"Học sinh xuất sắc" không biết cầm chổi quét nhà

Là học sinh tiêu biểu thủ đô, đi thi học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Pháp, ở trường như “ngôi sao” sáng chói nhưng tham gia lao động thì bị bạn bè phát hiện không biết quét sân, Đức Anh xấu hổ một thì bố mẹ cậu suy nghĩ mười.

Trường hợp như Đức Anh không hề hiếm. Thậm chí hơi quá lời một chút thì hình ảnh cậu chính là đại diện cho thế hệ thiếu niên được cha mẹ chăm bẵm bảo bọc, giỏi học giỏi chơi nhưng vụng về kỹ năng sống.

“Đến xới bát cơm, rửa cái cốc uống nước cũng vụng!” là câu cảm thán bà Hoa kể về đứa cháu gái “học sinh giỏi xuất sắc” của mình. Nghỉ Tết, cháu được nghỉ học sớm nên về quê ở với bà trước. Lần đầu tiên về quê không có bố mẹ “kèm”, cô thiếu nữ lớp 8 đi đứng lật bật va chỗ nọ vỡ chỗ kia bà còn thông cảm vì “cháu nó lạ nhà lạ cửa nên chưa quen”. Nhưng bà phát hoảng lên vì việc cầm cái chổi khua vài đường ngoài sân cháu bà cũng không biết làm. Giao ngồi đầu nồi xới cho bà bát cơm cũng rơi cả cơm lẫn thìa. Đi rửa cốc uống nước thì vỡ cốc chảy máu tay... Bà Hoa kể không xiết sự bất ngờ trước cô cháu gái.

“Nghe bố mẹ nó nói cháu đàn hay hát giỏi tiếng Anh như gió, là học sinh xuất sắc, cây văn nghệ cấp thành phố; thế mà về quê với bà lại vụng về hậu đâu; còn không bằng mấy đứa cháu lấm lem cả ngày nhà hàng xóm. May mà bà phát hiện ra, phải bảo bố mẹ nó nắn rèn con lại, chứ sau này đi học xa nhà thì cháu tôi làm gì có ai sống hộ lo hộ?”, bà than.


Học giỏi nhưng nhiều “cậu ấm cô chiêu” không hề biết gấp chăn màn, rửa bát...

Học giỏi nhưng nhiều “cậu ấm cô chiêu” không hề biết gấp chăn màn, rửa bát...

Trường hợp của gia đình anh Hoàng Lâm (TPHCM) cũng không khá khẩm gì hơn. Hoàng Minh - con trai học lớp 9 rồi mà việc cho quần áo vào máy giặt, ấn nút để máy tự chạy mà con cũng lúng túng. Ở lớp, cậu con trai anh Lâm có biệt danh là “soái ca” vì học hành chăm chỉ, đẹp trai rạng ngời, nhưng kỹ năng sống thì “có độ hư cấu cao hệt phim ảnh”. Có hôm hai vợ chồng anh Lâm đi công tác xa, mua đủ thứ đồ ăn dự trữ trong tủ lạnh rồi dặn dò con cách đặt nồi cơm điện, luộc rau, rán trứng. Thế nhưng cậu con trai 15 tuổi úp bát mì tôm ăn cho qua bữa còn bị bỏng nước sôi. Rút kinh nghiệm, lần này đi công tác, vợ anh Lâm gửi tiền hàng xóm rồi bảo con qua bên đó ăn cho nhanh gọn.


Quyết định cho con học nội trú, phụ huynh hy vọng môi trường này sẽ giúp con tự lập và trưởng thành hơn.

Quyết định cho con học nội trú, phụ huynh hy vọng môi trường này sẽ giúp con tự lập và trưởng thành hơn.

Thấy cậu con trai nhà hàng xóm chỉ hơn con mình 1 tuổi mà việc nhà không chỉ biết làm, lại còn xăng xái giúp đỡ bố mẹ mỗi cuối tuần, chị Nga (Ba Đình, Hà Nội) ngưỡng mộ cậu bé này lắm. Dò hỏi mẹ cậu chị được biết sau 1 năm đi học nội trú ở trường cấp 3 FPT, từ cậu công tử ăn không phải tự gắp, mặc quần áo không phải tự cài khuy; được rèn luyện trong môi trường học cả kiến thức lẫn kỹ năng sống; cậu thành chàng trai đảm đang tháo vát “con nhà người ta”. Vì đi học nội trú, đều đặn cứ tối thứ Sáu đến Chủ Nhật được nghỉ học, cậu về nhà và giữ nếp dậy lúc 6h30 trên trường. Sau khi dọn phòng, gập chăn màn vuông vức, giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, cậu xin phép đi chơi phố với bạn bè. “Không có bài tập cuối tuần, ở trường thì được rèn vào nếp ăn nếp ngủ. Lại sống tập thể quen nên cháu không còn “cả ngố” như trước nữa. Tôi định đứa thứ hai lên cấp 3 thì cũng cho lên FPT học nội trú. Coi như là chuẩn bị cho tương lai đi du học xa bố mẹ của các cháu luôn”.

Nghe hàng xóm tâm sự, nhìn con trai lớp 9 của mình vừa lười vừa ỷ lại, chị Nga cũng chủ định khi con chuyển cấp, sẽ cho con vào học nội trú tại trường THPT FPT để rèn giũa lại.

Theo cô Phùng Thị Hiên - chuyên gia Tâm lý học đường của Trường THPT FPT, học sinh ở nhà không làm việc nhà dễ hình thành tâm lý ỷ lại, thiếu sẻ chia và ngại va chạm trong tương lai. Việc rèn luyện tính tự lập, tính kỷ luật, tinh thần tự giác, cách thích nghi và hoà nhập cho trẻ có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống trưởng thành sau này. Trong đó, làm việc nhà là một trong những kỹ năng sống cơ bản và cần thiết cần được cha mẹ chú ý rèn luyện sớm.

Cô cũng chia sẻ, môi trường nội trú là nhân tố tốt để giúp các con vừa học kiến thức vừa rèn luyện kỹ năng sống.

Bình Nguyên