Học sinh “lười” phát biểu là do giáo viên?

(Dân trí) - “Việc học sinh lười phát biểu nhiều khi không phải vì các em không hiểu bài hay thiếu sự mạnh dạn mà còn vì những lý do khác về tâm lý” - cô Vân Anh, giáo viên Văn Trường THPT Yên Phong I, tỉnh Bắc Ninh nhận định.

Cũng theo cô Vân Anh, hiện tượng các em lười phát biểu một phần là do chính suy nghĩ của các em. Các em quan niệm học sinh (HS) cấp THPT là lớn rồi và vì thế việc giơ tay xin phát biểu là rất trẻ con, các em nghĩ mình tự hiểu là được rồi. Bởi khi giáo viên gọi các em, các em vẫn trả lời được. Nhiều khi có một em hăng hái phát biểu còn bị các bạn khác cười, cho là thích “chơi trội”.

Nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Vì sao HS không giơ tay phát biểu?”, Trường THPT Chơn Thành (Bình Phước) đã có một cuộc thăm dò rộng dãi trên diễn đàn nhà trường. Kết quả thăm dò đã nhận được sự đóng góp ý kiến của đông đảo HS.

Theo quan điểm của các em thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc HS lười tham gia phát biểu. Chẳng hạn như, không biết nên không giơ tay; biết, nhưng quá dễ nên cũng không giơ tay; tâm lý “ngại giơ tay”, “ngại phát biểu” trước đám đông; sợ bị cho là “chơi nổi”…

Tuy nhiên cũng có em thẳng thắn nhìn nhận, nếu lớp học mà thầy cô thân thiện với học trò, chắc chắn lớp học sẽ sôi nổi, HS sẽ tranh nhau mà giơ tay phát biểu ý kiến. Còn từ trước tới giờ hầu như tiết học nào cũng theo khuôn: Thầy đọc - trò nghe - chép, không tạo sự thân thiện giữa thầy và trò. Giáo viên ít tạo ra những câu hỏi gây nên sự hứng thú để học trò mạnh dạn giơ tay trả lời.

Minh chứng cho vấn đề này, một HS phân tích: “Thường thì thầy cô chỉ hỏi một vài câu có sẵn trong sách, ai mà chả trả lời được, thế nên cũng chẳng ai thèm giơ tay trả lời”.

Là người đưa ra ý tưởng về cuộc thăm dò để tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả, thầy Lê Trương Quang Dũng - phó hiệu trưởng Trường THPT Chơn Thành đã có những chia sẻ thực tế với chúng tôi. Theo thầy Dũng, sau một thời gian thăm dò và tìm hiểu thì cho thấy ngoài các yếu tố mà HS đưa ra thì phương pháp giảng dạy hiện tại, cách thức thi cử hiện nay và đặc biệt là học thêm, dạy thêm là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các em lười phát biểu.

“Việc một số môn kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm đã vô tình làm HS lười phát biểu. Với cách thi như vậy thì đã phần giáo viên giảng dạy theo hướng trắc nghiệm nên khó đào sâu bài giảng, bên cạnh đó cách đặt câu hỏi cũng không thể thú vị để lôi cuốn HS tham gia”, thầy Dũng cho hay.

Là người nghiên cứu vấn đề HS “lười” phát biểu đã hơn 2 năm nay, thầy Dũng cũng nhận thấy vấn đề dạy thêm, học thêm có những tác động xấu trong việc lên lớp. Đa phần trong việc dạy thêm, học thêm thầy cô đều “chạy trước” chương trình dẫn đến tình trạng khi học chính khóa thì các em nhàm chán không muốn nghe và tham gia vào bài giảng.

Trách nhiệm thuộc về người thầy?

Phân tích dưới góc độ tâm lý giáo dục, T.S Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn do động lực và ham muốn học của HS. Điều này được thể hiện rõ ở chỗ đối với các lớp chọn hay trường chuyên thì hiện tượng này rất ít nhưng đối với các trường đại trà nơi mà có nhiều HS yếu kém thì tình trạng này phổ biến hơn.

Bên cạnh đó, đa số HS hiện nay đều có phương pháp học thụ động kèm theo việc bị phân tán trong việc lên lớp nên dẫn đến tình trạng thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin cộng với kỹ năng giao tiếp chưa tốt dẫn đến “lười” tham gia phát biểu.

Cũng theo T.S Lâm thì dù ở góc độ nào đi chăng nữa thì người thầy vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Hiện nay người thầy chỉ lo về mặt kiến thức nhưng phương pháp dạy thì không phát huy được trí lực của HS, không tổ chức cho HS chiếm lĩnh kiến thức mà chỉ “tung, vãi” kiến thức ai nhặt được gì thì nhặt.

Nhằm làm rõ vấn đề này chúng tôi cũng đã thực tế tại một số trường THPT. Quá trình quan sát cho thấy, đa số giáo viên đều theo con đường diễn giải bằng cách đọc lại sách giáo khoa phân tích từ đầu đến cuối. Tích cực hơn một chút thì cho HS làm một số bài tập. Giáo viên ít quan tâm đến phương pháp nêu vấn đề, kỹ thuật đặt câu hỏi trong bài giảng thường không cao.

Theo quan điểm của cô Vân Anh, giáo viên trường THPT Yên Phong I, để một tiết học sôi nổi thì khả năng xây dựng bài giảng của giáo viên đóng vai trò rất quan trọng, một môn học không làm các em hứng thú thì đương nhiên là các em sẽ không muốn phát biểu. Cách đặt câu hỏi của giáo viên cũng rất quan trọng, khi câu hỏi thiếu sự hấp dẫn, hoặc dễ quá thì không thể khuyến khích sự xây dựng bài ở HS được.

Tuy nhiên dưới một góc nhìn rộng hơn, thầy Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học và Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), cho rằng: “Không có trò dốt mà chỉ có trò chưa giỏi và nhiệm vụ là của người thầy. Đối với những người thầy giỏi luôn biết cách tạo ra sự sôi nổi cho lớp học, còn những thầy mà yếu kém và kiến thức chưa sâu thì dạy sẽ nhàm chán ngay. Giảng dạy giống như hoạt động nghệ thuật của một nghệ sĩ đòi hỏi người thầy phải tìm tòi và sáng tạo”.

Cũng theo thầy Lương, với thời đại Internet, nghĩa kiến thức toàn cầu cho nên giáo viên đừng có nghĩ chỉ cần một số quyển sách là đáp ứng được giảng dạy. Người thầy cần phải luôn tìm hiểu cập nhật những kiến thức mới để tạo ra sự hứng thú đối với HS.

Tham khảo một vài tiết học của những giáo viên khối chuyên, chúng tôi nhận thấy một sự khác biệt khá lớn đối với các trường THPT. Nếu như ở THPT thầy cô vào lớp là đi thẳng vào bài giảng thì ở khối chuyên, giáo viên bắt đầu từ những câu chuyện vui để dẫn dắt vào bài. Sự móc nối giữa những câu chuyện thực tế vào bài giảng đã tạo ra một cảm hứng rất mạnh mẽ đối với người học.

Việc tham gia phát biểu của HS chỉ là bề ngoài hình thức nhằm tạo ra sự sôi nổi của lớp học chứ không phải là yếu tố chính để đánh giá giờ học hiệu quả. Tuy nhiên dù thế nào thì yếu tố người thầy vẫn là khâu quyết định để chữa bệnh “lười” phát biểu của HS. Song có một thực tế, để cải thiện được điều này người thầy cũng chịu nhiều áp lực từ lỗi “hệ thống” và căn bệnh thành tích. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với bạn đọc trong bài viết tiếp theo Người thầy và những áp lực vô hình.

Nguyễn Hùng