Tiếng nói của học sinh TPHCM lần 4:

“Học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu”

(Dân trí) - Trong buổi đối thoại với lãnh đạo sở GD-ĐT TPHCM vào ngày 28/3, phần lớn trong số 60 ý kiến của học sinh đều trăn trở đến chương trình học. Thậm chí các em cho rằng chương trình nặng, học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu.

Hơn 150 học sinh (HS) đến từ các trường THPT trên toàn thành phố đã có dịp thẳng thắng nói lên những suy nghĩ, tâm tư của mình về những vấn đề học tập, sinh hoạt, mối quan hệ giữa thầy trò, ba mẹ... Đặc biệt, đa phần các em đều ý kiến rằng chương trình học hiện nay vẫn còn quá nặng về lý thuyết, nhiều áp lực cho HS.

Em Lê Trần Thanh Trúc, HS Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Gò Vấp) bày tỏ rằng mặc dù hiện nay đã giảm tải, giảm tiết nhưng chương trình học vẫn còn nặng về lý thuyết, HS ít có cơ hội được thực hành, kiểm nghiệm trong thực tế khiến không nhớ bài lâu. Hay như môn tiếng Anh chỉ nặng lý thuyết, thiếu những kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất. Muốn nâng cao kỹ năng bắt buộc nhiều bạn phải ra học ở trung tâm ngoại ngữ ngoài, nhưng với các bạn không có điều kiện thì đành chịu thiệt thòi. Vậy học tiếng Anh để làm gì khi không thể áp dụng thực tế?
 
“Học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu”
Học sinh TPHCM thẳng thắng bày tỏ những suy nghĩ của mình về chương trình học nhiều áp lực.
 
Cùng quan điểm này, em Phan Quốc Trí, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ý kiến rằng thời lượng chương trình học phân bổ chưa hợp lý. Đơn cử như môn Văn một tác phẩm được phân bố học 2 - 3 tiết nhưng thực tế phải học đến gấp đôi thời lượng mới hiểu hết được nội dung. Cũng như môn Lịch sử từ cấp 1 đến lúc học phổ thông đã được học với nội dung trùng lập lại khá nhiều. Điều quan trọng là học Sử để hiểu rõ tinh thần của dân tộc, học trọng tâm để nhớ sự kiện hơn là những con số, chi tiết khá lặt vặt mà HS chẳng nhớ được bao nhiêu. Còn môn ngoại ngữ trong sách giáo khoa còn lạc hậu, ít thú vị chưa phát huy hết các kỹ năng của môn này.

Em Trần Nguyễn Minh Thùy, HS Trường THPT Củ Chi thì cho rằng các môn học như Giáo dục công dân là môn học thiết thực để dạy làm người nhưng ở nước ta lại chỉ dạy 1 tiết/tuần mà lại khó hiểu, trừu tượng và không gắn với thực tế. Còn môn Tin học tại sao không ứng dụng những công nghệ hiện đại bây giờ mà chỉ dạy những chương trình khô, lạc hậu.

Trong khi đó, bạn Ngô Trọng Hiền, HS Trường THPT Gia Định bày tỏ băn khoăn: “Chúng em đến trường để học kiến thức nhưng chúng em cũng cần biết cách ứng dụng kiến thức đã học vào đời sống. Mặc dù được học nhiều môn nhưng phần ứng dụng lại gần như bỏ đi”.

Bên cạnh mong mỏi lãnh đạo Sở có phương án giúp giảm áp lực chương trình học, các em cũng cho rằng nên bổ sung các hoạt động ngoại khoá, rèn kỹ năng sống hơn là chỉ học và học. HS Lê Hoàng Định, Trường THPT Lê Minh Xuân (H. Bình Chánh) đặt vấn đề kỹ năng sống đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của giới trẻ nhưng tại sao kỹ năng sống chỉ mới phát triển là một hoạt động mà không trở thành tiết chính khóa trong hệ thống giáo dục.

Em Minh Thùy, Trường THPT Củ Chi kiến nghị rằng những chương trình giáo dục giới tính, tâm lý hiện còn quá xa vời. “Thầy cô chỉ mới dạy chúng em về lý tưởng sống còn những vấn đề thắc mắc của chính HS chưa được chưa đi vào thực tế, đôi khi thầy cô còn lãng tránh mà không giải đáp cho HS hiểu”, Minh Thùy cho biết.

Còn HS Nguyễn Huy Hiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An chia sẻ rằng:" HS chúng em học nhiều đến mức giống cái máy photo. Tại sao không kèm thêm học là những sân chơi, hoạt động ngoại khóa để chúng em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn?".

Lắng nghe các bức xúc của HS, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhìn nhận việc các em phản ảnh chương trình nặng nề có phần là do tâm lý xã hội đặt nặng vấn đề thi cử. Còn ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD- ĐT thì cho biết Sở sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các em để tạo điều kiện tốt nhất về môi trường học tập. Ông Sơn cũng động viên tinh thần các HS hãy tích cực trong học tập và rèn luyện.

Lê Phương