Khối thi nào ít có cơ hội NV2?

Theo qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ, mỗi thí sinh có ba nguyện vọng. Tuy nhiên, với một số ngành đặc thù và đặc biệt ở các khối thi “hiếm”, cơ hội để xét tuyển các nguyện vọng xem ra không nhiều.

Nghĩa là đối với một số khối thi và ngành học, không còn con đường nào khác ngoài nguyện vọng 1 (NV1)...

 

Ít chưa hẳn đã dễ

 

Khối V là một trong những khối thi dành cho những ngành học đặc thù. Nếu tính chung trên cả nước thì có khoảng trên mười trường ĐH tuyển sinh khối V với chỉ tiêu không nhiều. Ở khu vực phía Bắc có các trường ĐH Kiến trúc, ĐH Xây dựng, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Phương Đông.

 

Trong đó, chỉ có ĐHDL Đông Đô là xét tuyển, các trường còn lại đều thi tuyển nên cơ hội cho những thí sinh (TS) “sẩy chân” ở NV1 là rất ít. Hơn nữa, các trường có tuyển sinh khối V trong năm 2005 hầu như không xét tuyển NV2, nên cơ hội vốn đã ít lại càng khó chen chân hơn.

 

Do đó để tìm kiếm cơ may, TS dự thi khối V ở khu vực phía Bắc đều phải “Nam tiến” vì có số lượng trường tuyển sinh khối V nhiều hơn. Trong đó, khu vực công lập có bốn trường tuyển sinh khối V là ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Kiến trúc TPHCM và ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM.

 

Khu vực ngoài công lập có khá hơn: ĐHDL Bình Dương, Cửu Long, Duy Tân, Hồng Bàng, Kỹ thuật công nghệ (mới tuyển sinh khối V trong năm nay), Văn Lang và Yersin Đà Lạt. Tuy nhiên như năm 2005, mặc dù có nhiều trường tuyển sinh nhưng cơ hội NV2 vào trường công lập khá mong manh khi chỉ có ĐH Kiến trúc TPHCM xét tuyển 100 chỉ tiêu cho khu vực ĐBSCL, các trường còn lại đều “khóa sổ” ngay từ NV1.

 

Trong khi đó, TS dự thi khối D2 (văn, toán, tiếng Nga) cũng không có nhiều cơ hội để lựa chọn. So với các “đồng môn” D1, D3 và D4 thì khối D2 có phần bị lấn lướt do số trường tuyển sinh không nhiều.

 

Trong khi khu vực phía Bắc phần lớn các trường tuyển sinh khối D đều có cả từ D1 đến D4 thì ở khu vực phía Nam lại có rất ít trường tuyển sinh khối D2: ĐH Huế, Đà Nẵng, Sư phạm TPHCM, Khoa học xã hội & nhân văn, Văn Hiến, Phú Xuân, Hùng Vương, Hồng Bàng, Mở - bán công và bán công Tôn Đức Thắng. Đó là chưa kể số lượng ngành tuyển và chỉ tiêu cũng rất hạn chế.

 

Thế nhưng, không phải trường nào cũng tuyển đủ chỉ tiêu. Trong kỳ thi tuyển sinh 2005, các trường ĐH công lập như ĐH Huế, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) đều phải chờ đến NV2 mới tuyển đủ chỉ tiêu vốn rất ít ỏi của mình. Chưa kể như ngành tiếng Nga của ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Đà Nẵng phải xét tuyển đến NV3 mới “vớt vát” đủ chỉ tiêu.

 

Nhưng các ngành ngoại ngữ ở các trường ĐHDL phía Nam còn bi đát hơn, kể cả các ngành có tuyển và không tuyển khối D2. Năm 2005, một số ngành ở các trường buộc phải tạm “đóng cửa” hoặc chuyển số sinh viên ít ỏi vừa trúng tuyển vào trường sang trường khác! Tất cả các ngành ngoại ngữ của hai trường ĐHDL Hùng Vương và Văn Hiến trong kỳ tuyển sinh năm 2005 đều không thể mở bởi có quá ít TS trúng tuyển. Hai ngành tiếng Đức và tiếng Nhật của ĐHDL Ngoại ngữ - tin học TP.HCM cũng nằm trong tình cảnh tương tự khi số TS trúng tuyển đếm chưa đủ năm ngón tay.

 

Nhiều khối thi, nhiều cơ hội

 

Những năm gần đây, xu hướng tuyển sinh nhiều khối cho một ngành đã trở nên phổ biến. Các ngành công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, kỹ thuật môi trường... đều tuyển sinh cả hai khối A và B thay vì chỉ tuyển khối B như trước đây. Việc tuyển sinh nhiều khối cho một ngành như vậy sẽ thu hút được sự đa dạng về đối tượng và năng lực theo yêu cầu của từng ngành đào tạo.

 

Trong đó, các trường thường kết hợp tuyển sinh khối A và B hoặc C và D hoặc A và D. Từ năm 2001, ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) đã chính thức tuyển sinh thêm khối D1 cho tất cả các ngành trước đây vốn chỉ tuyển sinh khối C. Không những thế, nhiều trường thuộc khối kinh tế cũng mở rộng tuyển sinh cả hai khối A và D1 như các ngành kinh tế, ngoại thương của ĐH Cần Thơ, ĐH Kinh tế (ĐH Huế), Khoa kinh tế (ĐHQG TPHCM), Khoa kinh tế (ĐHQG Hà Nội)...

 

Đáng lưu ý là năm nay, Trường ĐH Luật TPHCM cũng đã chính thức bổ sung khối D1 đối với các ngành tuyển sinh trong trường thay vì chỉ tuyển sinh khối A và C như trước đây. Cũng từ kỳ thi tuyển sinh 2006 này, bên cạnh khối C truyền thống, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng đã bổ sung khối D1 vào các ngành tâm lý giáo dục, giáo dục chính trị; bổ sung khối A vào ngành giáo dục tiểu học và khối C cũng được “tăng cường” vào ngành giáo dục đặc biệt bên cạnh khối D1.

 

Riêng các ngành mới VN học và quốc tế học tuyển sinh cả hai khối C và D1, ngành quản lý giáo dục tuyển cả ba khối A, C và D1. Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp cũng đã bổ sung khối C vào ngành công tác xã hội. Trong khi đó, khối D1 cũng được Trường ĐH Thủy sản thêm vào nhóm ngành kinh tế trong mùa tuyển sinh năm nay, bên cạnh khối A truyền thống.

 

Không kể một số khối thi thuộc dạng “hiếm”, có thể thấy xu hướng mở rộng khối thi cho các ngành tuyển sinh ngày càng được nhiều trường áp dụng. Bên cạnh sở thích, năng lực bản thân..., sự phong phú về khối thi cũng là một yếu tố thuận lợi để TS chọn trường, chọn ngành và đăng ký xét tuyển các NV sau này.

Theo Minh Giảng

Tuổi Trẻ