Đào tạo CNTT:

Khoảng cách giảng đường và doanh nghiệp

Nhiều nhà tuyển dụng công nghệ thông tin cho rằng, kỹ năng nghề nghiệp là một trong những tiêu chí hàng đầu để tuyển chọn nhân lực. Tuy nhiên, 2/3 sinh viên IT không đáp ứng được yêu cầu này.

Nhà tuyển dụng: Chúng tôi cần kỹ năng

 

Theo một số liệu thống kê mới đây của Bộ Bưu chính Viễn thông, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin năm 2005 tăng từ 30 - 40%, lớn nhất trong 39 nhóm ngành nghề.

 

Trước tình trạng khủng hoảng... thiếu này, tưởng như SV IT sẽ dễ dàng kiếm được việc làm sau tốt nghiệp. Nhưng thực tế là không ít sinh viên IT thất nghiệp khi ra trường.

 

Ông Đặng Tiểu Hùng, PGĐ Công ty Công nghệ tin học ISA, cho biết: Hàng năm, ISA vẫn tuyển nhân sự cho các vị trí phát triển phần mềm, phân tích và thiết kế, lập trình viên. Phần lớn những sinh viên IT mới tốt nghiệp được tuyển về ISA có kiến thức “sách vở” tốt, khả năng nghiên cứu cao...

 

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực tế, các em thường lúng túng, thậm chí nhiều em không làm được. “Qua thực tế tuyển dụng ở ISA cho thấy, với những vị trí như kỹ thuật phần cứng, sinh viên mới ra trường phải mất ít nhất 6 tháng tới 1 năm mới quen việc”, ông Hùng cho biết.

 

Hiện đang là giảng viên giảng dạy tại khoa CNTT (ĐH Bách Khoa Hà Nội), ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc các trường ĐH còn chưa chú trọng đến đào tạo kỹ năng cho sinh viên là một thực tế.

 

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý nhất là nguyên nhân tài chính và điều kiện cơ sở vật chất.

 

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học dân lập, khoa học xã hội “đua nhau” mở ngành CNTT để đào tạo như một thứ mốt thời thượng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chuyên ngành này.

Nhà tuyển dụng cần những gì ở sinh viên?

 

Không cần suy nghĩ, ông Ngô Tuấn Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty CMC trả lời ngay: Chúng tôi cần những sinh viên có kỹ năng nghề nghiệp và khả năng làm việc tập thể tốt. Vì thế, “đề thi” mà chúng tôi ra luôn dưới dạng trắc nghiệm, tập trung vào thao tác kỹ thuật cụ thể.

 

Từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, Công ty CMC tổ chức tuyển người cho nhiều vị trí. Kinh nghiệm cho thấy, những trường hợp bị loại thường là của những sinh viên mới ra trường, không thể đảm nhiệm được ngay công việc.

 

Ngoài ra, những người không có khả năng làm việc trong môi trường tương tác, hỗ trợ lẫn nhau ở 1 chu trình khép kín, CMC sẽ phải cân nhắc.

 

Tuyển những người có kỹ năng làm việc tốt cũng là quan điểm của Trưởng phòng nhân sự FPT Trần Trong Hùng: FPT không chỉ tuyển những SV có thành tích học tập giỏi. Bởi lẽ, SV giỏi chưa chắc đã làm tốt nếu không có kỹ năng tốt...

 

Ngoài ra, ông Hùng còn cho rằng: Nhiều doanh nghiệp tuyển SV có ngoại ngữ tốt rồi đào tạo CNTT còn nhanh hơn tuyển một SV CNTT rồi vào đào tạo ngoại ngữ - một yếu tố không thể thiếu trong CNTT.

 

“Mặc dù đây không phải là chính sách tuyển dụng của FPT nhưng nó cũng gợi ý cho các bạn SV điều gì đó về ngoại ngữ chăng?”, ông Hùng gợi ý.

 

Sinh viên: Trường không đào tạo kỹ năng

 

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Hóa - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQGHN), việc đào tạo chuyên ngành CNTT trong các trường đại học hiện nay so với yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp còn một khoảng cách khá lớn.

 

Trong khi ở đại học, sinh viên mới chỉ được cung cấp phương pháp luận với những kiến thức nền mang tính hàn lâm, thì các doanh nghiệp lại đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp.

 

Không những thế, CNTT là lĩnh vực rộng lớn. Nhưng do không được định hướng theo chuyên ngành hẹp, cái gì cũng học, sinh viên không biết được cái gì sâu.

 

Lý giải về việc thiếu kỹ năng thực tế, Quách Thị Hải Vân - Sinh viên khoa CNTT (Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho rằng, để có được những kỹ năng lập trình, kỹ năng làm dự án và kinh nghiệm thực tế..., chúng em phải đi học thêm ở các trung tâm khác.

 

Nhưng, để có được tấm bằng đại học “ra trò”, sinh viên phải lao vào học (dù đó là những kiến thức quá cũ về công nghệ). Đó là còn chưa kể đến việc, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để đi học thêm.

 

Còn Nguyễn Cẩm Tú, cựu sinh viên khoa CNTT - Đại học Công Nghệ (ĐHQGHN) – Một trong những thủ khoa xuất sắc vừa được thành phố Hà Nội tuyên dương cho rằng, sinh viên khó có cơ hội chạy theo kỹ năng của những công nghệ luôn thay đổi.

 

Để có kỹ năng, SV phải tự rèn luyện, chứ ở trường chưa chú trọng đến việc đào tạo “món” này.

 

Có lẽ chính do tình trạng đào tạo không theo kịp thực tế đó mà khoảng cách giữa giảng đường và doanh nghiệp ngày càng như xa nhau hơn. Hậu quả là không ít sinh viên IT vẫn thất nghiệp hay phải làm trái ngành nghề sau khi ra trường.

 

Theo Xuân Mai

Tiền Phong