Hơn 30 ngày “sinh tử” của Chiến lược Giáo dục 2009-2020

(Dân trí) - Ngày 18/12, Dự thảo Chiến lược Giáo dục 2009- 2020 chính thức ra mắt dư luận để xin ý kiến. Hơn 30 ngày “trình làng”, Dự thảo dường như đã trải qua những giờ phút gay cấn nhất khi đã xuất hiện những ý kiến đề nghị phải “khai tử”!

Mở màn cho lời đề nghị phải “khai tử” Dự thảo này là của nhóm các chuyên gia của hội đồng tư vấn khoa học thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với văn bản đề nghị lên Chính phủ dừng chiến lược lại để làm cải cách giáo dục. Theo đó, trước hết cần lập một ủy ban về cải cách giáo dục, làm việc tới năm 2010, việc làm chiến lược chỉ nên xem là một hợp phần của việc cải cách này.

Đề nghị này sau đó đã không được Thủ tướng chấp nhận. Thủ tướng kết luận đã giao Bộ GD-ĐT xây dựng Chiến lược giáo dục 2009-2020, “vì vậy, không phải thành lập ủy ban cải cách giáo dục”.

Coi chừng lâm vào cảnh “đẽo cày giữa đường”

Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 được Bộ GD- ĐT bầu chọn là một trong 12 sự kiện của ngành giáo dục năm 2008. Chiến lược được xây dựng từ tháng 8/2007 với sự tham gia của 27 nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài ngành.

 

Dự thảo chiến lược xác định 6 thành tựu, 5 yếu kém của Giáo dục Việt Nam, nêu ra 6 quan điểm (triết lý) để phát triển giáo dục Việt Nam, xác định 3 mục tiêu và 11 giải pháp, trong đó có 2 giải pháp có tính đột phá để phát triển giáo dục tới 2020.

Các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược 2009-2020 được đăng tải trên các phương tiện thông đại chúng mổ xẻ vào nhiều vấn đề của Dự thảo, nhưng phần nhiều đều có chung một nhận xét là Dự thảo quá… “lạc hậu”.

Lạc hậu biểu hiện cụ thể thế nào? GS-TS Bùi Khánh Thế, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM cho rằng: “Chiến lược phát triển giáo dục được xây dựng trên nền tư duy cũ, chưa nhận định rõ tình hình giáo dục hiện tại, do đó chưa nêu được các biện pháp thiết thực”.

“Mục tiêu, giải pháp nêu ra trong dự thảo chiến lược đều không rõ ràng và là cách làm của mấy chục năm  trước” - là nhận định của PGS-TS Lê Ngọc Trà, Viện Nghiên cứu giáo dục.

Một cách nhã nhặn và chân thành, GS Phạm Phụ, trường ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng: “Chiến lược được soạn thảo đã trên 1 năm, có đến 27 nhóm nghiên cứu chuyên đề, đã qua 13 lần chỉnh sửa, có cả chuyên gia tư vấn quốc tế v.v… nghĩa là Chiến lược đã được soạn thảo khá công phu. Nhưng xin nói thực lòng, chất lượng của Chiến lược đã không cải thiện được mấy. Và còn có thể nói, cung cách xây dựng, cấu trúc của nội dung và cả ngôn ngữ, về cơ bản vẫn là của Chiến lược Giáo dục 2001-2010, một cung cách và cấu trúc đã tồn tại nhiều chục năm trước đây”.

Khi thất vọng về sự lạc hậu của Chiến lược giáo dục, GS Hoàng Tuỵ - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển IDS, đã bày tỏ thái độ này của mình trong kiến nghị giáo dục của IDS gửi Trung ương Đảng CSVN, Quốc hội và Chính phủ ngày 12/1: “Trong suốt thời gian dài, tuy các quan chức phụ trách giáo dục mỗi lần báo cáo đều thừa nhận “chậm đổi mới tư duy”, song đổi mới như thế nào thì không rõ và dĩ nhiên tình hình mập mờ ấy hậu thuẫn cho tư duy lạc hậu, cũ kỹ, cứ tiếp tục phát triển. Vẫn các quan điểm xơ cứng về xây dựng giáo dục từ thời bao cấp trước đây, chỉ có khác là loay hoay tìm cách thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, giáo dục đầu ngành, dù rất thất vọng khi phải chứng kiến sự lạc hậu của bản Dự thảo nhưng cũng đều đưa ra khuyến cáo rằng: Việc lấy ý kiến cho Chiến lược Giáo dục, một lĩnh vực có vẻ rất quen thuộc đối với tất cả, nếu ra quyết định theo kiểu “phổ thông đầu phiếu” thì coi chừng lâm vào cảnh “đẽo cày giữa đường”.
 
Hơn 30 ngày “sinh tử” của Chiến lược Giáo dục 2009-2020 - 1

Phương châm của Chiến lược Giáo dục 2009-2020: "Không để học sinh nào nghèo mà không được học"

Bộ GD-ĐT: Chờ đợi trong cầu thị

Hơn 10 ngày sau khi chính thức ra mắt, lắng nghe dư luận, Bộ GD-ĐT đã giảm hơn 20 mục tiêu bị nhìn nhận là “phi thực tế” trong Dự thảo Chiến lược giáo dục 2009- 2020. GS Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam, một trong những tác giả của Dự thảo cho biết: “Ngành đã tiếp thu những ý kiến đó một cách nghiêm túc. Ban soạn thảo chiến lược đã điều chỉnh từ 70 chỉ tiêu rút xuống còn gần 50 chỉ tiêu. 50 chỉ tiêu đó được tính toán dựa trên những số liệu có căn cứ. Việc rút bớt hơn 20 chỉ tiêu trong dự thảo chiến lược giáo dục không phải phép xóa bỏ thô thiển mà là giữ lại những gì có căn cứ”.

Cũng theo GS Châu, trong một chiến lược quốc gia, không có chiến lược nào có thể nêu tất cả các số liệu chi tiết cho các chiến lược giáo dục từng cấp và tại sao lại có số liệu đó thì chưa có mục tiêu nào nói được. Sau chiến lược này, mỗi một cấp học sẽ có một chiến lược riênmoo nêu rõ sẽ bắt đầu từ những gì và mục tiêu triển khai cụ thể. Hiện, các vụ chức năng đã nhận trách nhiệm làm chiến lược riêng cho từng cấp học.
 
Cũng ngay sau đó một tuần, Bộ GD-ĐT công bố Giải trình về dự thảo Chiến lược giáo dục 2009-2020 với 4 câu hỏi lớn do ngành tự đặt và tự trả lời với hy vọng sẽ giải đáp rốt ráo cho những băn khoăn của dư luận.

4 câu hỏi lớn bao gồm: 1. Việc xây dựng dự thảo chiến lược giáo dục 2009-2020 được tiến hành như thế nào? 2. Chiến lược có gì mới? 3. Tại sao lại chọn quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những giải pháp mang tính đột phá? 4. Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 có chú trọng tới người học không?

Với câu hỏi: Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 có gì mới? Bộ đã đưa ra các quan điểm phát triển giáo dục có những điểm mới so với trước đây như đưa ra 6 quan điểm phát triển giáo dục được trình bày một cách cụ thể hơn, có những điểm mới thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế, thích ứng với các xu thế của thời đại. Xác định rõ tầm nhìn giáo dục Việt Nam trong vòng 2 thập kỷ tới; Xác định 3 mục tiêu chiến lược…

Cuối tháng 2/2009, Bộ GD-ĐT sẽ tổng kết việc góp ý kiến của tất cả các giới trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài, hoàn chỉnh dự thảo Chiến lược để báo cáo Chính phủ. 

Mai Minh