Hơn một vạn thí sinh đạt 20 điểm trở lên trượt NV1

Đây là kinh nghiệm và “luật chơi” dành cho các thí sinh chuẩn bị thi vào đại học. Nếu nắm rõ luật và lượng đúng sức mình, thì sẽ không có chuyện dở khóc dở cười có tới 10.100 thí sinh 20 điểm... vẫn trượt. Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học - Sau Đại học cho biết.

Ngày 14/8 báo chí đưa tin, một thí sinh chọn thi vào ngành Hệ thống thông tin - ngành có tỷ lệ chọi thấp của Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) đạt 20 điểm vẫn bị nốc-ao chỉ vì trường này lấy điểm tuyển chung cho các ngành và cho đó là sự thiếu công bằng. Bà có ý kiến gì về việc này?

 

Trong quá trình tuyển sinh, có những trường lấy điểm chuẩn riêng theo từng ngành, có những trường định điểm chuẩn chung cho nhiều ngành hoặc cả trường.

 

Trong trường hợp này thí sinh cần biết  xem trường ĐH mình thi vào có thông báo lấy điểm chuẩn riêng từng ngành không. Nếu trường lấy điểm chuẩn chung của trường thì đó là “luật chơi” của trường, nên biết  trước khi thi.

 

Nếu trường công bố lấy điểm theo từng ngành và đến bây giờ lại lấy theo điểm chuẩn chung của trường thì trường vi phạm “luật chơi”. Và ngược lại, nếu “luật chơi” đã có từ trước thì thí sinh có thể chưa tìm hiểu kỹ trước khi vào cuộc.

 

Nhìn chung tất  cả trường  đều có quy định riêng trong tuyển sinh như đã nói ở trên. Thí sinh cần cân nhắc cẩn trọng khả năng của mình, nhu cầu khả năng tiếp nhận của trường... để trả lời câu hỏi mình có đủ khả năng cạnh tranh với các thí sinh khác không.

 

Tỷ lệ chọi có thể quan trọng và cũng có thể không có ý nghĩa nhiều lắm; ví dụ trường ĐH Bách khoa chẳng hạn, dù tỷ lệ chọi chỉ là 3 nhưng 3 thí sinh ngang tài ngang sức với nhau, thí sinh phải biết mình có đủ sức cạnh tranh hay không.

 

Đã là “luật chơi” thì phải đảm bảo công bằng cho các thí sinh cùng tham gia một cuộc.

 

Như vậy vì “luật chơi” này mà có những thí sinh đạt 20 điểm vẫn trượt đại học?

 

Đúng thế, mặc dù, các thí sinh đạt 20 điểm đã là một nỗ lực đáng ghi nhận và với 20 điểm các trường có thể thực hiện được tốt công việc đào tạo (Bộ GD-ĐT còn định điểm sàn là 13 cơ mà) nhưng các trường ĐH có chất lượng đều muốn nâng cao chất lượng hơn nữa,  chỉ tiếp nhận đào tạo đến một ngưỡng nào đó phù hợp với khả năng của trường về cơ sở vật chất, giáo viên, phòng thí nghiệm.

 

Theo thống kê bước đầu số thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên trượt đại học theo NV1 là  10.100 thí sinh. Theo đó, có những thí sinh đạt từ 20 đến 22,5 điểm vẫn trượt Học viện Tài chính vì trường này lấy 23,0 điểm, hay như ngành Kế toán của ĐH Kinh tế Quốc dân lấy 26,0 điểm thì có nghĩa là những thí sinh đạt 20-25,5 điểm đều trượt NV1... các thí sinh trượt NV1 vẫn còn cơ hội thứ hai nữa.

 

Nhưng nguyện vọng 2 cũng không kém phần cam go vì cùng “luật chơi”?

 

Các trường ĐH, CĐ đang thông báo tuyển sinh NV2, và những trường không tổ chức thi cũng đang xét tuyển, vì vậy những thí sinh rơi vào hoàn cảnh như thí sinh kể trên phải chọn cho mình NV2; còn nếu thí sinh này vẫn tha thiết với ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) thì em sẽ phải chờ đợi và phấn đấu tiếp vào mùa thi năm sau.

 

Các đại học đẳng cấp quốc tế có cùng luật chơi này không?

 

Có chứ. Nước Mỹ chẳng hạn, có kỳ thi SAT chung. Các thí sinh mang kết quả đi xét tuyển. Nếu trượt trường này họ sẽ phải đi xét tuyển ở trường thấp hơn; nếu thí sinh chỉ thiết tha với một trường nào đó, sang năm họ lại đi thi tiếp.

 

  có lời khuyên nào đối với các thí sinh sắp đăng ký NV2?

 

NV2 cũng sẽ có luật chơi tương tự, chọn từ trên xuống và cạnh tranh không kém phần cam go do số chỉ tiêu các trường còn không nhiều nên thí sinh phải thận trọng.

 

Bộ GD-ĐT và xã hội đang hỗ trợ thí sinh bằng các hình thức khác nhau: Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, các báo thường xuyên đưa thông tin về NV2, các thí sinh phải cập nhật thông tin và cân nhắc thận trọng.

 

Khó khăn lớn nhất là thí sinh sẽ không biết trường nào đến thời điểm nào có bao nhiêu đơn nộp NV2 và không nắm được điểm số của đối thủ?

 

Đó cũng là một khó khăn. Tuy nhiên thí sinh cần biết một điều: Không ai có thể chờ đến phút chót rồi mới mang gạch đến xếp hàng. Cân nhắc, thận trọng và đúng cơ hội là điều các thí sinh nên làm.

 

Chân thành cảm ơn bà!

 

Theo Hồ Thu

Tiền Phong