Hụt hẫng của học sinh trường quốc tế

Những khác biệt về văn hoá ở trường quốc tế đang trở thành những thách thức với học sinh trong chính dạng trường này và cả với phụ huynh. Nhiều ông bố bà mẹ bắt đầu cân nhắc: con mình được gì, mất gì khi học trường quốc tế?

Bên cạnh những cái được ai cũng thấy như con em được nâng cao về khả năng sử dụng tiếng Anh, được rèn luyện tính năng động, tự chủ, được hưởng những dịch vụ tốt, được học chương trình nhẹ nhàng…, nhiều phụ huynh bắt đầu lo khi phát hiện ra những lỗ hổng trong mô hình giáo dục này.
 
Hụt hẫng của học sinh trường quốc tế - 1

Cùng ăn, cùng chơi, cùng học với nhau, trẻ được giáo dục kỹ sẽ có cái nhìn đa dạng hơn về xã hội, biết chia sẻ, cảm thông với những bạn khó khăn hơn mình, không có khoảng cách với đời thường.

 

Anh Phan Lĩnh Hưng bất ngờ khi nhiều người nhìn con anh mà đoán được ngay rằng thằng bé học ở trường quốc tế. Hỏi  mới biết là do bé có cách ứng xử “tây quá”. Cách xưng hô “I - you” trong tiếng Anh mà bé dùng cho cả người Việt đã khiến người lớn cảm thấy không được tôn trọng, và cho rằng bé không phải là trẻ ngoan theo kiểu “gọi dạ bảo vâng”.

 

Khá nhiều học sinh theo học trường quốc tế từ bé đã bộc lộ điểm yếu như con trai anh Hưng. Khi giao tiếp với cộng đồng, những trẻ này tỏ rõ sự khác biệt trong văn hoá giao tiếp, thiếu “những nét văn hoá Việt” trong ứng xử. Những khác biệt này thách thức cả với chính phụ huynh, khi những khoảng cách về thế hệ và trình độ ngoại ngữ khiến họ lắm lúc chẳng hiểu con đang trò chuyện những gì với bạn bè.

 

Vừa tiếp nhận một cậu học sinh lớp 5 từ trường quốc tế chuyển về, cô Trần Diệu Thuý, giáo viên một trường tiểu học ở quận 1 (TPHCM), đã than trời vì trò mới mắc nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp tiếng Việt trầm trọng, trong khi tiếng Anh của trò thì không có gì để phàn nàn.

 

Mẹ học sinh này từng gửi con vào trường quốc tế vì muốn con được rèn luyện tính độc lập, tư duy của người nước ngoài, và nói tiếng Anh như gió, mà lơ là việc rèn giũa kỹ năng dùng tiếng Việt của con. Không ít học sinh nhỏ tuổi học trường quốc tế gặp phải tình trạng nói tiếng Anh hay hơn… tiếng mẹ đẻ.

 

Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Giám đốc Trung tâm Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục), trẻ học tiếng Anh quá sớm, khi còn chưa được rành rẽ tiếng mẹ đẻ, nếu không đúng phương pháp sẽ bị lẫn lộn giữa tiếng Việt - tiếng Anh.

 

Khá nhiều học sinh vì nhiều lý do phải chuyển từ trường quốc tế sang trường trong nước đã bị “sốc” vì những khác biệt quá lớn về môi trường và cách ứng xử. Bên cạnh đó, quen với môi trường giáo dục được phục vụ, được đối xử như những “thượng đế nhỏ tuổi”, học sinh trường quốc tế khi chuyển sang trường Việt 100% thường cảm thấy xa lạ, không thể hoà nhập được với bạn bè. Một bộ phận các em trở nên “vô cảm”, không biết chia sẻ trước các khó khăn của những học sinh có gia đình thua kém mình về điều kiện tài chính.

 

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM) cho rằng trường học như xã hội thu nhỏ với nhiều thành phần, tầng lớp, nên cùng ăn, cùng chơi, cùng học với nhau, trẻ được giáo dục kỹ sẽ có cái nhìn đa dạng hơn về xã hội, biết chia sẻ, cảm thông với những bạn khó khăn hơn mình, còn trong môi trường quốc tế, sống quá đầy đủ, nếu không được chú trọng đến việc hình thành nhân cách rất có thể trẻ sẽ trở nên ích kỷ.

 

Thực tế đã cho thấy không ít học sinh trường quốc tế là con nhà khá giả thường có tâm lý học đòi lẫn nhau, và xa cách với bạn đồng trang lứa ít đầy đủ như mình. Có thể thấy điều này trong một hội trại dành cho học sinh THPT toàn thành phố do Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức, trong khi học sinh các trường quận nội thành và ngoại thành vui chơi hoà đồng với nhau, học sinh của một trường “quốc tế” duy nhất tham gia hội trại này co cụm lại nghe nhạc bằng máy iPod, hay “ta chơi với mình”, và xa cách với bạn bè trong hội trại.

 

Khoảng cách về chương trình học
 
Sau khi học xong lớp 10 trường THPT Bùi Thị Xuân, Trần Lệ được bố mẹ chuyển sang học trường song ngữ H. ở quận 1. Kết quả năm học lớp 11 của Lệ ở trường mới khá khả quan, em lọt vào hàng học sinh giỏi của khối, với điểm trung bình môn toán đạt đến 9,3. Nhưng khi so bài vở với bạn cũ ở Bùi Thị Xuân, Lệ hoảng hồn khi thấy kiến thức học được sơ sài hơn bạn.
 
Gia đình đôn đáo đưa em về học trường Việt Nam. Kết quả học kỳ I ở trường mới, điểm trung bình môn toán của em chỉ còn 5,3; các môn còn lại cũng ở mức trung bình. Gia đình phải thuê gia sư kèm ráo riết.
 
“Nếu không trở tay kịp chắc con bé thi rớt đại học năm đó rồi”, chị Ngọc Thuỷ, mẹ của Lệ tâm sự. Chị Thuỷ kết luận rằng nếu phụ huynh nào chắc chắn cho con đi du học thì hãy gửi con vào trường quốc tế, với chương trình tại các trường này hiện học sinh khó có khả năng thi đậu vào một trường đại học trong nước.
 

Cuối năm 2008 và đầu năm 2009, Sở Giáo dục và đào tạo cũng đã tiến hành thanh tra 22 cơ sở giáo dục, đặc biệt là những trường có yếu tố nước ngoài. Kết quả thanh tra cho thấy một số cơ sở ngoại ngữ, trường mầm non tư thục, trung học phổ thông dân lập có yếu tố nước ngoài vi phạm các quy định như: hoạt động không phép hay không công khai giấy phép, chương trình học, học phí; sử dụng giáo viên không có hợp đồng lao động, giáo viên người nước ngoài giảng dạy chưa có giấy phép lao động...

 

 

Theo Hồng Ân
Sài Gòn Tiếp Thị