Bạn đọc viết:

Học chữ sớm không bằng dạy con cách tư duy

(Dân trí) - Năm nay con tôi kết thúc bậc tiểu học để chuyển sang bậc THCS. Trải qua những năm đồng hành cùng con, tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân. Trong đó nhận thức quan trọng nhất là dạy con học chữ sớm không bằng dạy con cách tư duy khi gặp một vấn đề mới cần giải quyết.

Hiện nay, nhìn các bậc phụ huynh đôn đáo cho con đi học thêm từ hè và còn quay cuồng với vũ điệu học thêm trong suốt cả năm học nhất là với những bé mới chỉ bắt đầu vào lớp 1, tôi lại càng muốn chia sẻ suy nghĩ của mình.


(Ảnh minh họa: Khánh Hiền)

(Ảnh minh họa: Khánh Hiền)

Giống như tâm lý chung của các ông bố bà mẹ khác, trước đây, tôi cũng vô cùng lo lắng trong năm đầu tiên con cắp sách đến trường, sợ con bỡ ngỡ không theo kịp các bạn, sợ bị cô giáo chê trách và sợ cả việc mình chưa quan tâm đủ đến con. Thêm nữa là tôi muốn con phải học giỏi ngay từ khi mới bắt đầu để tạo sự hứng khởi, yêu thích với việc học. Chính vì thế, dạy con học trước được xem như một giải pháp tất yếu, không có gì phải băn khoăn nhiều.

Và kết quả là lúc vừa mới chập chững bước vào lớp 1, con tôi đã có thể tự đọc được những đoạn văn ngắn hoặc những câu chuyện nhỏ trong sách. Ai cũng khen con tôi giỏi, mẹ dạy tài. Bao nhiêu kì vọng được đặt vào con… Thế nhưng, suốt năm lớp 1 đó, con lại không có gì nổi bật so với các bạn ở lớp, thậm chí, thỉnh thoảng còn bị cô chê là nói ngọng, viết chậm. Kết thúc năm học con cũng chỉ như tất cả các bạn khác là đều biết đọc và viết như nhau.

Qua đó, tôi mới thấm thía một điều cho con học trước, biết chữ sớm hơn các bạn cũng không giải quyết được gì. Vì học tập là một cuộc đua ma-ra-tông kéo dài, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì và sự hội tụ của nhiều yếu tố: trí tuệ, thể lực, tinh thần, chứ không phải hơn nhau một chút điểm xuất phát ban đầu. Sức học của mỗi người phải càng về sau mới càng hiện ra rõ nét và có tính quyết định cả cho cả hành trình.

Thế nên, thay vì muốn con biết chữ sớm để đứng đầu lớp, hãy lắng nghe, để ý quan sát cách tiếp thu vấn đề của con; xét xem mức độ nhận thức nhanh hay chậm; thích thú hay hờ hững, chủ động khám phá hay ù lỳ chờ câu trả lời từ người khác. Học trước mà không biết tư duy khi gặp một vấn đề mới thì chỉ là học vẹt, học tủ mà thôi. Thế nên, thay vì muốn con tỏa sáng ngay từ ban đầu bằng cách học trước, bố mẹ hãy dạy trẻ cách tư duy .

Khái niệm tư duy nếu xem xét trên góc độ khoa học thì rất phức tạp, nhưng hiểu một cách nôm na thì rất đơn giản. Đó chẳng qua là việc tìm ra cái mới dựa trên những hiểu biết về cái cũ và mối quan hệ giữa chúng.

Quá trình phát triển tư duy của trẻ nếu nhìn từ khía cạnh lý luận cũng rất phức tạp: từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ không hoàn thiện đến hoàn thiện. Nhưng dạy trẻ cách tư duy lúc ban đầu không hề khó, ai cũng có thể làm được. Cha mẹ là người gần gũi con hơn tất cả nên càng dễ dàng, thuận tiện hơn.

Đầu tiên hãy dành nhiều thời gian chơi với con để có cơ hội đặt cho con các câu hỏi ai, cái gì, như thế nào, tại sao lại thế. Qua đó, giúp trẻ động não suy nghĩ một cách tự nhiên, không gò ép.

Sau đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho con chơi các trò chơi trí tuệ như xếp hình, lắp ráp, cờ vua, cờ tướng… Nhiều bậc cha mẹ do bận việc mưu sinh hoặc không ý thức được tầm quan trọng của việc chơi nên hay bỏ qua điều này.

Đặc biệt nên rèn cho trẻ biết cách diễn đạt lưu loát điều muốn nói. Bởi ngôn ngữ là sự cụ thể hóa của tư duy. Chúng ta không thể tư duy nếu thiếu cái vỏ biểu đạt ngôn ngữ.

Sở dĩ con tôi học tốt ở những năm sau chính là do tôi đã rèn cho con khả năng tư duy ngay từ lúc nhỏ chứ nhất quyết không phải từ việc tôi dạy chữ trước.

Từ kinh nghiệm bản thân tôi khẳng định học chữ sớm mà nhận thức chỉ dừng lại ở việc biết chữ không thôi thì trong hành trình học tập sẽ nhanh chóng bị bỏ lại sau lưng. Những trẻ đã được rèn luyện về khả năng tư duy xuất phát điểm tuy có muộn hơn cũng không vấn đề gì, chỉ một thời gian ngắn là sẽ lại vượt lên trước. Có lẽ đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc trẻ con ở Việt Nam phải đi học nhiều, học sớm trước tuổi mà vẫn không giỏi hơn so với trẻ con ở những nước như Phần Lan, 7 tuổi mới đến trường.

Thiết nghĩ kinh nghiệm này không chỉ dành cho lớp 1 mà với tất cả các lớp khác đều như vậy. Thay vì cứ lao đi học thêm để được dạy trước kiến thức trên lớp, hãy để trẻ tự ngồi lại một mình để tư duy bài học mới dựa trên nền tảng những kiến thức cũ đã biết.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!