Học sinh cần được giáo dục về tự nhận thức cá nhân

Hiện nay ở Việt Nam tồn tại không ít những “người lớn” 30 tuổi vẫn xin tiền bố mẹ để… nuôi con mình. Nhiều bậc phụ huynh dù con tốt nghiệp đại học vẫn coi như con nít. Nhiều bạn trẻ được bố mẹ dẫn đi xin việc...

Từ sự bao bọc của gia đình đến việc chỉ chú trọng kiến thức văn hóa của nhà trường tạo ra nguy cơ hình thành một lớp người lớn chưa trưởng thành trong xã hội Việt Nam. Bài viết sẽ nêu lên quan điểm về tầm quan trọng của giáo dục kĩ năng tự nhận thức bản thân cho học sinh – yếu tố tiên quyết giúp hình thành một con người tự lập, trưởng thành.

Một lớp người lớn chưa trưởng thành

Theo hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam hiện nay, đa phần học sinh hết bậc phổ thông ở độ tuổi 18 và chưa thể làm được việc gì theo hướng nghề nghiệp. Sau đó mất 4 năm đại học hoặc 2-3 năm theo các hệ nghề nghiệp. Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động là sinh viên ra trường vẫn thiếu các kĩ năng tối thiểu để có việc làm, trong khi đó nhiều ngành công nghiệp lại không đủ người đáp ứng.

Bên cạnh đó, các gia đình ở thành phố hay thậm chí nông thôn ngày càng có đủ điều kiện vật chất để sắp đặt một cuộc sống an bài cho con cái và các bạn trẻ cũng dựa dẫm gia đình nhiều hơn. Học sinh thậm chí không nhận thức được mình là ai, có ước mơ hoài bão gì và có những em phó mặc cho mọi thứ vì đã có phụ huynh lo. Có thể thấy rằng số lượng học sinh có nhu cầu hưởng thụ trong xã hội hiện nay ngày càng nhiều. Với đà phát triển như vậy, đang có nguy cơ hình thành một tầng lớp “người lớn” chưa trưởng thành, tức là lớn về mặt sinh học, nhưng không đủ kỹ năng để tự sống và lo cho người khác, biến bản thân mình thành một nỗi lo cho phụ huynh và xã hội.

Bất kì học sinh nào và đặc biệt những học sinh có tư tưởng “phó mặc” cần được học những kĩ năng sống thiết thực để lo cho chính bản thân mình. Trong số đó, kĩ năng tự nhận thức bản thân là một trong những kĩ năng quan trọng đầu tiên giúp học sinh biết mình là ai, mình cần làm gì, có thái độ sống như thế nào… để trở thành người có ích, tự lập, tự tin và trưởng thành trong một xã hội đầy biến động.

Giáo dục tự nhận thức bản thân là bước đầu hình thành một học sinh tự lập, trưởng thành
Giáo dục tự nhận thức bản thân là bước đầu hình thành một học sinh tự lập, trưởng thành.

Tự nhận thức bản thân – yếu tố tiên quyết tạo nên con người trưởng thành

12 năm học tập, đặc biệt 3 năm trung học phổ thông là một thời điểm quan trọng trong quá trình sống lâu dài và tạo ra bản sắc của một con người. Trong thời gian này, giáo dục để học sinh tự nhận thức mình là ai trong cuộc sống cũng quan trọng không kém. Giáo dục tự nhận thức sẽ giúp học sinh trung học phát triển nhận thức tích cực và đánh giá đúng mình trong mối quan hệ với con người và môi trường xung quanh.

Giáo dục tự nhận thức bản thân còn giúp học sinh có cơ hội khám phá và phát triển lợi ích cá nhân, thái độ, năng khiếu và hiểu được khái niệm sự nghiệp của cuộc đời. Trong công việc, học sinh sẽ hiểu được tầm quan trọng của phù hợp với lựa chọn nghề nghiệp cho các sở thích cá nhân  và làm thế nào để những sở thích đó có thể thay đổi theo thời gian do sự trưởng thành và kinh nghiệm.

Ở Việt Nam, chưa có nhiều trường trung học phổ thông có chương trình phát triển cá nhân, đi sâu hơn là chương trình dạy tự nhận thức cho học sinh. Trong số ít trường đó, trường THPT FPT là trường được biết đến có chương trình phát triển cá nhân được đầu tư khá kĩ lưỡng. Trong đó, môn học Tự nhận thức bản thân được đưa vào chương trình học của học sinh khối 10. Các em được tìm hiểu và lắng nghe chính mình cùng sự giúp đỡ của giáo viên phát triển cá nhân.

Đến thăm triển lãm “Who am I” – trưng bày sản phẩm của quá trình học môn Nhận thức bản thân của học sinh khối 10 THPT FPT, người xem thấy ở đâu đó sự khát khao khẳng định chính mình, sự đấu tranh giằng xé trong nội tâm, sự rụt rè… Không phải lúc nào phụ huynh cũng có dịp được lắng nghe, được cảm nhận con em mình ở một độ tuổi dễ đổi thay một cách chân thực như thế. Triển lãm đã chạm đến trái tim người xem và thực sự gây xúc động. Các em đã bỏ đi vỏ bọc của mình, để hiện hữu trần trụi, thật thà với bạn bè, thầy cô, cha mẹ.

Một số tác phẩm do học sinh khối 10 THPT FPT thực hiện tại triển lãm Who am I
 
Một số tác phẩm do học sinh khối 10 THPT FPT thực hiện tại triển lãm Who am I
 
Một số tác phẩm do học sinh khối 10 THPT FPT thực hiện tại triển lãm Who am I
Một số tác phẩm do học sinh khối 10 THPT FPT thực hiện tại triển lãm Who am I.

Cô Nguyễn Thị Phương – giáo viên bộ môn phát triển cá nhân của nhà trường chia sẻ: “Trong quá trình học tập chúng tôi đã lắng nghe và chia sẻ cùng các em để giúp các em tự nhận thức về bản thân mình. Có bạn khẳng định chắc nịch mình là lãnh đạo, mình là họa sĩ, có bạn cảm thấy đổ vỡ, có bạn đang loay hoay tìm ra mình là ai… Chúng tôi muốn trưng bày tất cả để phụ huynh, thầy cô và các bạn học sinh hiểu nhau hơn. Ở vai trò người làm giáo dục, chúng tôi không phán xét mà tôn trọng và giúp đỡ các em. Thông qua buổi triển lãm chúng tôi muốn truyền tải thông điệp mỗi học sinh phải công nhận, chấp nhận, yêu thương và tôn trọng bản thân mình và những người xung quanh”.

Phụ huynh chăm chú theo dõi các “sản phẩm” bộc lộ con người của học sinh.
Phụ huynh chăm chú theo dõi các “sản phẩm” bộc lộ con người của học sinh.
 
Có những bậc phụ huynh xúc động ghi lại dòng cảm xúc sau khi tham dự triển lãm
Có những bậc phụ huynh xúc động ghi lại dòng cảm xúc sau khi tham dự triển lãm.

Trong việc giáo dục tự nhận thức cho học sinh, giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng và phải là những người nhiệt huyết, biết lắng nghe, cởi mở, nhạy cảm. Ở mỗi trường cũng nên có bộ phận tư vấn tâm lý học đường để cùng học sinh chia sẻ và giải quyết các vấn đề hay gặp ở lứa tuổi này. Đặc biệt, mỗi gia đình và nhà trường cần thường xuyên trao đổi và phối hợp cùng quan tâm, lắng nghe con cái hơn nữa để hạn chế tối thiểu số lượng học sinh trong lớp “người lớn chưa trưởng thành”, giúp xã hội ngày càng phát triển.