Học Sử ở bảo tàng: Đến đóng dấu rồi về!

(Dân trí) - Đưa học sinh đến bảo tàng là một cách học Sử trực quan sinh động. Nhưng lại có tình trạng không ít trường tổ chức theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, đưa học sinh đến bảo tàng đóng dấu rồi về.

Đến bảo tàng mà không kịp… ngó!

Ngày cuối tuần, có con cháu đến chơi nên chị Dương Ngọc Minh, ngụ ở quận 3, TPHCM cùng mọi người tổ chức cho bọn trẻ đến một bảo tàng quy mô lớn ở trung tâm thành phố. Con trai chị học lớp 6 đã được nhà trường tổ chức đến tham quan, tìm hiểu tại bảo tàng này chưa lâu nhưng lần này đến nơi vào phòng tham quan, cháu ngơ ngác rồi khư khư: “Con chưa từng đến đây bao giờ!”.

Mới đầu chị Minh thấy khó hiểu nhưng khi biết rằng, nhà trường “chạy sô” đưa các cháu đến 3 bảo tàng trong một buổi sáng thì việc con chị đến mà chẳng nhớ gì cũng không lạ.

Những năm gần đây, việc đưa học sinh (HS) đến bảo tàng trong việc học Lịch sử đã được nhiều trường học ở TPHCM chú trọng. Đối tượng HS chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng khách đến thăm bảo tàng. Thế nhưng, không ít trường tổ chức nhưng HS đến còn chẳng kịp “ngó” hay chỉ kịp chụp vào bức ảnh làm kỷ niệm.

Học Sử ở bảo tàng: Đến đóng dấu rồi về!
Tỷ lệ học sinh, sinh viên đến bảo tàng ở TPHCM có xu hướng tăng nhưng còn mang nặng tính hình thức (Ảnh minh họa)

“Nhiều trường cho HS đến tham quan nhanh chóng một số phòng, ra đóng dấu xác nhận đã đến bảo tàng rồi về. Có thể thời gian quá ít, các trường tổ chức đi nhiều bảo tàng trong ngày nên cập rập”, bà Xinh cho hay.

Tổ chức theo phong trào

Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho rằng đến bảo tàng là một cách thức giáo dục lịch sử, giáo dục thẩm mỹ rất hiệu quả cho HS, giúp các em hướng tới chân thiện mỹ trong cuộc sống. Các em được đến bảo tàng càng sớm càng tốt.

Hiện nay, các bảo tàng ở TPHCM đều miễn phí vé vào cổng cho các em HS. Con đường HS đến với bảo tàng tưởng gần mà vẫn xa. Tỷ lệ HS đến bảo tàng tuy tăng, tuy nhiên không ít trường học chưa từng tổ chức cho HS đến bảo tàng trong việc gắn liền với môn Sử.

Theo bà Cao, rất nhiều trường mong muốn tổ chức cho các em nhưng hiệu trưởng than, không có xe đưa đón, kinh phí. Phía bảo tàng miễn phí vé vào cổng, không thể kham thêm việc đưa đón các em.

Chưa kể, đối với một số trường việc tổ chức lại mang nặng tính hình thức, chưa chú trọng đến hiệu quả.

Hoạt động đưa học trò đến bảo tàng học Sử cần chú trọng đến hiệu quả (Ảnh minh họa)
Hoạt động đưa học trò đến bảo tàng học Sử cần chú trọng đến hiệu quả (Ảnh minh họa)

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, việc tổ chức cho HS đến bảo tàng được xem là một tiết học, tất cả HS phải được tham gia. Nhưng hoạt động này kéo theo nhiều vấn đề thời gian, kinh phí tổ chức và cả hiệu quả nên việc tổ chức một số nơi còn mang tính hình thức.

Một số trường muốn thực hiện không sắp xếp được thời gian do lịch học chính khóa hiện nay gây khó khăn với mong muốn đểác em học thêm từ bên ngoài. Việc tổ chức phải thuê xe, ăn uống cho các em đòi hỏi kinh phí nên nhiều trường làm theo phong trào, chọn một số em đội viên, HS tiêu biểu tham gia.

Cũng có một số trường, đã nốt công tổ chức, cố đi cho được nhiều bảo tàng mà không chú ý đến việc các em được được điều gì.

Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, đưa HS đến bảo tàng là hoạt động cần thiết, nhiều trường tổ chức rất có kết quả. Khi thực hiện hoạt động này, các trường cần giải quyết các vấn đề vướng mắc về thời gian, kinh phí. Và đã tổ chức đưa các em đến bảo tàng phải có thu hoạch, phải hiệu quả, tránh việc tổ chức theo phong trào. .

Đưa bảo tàng đến với học sinh

Một số bảo tàng ở TPHCM như bảo tàng Thành phố, bảo tàng Mỹ thuật… sẽ tăng cường các hoạt động đưa bảo tàng đến với trường học. Trường nào có nhu cầu, sẽ đưa các bộ triển lãm, hiện vật đến trường trưng bày, triển lãm miễn phí tạo điều kiện cho HS học tập, tìm hiểu.

Đồng thời, các bảo tàng sẵn sàng cử nhân viên đến hỗ trợ các tiết học ngoại khóa tại trường về các chủ đề lịch sử.

Xây dựng các chủ đề gắn liền với học tập

Để hấp dẫn HS và giúp các em thuận tiện tìm hiểu kiến thức tại bảo tàng, các bảo tàng nên xây dựng những chủ đề, hoạt động, giao lưu gắn liền với nội dung học tập của các em.

Đặc biệt là nên gắn liền với các cuộc thi nào đó về Lịch sử dành cho HS. Để các em chọn lựa bảo tàng phù hợp, mới biết mình cần tìm hiểu cái gì thì say mê, hứng thú tránh tình trạng đến bảo tàng một cách hình thức.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc bảo tàng Nam Bộ

Hoài Nam
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!