Hơn 7.300 học sinh được hỗ trợ chương trình giáo dục GPOBA

(Dân trí) - Tổng kết một năm thực hiện chương trình hỗ trợ giáo dục GPOBA, hơn 7.300 học sinh của 64 trường THPT và TCCN thuộc 12 tỉnh thành trên cả nước đã được hưởng lợi từ chương trình này.

Hơn 7.300 học sinh được hỗ trợ chương trình giáo dục GPOBA - 1
Một điểm trường THCS ở tỉnh Bắc Giang đang được nghe phổ biến chương trình dự án GPOBA.
 
Ngày 28/7, tại TP Đà Nẵng, Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, Ngân hàng Thế giới và chương trình hỗ trợ giáo dục GPOBA đã tổ chức tổng kết một năm triển khai thực hiện “Chương trình hỗ trợ học sinh nghèo học hết bậc THCS lên học bậc THPT”.

Chương trình hỗ trợ giáo dục GPOBA là chương trình đầu tiên được thực hiện bằng mô hình dựa trên kết quả đầu ra lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục với việc hỗ trợ tiền học phí cho học sinh.

Tổng quản lý dự án, bà Catherine, cho biết sau hơn 1 năm thực hiện chương trình đã có 7.338 học sinh gồm 64 trường thuộc 12 tỉnh thành miền núi phía Bắc và ven biển miền Trung được tham gia học tập.

Theo bà Catherine, mục đích của chương trình là tăng cơ hội học lên bậc THPT cho học sinh nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nâng cao tỉ lệ chuyên cần, giảm tỉ lệ bỏ học. Ngoài ra, chương trình này còn cải thiện chất lượng giáo dục cho học sinh qua việc nâng cao kết quả học tập và chuyên cần, đồng thời chứng minh rằng mô hình hỗ trợ dựa trên kết quả đầu ra có thể nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc THPT tại Việt Nam.

Theo kết quả được đánh giá qua chương trình này có 84% học sinh tham gia đạt tiêu chí đầu ra học kỳ 1, 92% học sinh đạt tiêu chí đầu ra cả năm, 60% số trường tham gia chương trình tăng tỉ lệ nhập học, 70% số trường tham gia chương trình giảm tỉ lệ bỏ học. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu của việc bỏ học là học sinh có học lực và hạnh kiểm kém, không thích học và chỉ muốn đi làm…

Bà Catherine cho biết, thành công của chương trình là tăng cơ hội học lên bậc THPT cho trên 7.300 học sinh nghèo, tăng tỉ lệ nhập học các trường tham gia, các trường chú trọng tới việc nâng cao giáo dục hơn…

Bên cạnh những mặt được thì chương trình này cũng gặp một số khăn như các gia đình gặp khó khăn trong việc xác nhận hộ nghèo từ phía chính quyền địa phương, nhà trường không có nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc thẩm định gia cảnh, nhiều trường chuyển đổi sang công lập nên không đủ điều kiện tham gia chương trình, nhiều học sinh bị hổng kiến thức từ bậc THCS…

Phát biểu về mô hình này, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Trần Xuân Nhĩ cho biết: “Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ và Ngân hàng Thế giới đề ra dự án này rất phù hợp với hoạt động của Hội khuyến học Việt Nam, vì vậy chúng tôi đã huy động sự đóng góp của các hội địa phương. Không những thế chính quyền địa phương đã hổ trợ chương trình bằng cách đối ứng 10% số tiền được tài trợ, tạo điều kiện cho các hội địa phương hoạt động”.

Theo ông Nhĩ, vì nghèo nên đa phần các em học kém, học kém thì không vào trường công được, mà học trường tư thì phải tốn tiền. Cái vòng luẩn quẩn này đã làm nhiều em phải bỏ học. Dự án này chính là cái phao cứu các em.

Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cũng hy vọng tất cả học sinh tham gia dự án sẽ được học hết bậc THPT, cần hạn chế tối thiểu các em bỏ học giữa chừng. Sau khi học xong, các tổ chức tiếp tục tìm cách tài trợ để các em có cơ hội học cao hơn sau này phục vụ cho việc xây dựng đất nước.
Công Bính