Tuyển sinh ngoài ngân sách:

Học phí cao không làm giảm nhu cầu học trường “top”

(Dân trí) - Học phí đào tạo của sinh viên hệ ngoài ngân sách thường cao gấp 3, 4 lần so với sinh viên hệ chính quy. Dù học phí ở mức cao chót vót như vậy nhưng nhiều sinh viên khi biết mình đã đủ điểm trúng tuyển theo diện hệ ngoài ngân sách đã ngay lập tức bỏ trường mình đã trúng tuyển NV2 để quay trở về...

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện chủ trương giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường tự quyết và Bộ chỉ duyệt lại chứ không giao trực tiếp chỉ tiêu “trọn gói” như những năm trước.

 

7 trường ĐH được tuyển sinh ngoài ngân sách bao gồm: ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM. 

Vì đã giao chỉ tiêu cho các trường tự quyết nên khi duyệt lại, Bộ có yêu cầu các trường khi tuyển sinh không được vượt chỉ tiêu, trường học nào tuyển vượt sẽ bị nghiêm khắc xử lý. Cho dù vậy, nhưng vào lúc cao điểm nhất của việc xét tuyển,  Bộ GD đã cho phép 7 trường đại học tuyển sinh thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách với mức chỉ tiêu từ vài trăm lên đến vài ngàn.

 

Chẳng hạn như tại ĐH Kinh tế TPHCM, số thí sinh được gọi trúng tuyển thêm trong diện chỉ tiêu ngoài ngân sách đã lên tới  gần 2.000 thí sinh, trong khi chỉ tiêu hệ đào tạo chính quy của trường cũng chỉ là 5.000  chỉ tiêu.

 

Một điều rất dễ dàng nhận thấy cả 7 trường ĐH này đều là những trường ĐH vào hàng danh giá bậc nhất hiện nay trong hệ thống ĐH Việt Nam. Những thí sinh thuộc diện chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách phải tự túc 100% kinh phí học tập và không có hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài sự khác biệt về học phí thì  bằng cấp của hệ ĐH đào tạo ngoài ngân sách không có bất kỳ sự phân biệt nào so với bằng cấp của hệ ĐH chính quy.

 

Học phí đào tạo của sinh viên hệ ngoài ngân sách thường cao gấp 3, 4 lần so với sinh viên hệ chính quy. Chẳng hạn như tại trường ĐH Kiến trúc TPHCM, học phí diện này là 980.000 đồng/sinh viên/tháng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Dược là khoảng hơn 700.000đ/ tháng, ĐH Ngoại thương là 700.000đ/ tháng...

 

Dù học phí ở mức cao chót vót như vậy nhưng nhiều sinh viên thi vào trường đã trượt trong NV1, khi biết mình đủ điểm trúng tuyển theo diện hệ ngoài ngân sách đã ngay lập tức bỏ trường mình đã trúng tuyển NV2 để quay trở về.

 

Chẳng hạn như đối với trường ĐH Kinh tế TPHCM mức điểm chuẩn ngoài ngân sách là 20,5 đã có 1.956 thí sinh đăng kí theo học. Trên thực tế với mức điểm từ 20,5 trở lên nhiều thí sinh đều trúng tuyển NV2 vào các trường ĐH có uy tín như ĐH Bách khoa TPHCM (điểm chuẩn NV2 chỉ dao động trong khoảng từ 19-21,5 điểm); ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM (điểm chuẩn NV2 chỉ dao động trong khoảng từ 16-21 điểm).

 

Đối với các trường ĐH hàng đầu như Ngoại thương; Y Hà Nội… thì việc nhiều thí sinh thừa sức trúng tuyển NV2 nhưng vẫn quyết định học theo diện ngoài ngân sách được thể hiện rõ ràng hơn.

 

Như trường ĐH Ngoại thương thì với mức điểm chuẩn hệ ngoài ngân sách là 24,5 điểm (khối A) nhưng cũng đã hút hàng nghìn thí sinh đăng kí trong khi đó số thí sinh này thừa cơ hội trúng tuyển NV2 vào các trường khác như ĐH Công nghiệp, Quốc gia Hà Nội... Không những thế, nhiều thí sinh có mức điểm thấp hơn một chút đều cảm thấy nuối tiếc khi không có cơ hội theo học hệ này.

 

Như vậy, một vấn đề có thể nhận ra là dù học phí ĐH cao, thậm chí ở mức rất cao nhưng nếu mức học phí đó được đặt trong những trường hàng top, những nơi sinh viên “cảm thấy” sẽ được đào tạo trong một môi trường chất lượng tốt hơn, ưu việt hơn và bằng cấp ở đó sau này cũng sẽ có tương lai hơn thì họ sẵn sàng trả những “giá” rất cao để được theo học.

 

Mai Minh