Có phải chăng Bộ Y tế không tự tin trong việc giám sát này nên lo lắng chất lượng đầu vào?

ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế)
ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế)

 

Bày tỏ quan điểm, ông Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) chia sẻ: Việc cấp chứng chỉ hành nghề Y được Bộ Y tế quan tâm từ rất lâu. Luật khám và Chữa bệnh được Quốc hội thông qua năm 2009, một trong những điểm tiến bộ nhất của Luật là có đưa ra quy định về chứng chỉ hành nghề. Như các nước, để có chứng chỉ hành nghề thì phải trải qua kỳ thi quốc gia để được cấp chứng chỉ hành nghề, và quan điểm của Bộ Y tế là sắp tới sẽ kiến nghị với Chính phủ cũng như Quốc hội sửa lại Luật khám và Chữa bệnh trong đó phải quy định về việc thi quốc gia và cấp chứng chỉ hành nghề.

“Việc cấp chứng chỉ hành nghề nhằm giám sát để đảm bảo cho những người được đào tạo mà có chất lượng đạt được những tiêu chí, yêu cầu chuyên môn của ngành y tế để được vào làm việc ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế như thế vẫn chưa đủ, vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm với xã hội. Quan điểm của Bộ Y tế, ngoài việc thi chứng chỉ hành nghề để có đủ điều kiện vào làm việc tại các cơ sở y tế thì chúng tôi vẫn phải quan tâm đến công tác đào tạo, vì nếu đào tạo mà không đảm bảo chất lượng thì lãng phí xã hội và làm cho người học không có cơ sở nào để xác định xem là học ra có được làm việc hay không” – Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lợi, về chương trình đào tạo, Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực cơ bản ngành Bác sĩ đa khoa, Hộ sinh, Điều dưỡng và chuẩn bị ban hành chuẩn năng lực của Bác sĩ Răng Hàm Mặt. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 33 đối với ngành Điều dưỡng và sắp tới hai Bộ tiếp tục làm việc để ban hành đối với đào tạo cả Hộ sinh, Bác sĩ. Bên cạnh đó, chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo phải dựa trên chuẩn năng lực cơ bản của đơn vị sử dụng (Bộ Y tế ban hành) cũng như chuẩn đạo đức nghề nghiệp của các Hội nghề nghiệp, như thế cơ sở đào tạo mới đảm bảo chất lượng được.

“Đối với nước ngoài, thông tin mà chúng tôi được biết thì có những cơ sở đào tạo của nước ngoài được thi là một chuyện nhưng phải được cơ quan kiểm định, công nhận nhưng ngược lại có những trường chưa được kiểm định mà người học vẫn đến, và họ vẫn đào tạo, như thế là nhu cầu của người học. Nhưng về phía cơ quan sử dụng, chúng tôi quan tâm không những chuẩn đầu vào mà kể cả quá trình đào tạo vì sẽ có liên quan đến chuẩn đầu ra mà tránh việc lãng phí cho xã hội là người học không biết cơ sở này có đáp ứng được yêu cầu hay không” - ông Lợi bày tỏ.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn )