Ngày hội STEM 2017:

Học sinh sẽ được trải nghiệm dùng chuối đóng đinh sắt vào bàn gỗ

(Dân trí) - Dùng quả chuối tiêu để đóng chiếc đinh lên mặt gỗ, vẽ tranh bằng toán học, chế tạo điện từ khoai tây hay nước giải khát, lắp ráp robot… là những trải nghiệm thú vị cho học sinh yêu khoa học tại Ngày hội STEM 2017 diễn ra ngày 14/5 tới đây.

Chương trình là một sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng và cộng đồng giáo dục STEM dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN, được tổ chức lần đầu tiên năm 2015 nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM - một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu, Mỹ

Ngày hội STEM 2017 với chủ đề “Hành tinh tương lai” tiếp tục mang đến sân chơi cho học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và hướng nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, còn các nhà quản lý giáo dục - đào tạo và giáo viên tiếp cận phương pháp “học qua hành” hướng tới từng học sinh.

Tại buổi họp báo ngày 10/5, ông Đặng Văn Sơn - Trưởng BTC Ngày hội STEM 2017 cho hay, nhằm kích thích khả năng sáng tạo, tìm hiểu khoa học của các thí sinh, chương trình sẽ tổ chức hàng loạt trải nghiệm khoa học thú vị như tạo ra điện từ một số thức ăn như khoai tây, chanh, giấm, nước giải khát coca cùng nhiều mô hình toán học, lập trình…

Ông Đặng Văn Sơn - Trưởng BTC ngày hội STEM 2017 trả lời báo chí tại họp báo.
Ông Đặng Văn Sơn - Trưởng BTC ngày hội STEM 2017 trả lời báo chí tại họp báo.

Màn biểu diễn khoa học đóng chiếc đinh vào mặt bàn bằng quả chuối chắc chắn là trải nghiệm hấp dẫn không thể bỏ qua cho các em học sinh.

“Đó là thí nghiệm khó xảy ra trong cuộc sống. Khi thả quả chuối vào khí Nitơ lỏng lạnh hơn âm 100 độ C, thì quả chuối trở nên cứng mà có thể đóng đinh được”, ông Sơn lí giải về nguyên lý khiến quả chuối bỗng có khả năng đóng được chiếc đinh sắt cứng.

Quả chuối đã được đông lạnh ở nhiệt độ khoảng âm 170 độ C có thể đóng một chiếc đinh lên mặt gỗ.
Quả chuối đã được đông lạnh ở nhiệt độ khoảng âm 170 độ C có thể đóng một chiếc đinh lên mặt gỗ.

Đáng chú ý, ngày hội năm nay có sự xuất hiện của các em học sinh khối THPT cùng nhiều hoạt động đầy thú vị, phù hợp với lứa tuổi: tương tác với người máy thông minh NAO, tìm hiểu và lái thử xe thám hiểm sao Hỏa; làm một số thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học; điều khiển vật thể bằng sóng não, thử sức giải đáp kiến thức liên quan đến năng lượng tái tạo, phát triển bền vững bằng Tiếng Anh…

Các em học sinh sẽ được trải nghiệm nhiều thí nghiệm khoa học thú vị.
Các em học sinh sẽ được trải nghiệm nhiều thí nghiệm khoa học thú vị.

Một trải nghiệm thú vị khác dành cho các bạn nhỏ chính là các em sẽ được tham gia các trò chơi thể thao hay giải trí theo phong cách hiện đại để sống khỏe hơn trong hành tinh thông minh như: giữ thăng bằng để ăn bi, tung hứng, chạy nhảy với sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ.

Chương trình diễn ra từ 8h30-17h ngày 14/5 tại trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, dự kiến có khoảng 1.500 lượt học sinh và 500 lượt phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý tham gia.

Lệ Thu - Thu Hiền