Học tiếng Việt để không quên nguồn cội

Những lớp Việt ngữ hay những trung tâm tiếng Việt ở Mỹ không còn là chuyện mới. Và hiện nay, việc đưa con em đến các lớp tiếng Việt đang dần trở thành một nhu cầu không thể thiếu của nhiều gia đình người gốc Việt trên đất Mỹ.

Lớp học tiếng Việt ngày một tăng

Có thể nói trên đất Mỹ hiện tại - nhất là nơi nào có cộng đồng người gốc Việt định cư, sinh sống - không ít các nhà thờ, nhà nguyện, chùa chiền, nhà văn hoá và ít nhất đều có một lớp tiếng Việt hay một trung tâm dạy tiếng Việt. Các lớp học tiếng Việt thường mở cửa vào mỗi ngày cuối tuần để phụ huynh đưa con em đến học tiếng Việt. Chỉ tính riêng các lớp hay các trường tiếng Việt ở vùng Nam California, người ta có thể tìm thấy những con số đầy ấn tượng. Tại đây hiện có hơn 80 trường các cấp, thu hút khoảng 15 nghìn trẻ em gốc Việt tìm vào các lớp tiếng Việt.

Bà Cao Ngọc Điệp, giám đốc Trung tâm Việt ngữ Gia đình Phật tử Liên Hoa (TP Garden Grove) cho biết: "Trung tâm của chúng tôi thành lập đã 10 năm qua, hiện có khoảng 150 em theo học từ lớp vỡ lòng đến lớp 6. Tất cả các thiện nguyện viên gồm các huynh trưởng gia đình Phật tử và thầy cô giáo đều đến với tinh thần thiện nguyện có nghĩa là không có lương. Lý do vì chúng tôi luôn muốn thấy thế hệ trẻ của chúng ta nói, đọc và viết được tiếng Việt lưu loát dù các em sinh ra, lớn lên ở xứ người”. Trong khi đó, Trung tâm Việt ngữ Cộng đoàn Westminster hiện thu hút hơn 400 học sinh. Ông Hiệu trưởng Trần Hồng Chi nói: "Đây là nhà thờ của các giáo dân Cộng đoàn Westminster hay còn gọi Cộng đoàn Thánh Phêrô. Chúng tôi có tất cả 14 lớp từ mẫu giáo tới lớp 7 và môt lớp đặc biệt dành cho các em học sinh lớn mà chưa từng học tiếng Việt bao giờ. Tuy đa phần là các em thuộc Cộng đoàn nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng nhận tất cả các em những nơi khác đến mà không phân biệt tôn giáo nào!”.

Học tiếng Việt để không quên nguồn cội
Sinh hoạt tại một số trung tâm dạy tiếng Việt ở Mỹ.

Cũng ở vùng Nam California còn có Trung tâm Văn hóa Hồng Bàng và Trung tâm Văn hóa Việt Nam là hai trung tâm độc lập, không thuộc cơ sở tôn giáo hay tổ chức nào, mỗi trường qui tụ từ 750 - 800 em học sinh.

Giữ bản sắc quê hương

Người gốc Việt ở Mỹ thường đánh giá sự giáo dục của cha mẹ đối với con cái bằng cách xem đứa trẻ nói năng, thưa gửi chuyện trò bằng tiếng Việt như thế nào. Và khi các lớp dạy tiếng Việt, những trường tiếng Việt tại các chùa, tự viện, nhà thờ hoặc những trung tâm độc lập đua nhau thành lập, hấp dẫn bậc phụ huynh đưa con em đến học thì điều này cũng vô tình tạo áp lực lên những vị phụ huynh mà vì lý do này lý do khác không thể đưa con đến các lớp tiếng Việt được. Có thể nói từ phong trào đi học tiếng mẹ đẻ, sinh hoạt này bây giờ đã và đang trở thành một nền nếp không thể thiếu đối với những gia đình gốc Việt. Không ai muốn con mình thua kém về mặt tiếng Việt so với con người khác. Hơn nữa, dường như các phụ huynh hiểu rõ muốn học một ngôn ngữ có kết quả tốt thì phải bắt đầu từ rất sớm.

Giáo sư Quyên Di, giảng viên ngôn ngữ chuyên về tiếng Việt tại hai trường Đại học Cal State Long Beach và UCLA ở California nhận xét: "Tôi là cố vấn của Ban Đại diện các Trung tâm tiếng Việt vùng Nam California. Tại các trung tâm này luôn có rất nhiều những cố gắng của các cá nhân, tổ chức để thành lập ra những lớp dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ. Đến khi sự cố gắng đó cần một đầu mối thống nhất để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hay cùng trao đổi kinh nghiệm dạy học thì có sự ra đời của Ban Đại diện các Trung tâm tiếng Việt vùng Nam California. Tôi từng có cơ hội đi trợ giúp cho nhiều thầy cô giáo ở các địa phương xa, từng thấy nhiều trường Việt ngữ thu hút đông đảo học sinh. Một số trường trung học miền Bắc và miền Nam California đã có chương trình dạy tiếng Việt chính thức như một ngoại ngữ. Bởi vậy học và dạy tiếng Việt trở thành một sinh hoạt văn hóa hết sức quan trọng của người Việt ở đây...”.

Theo Sinh Nguyễn
Đại Đoàn Kết