"Học không hành", ngược dòng thời đại 500 năm

Những gì thuộc về kỹ năng đều phải nhờ rèn luyện, lặp đi lặp lại phản xạ thành thạo. Muốn thế sinh viên phải có môi trường.

Nghĩa là sinh viên ngân hàng phải được làm việc trong ngân hàng ít nhất ba tháng/năm như sinh viên Pháp. Sinh viên ngành truyền thông phải vừa học vừa làm bán thời gian tại công ty truyền thông như sinh viên Đức. Sinh viên học về nông nghiệp phải tự tay trồng và nghiên cứu trên sản phẩm nông nghiệp của mình như sinh viên Nhật. Sinh viên khu vực Mỹ La-tinh, châu Âu, thậm chí là châu Phi đều rành nhiều ngoại ngữ (trong đó tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha là rất phổ biến) là nhờ học từ thuở lọt lòng.

Trong khi đó, sự che chở thái quá, nói đúng hơn là sự kìm kẹp quá mức của lớp lý thuyết dày cộm từ nền giáo dục “học-thi” đã làm cứng đơ phản xạ của sinh viên Việt Nam.

Trong quyển sách “Quốc gia khởi nghiệp”, nhóm tác giả Dan Senor & Saul Singer nói rằng: “Điều gì làm nên sự kỳ diệu của nền kinh tế Israel”, chính là môi trường giáo dục nước này.

Về chuyện học, sinh viên được cung cấp cái nhìn tổng quan về hiện trạng, nhu cầu xã hội của một lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, sinh viên phải có sự liên hệ sâu sắc giữa lĩnh vực học và công nghệ để có thể mang lại hiệu quả bất ngờ nhất.

Mục tiêu cốt yếu nhất của giáo dục là đào tạo ra những con người có định hướng về nhiệm vụ, có kỹ năng giải quyết vấn đề. Sinh viên bắt đầu bằng những nhiệm vụ đơn giản như tổ chức sự kiện tại một học viện hoặc một nơi công cộng. Công việc này đòi hỏi khả năng kết hợp giữa kỹ năng diễn thuyết, khả năng sử dụng thiết bị, cơ sở hạ tầng, hậu cần hay giao tiếp. Sau đó, sinh viên được yêu cầu tham gia vào các công việc phức tạp hơn, đòi hỏi khả năng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao hơn. Giới tinh hoa này hiện nay đều là những chuyên gia hàng đầu về học thuật, lẫn tập đoàn công nghệ của thế giới.

Trong khi đó, biện luận cho những “lùm xùm” của ngành giáo dục thời gian qua, người đứng đầu ngành giáo dục nói “đó là biểu hiện của tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục”.

Hóa ra chính Bộ Giáo dục cũng thụ động, thiếu khả năng giải quyết vấn đề “ảnh hưởng hội nhập” vốn đã được nêu lên cách đây gần 30 năm với biết bao công trình nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước. Vậy thì đòi đâu ra những sinh viên - “sản phẩm giáo dục” - có kỹ năng thực hành tốt?

Nếu xét từ thời triết gia Vương Dương Minh (1472-1528), người có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc canh tân Nhật Bản với thuyết tri hành hợp nhất, thì... ta ngược dòng thời đại đến 500 năm.
 
Theo V. Thiện
Pháp luật TPHCM