Hoảng vì học trò… dễ tin người lạ

(Dân trí) - Thiếu cảnh giác, cả tin nên không ít học trò vô tình “tiếp tay” cho kẻ xấu. Nhà trường có thắt chặt an ninh đến mấy cũng chưa đủ đảm bảo cho an toàn cho học sinh nếu như các em không được trang bị kỹ năng tự bảo vệ.

Người lạ như... thân

Tầm 10 giờ ngày thứ 6 (18/4), nhiều học sinh (HS) Trường tiểu học Yên Thế (Q. Bình Thạnh, TPHCM) sau giờ tan trường ủa ra cổng rồi ung dung thả bộ, đùa nghịch trên đường Lê Quang Định (Q. Bình Thạnh, TPHCM). Có em đi một mình hoặc đi theo nhóm vài ba bạn… 

Hai nữ sinh tiểu học này hồn nhiên đứng tiếp chuyện người lạ mà không có chút đề phòng, cảnh giác
Hai nữ sinh tiểu học này hồn nhiên đứng "tiếp chuyện" người lạ mà không có chút đề phòng, cảnh giác

Hoàn toàn là người lạ mặt nhưng chúng tôi tiếp cận với các em rất dễ dàng. Người lạ hỏi những câu như con học trường nào, tên gì, nhà ở đâu, bố mẹ làm gì... lẽ ra các em phải “đặt trong vùng nghi vấn” thì không ít em hồn nhiên đứng trả lời, chia sẻ thoải mái. Kể cả lúc phóng viên đeo khẩu trang kín mít, đột nhiên đến chặn đường “chất vấn”, học trò cũng không hề đề phòng hay từ chối. 

Nhiều em cho biết, việc lang thang ngoài đường sau giờ học như thế này diễn ra thường xuyên. Vì có bạn nhà gần đi bộ về, có bạn chạy nhảy trong lúc chờ bố mẹ đến đón.

Chỉ khi tôi đặt câu hỏi “Các con lang thang ngoài đường thế này, thầy cô, bố mẹ có dặn dò là phải cảnh giác với người lạ không?”, hai nữ sinh đứng “tiếp chuyện” từ nãy đến giờ mới ú ớ lắc đầu, đáp: “Tụi con không biết!”. Rồi như chột dạ, hai em vội bước đi nhanh, rẽ vào hẻm gần đó.

Không chỉ mỗi trường này, sau giờ tan trường ở nhiều trường học khác, việc tiếp cận với các em HS đều không quá khó.

Điều này phần nào lý giải chính sự thiếu đề phòng, cảnh giác và quá cả tin của các em đã tiếp tay cho nhiều vụ việc không hay từng xảy ra. Mới đây, một HS lớp 2 tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q. Gò Vấp, TPHCM), trong thời gian lẽ ra em đang ở trường học thì người nhà phát hiện em lang thang tại một địa điểm cách trường gần chục cây số.

Khi được gia đình đón về, cô học trò này mới cho hay, người đàn ông lạ mặt này đã lân la bắt chuyện với em một hai lần, nói là người quen của cha mẹ. Sau đó, khi nghe người đàn ông này “dụ” em đi lấy sữa do bố gửi, em hồn nhiên trèo lên xe và rồi bất ngờ bị thả tại một cây xăng ở Q.12.

Trước đó, tại Trường tiểu học Lê Văn Việt (Q.9), vào giờ tan học, một HS bị hai người phụ nữ khống chế, bịt miệng để lột đôi bông vàng đeo ở tai.

Thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân, HS ở bậc học lớn hơn cũng có nhiều nguy cơ thiếu an toàn
Thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân, HS ở bậc học lớn hơn cũng có nhiều nguy cơ thiếu an toàn.

Không chỉ ở bậc tiểu học mà ở ngay các em HS ở bậc học lớn hơn cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, do ở bậc học này, việc quản lý thời gian từ nhà trường và phụ huynh đã có phần “nới lỏng” hơn.

Các em có nhiều “khoảng trống” trong ngày ở tiệm Internet, la cà quán xá… trong giờ trưa chờ buổi học chiều hay lúc chờ đi học thêm, chờ phụ huynh đón…

Dạy trẻ tự bảo vệ mình

Bà Tôn Nữ Phương Thắm - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, Q. Gò Vấp cho hay vấn đề an ninh đang được trường quan tâm hàng đầu. Đầu giờ các cô phải điểm danh để nắm được sĩ số lớp, em nào không có mặt lập tức báo cho gia đình. Thời gian ở trường, các em chỉ qua được cổng bảo vệ khi có giấy đồng ý từ ban giám hiệu.

Tuy nhiên, bà theo bà Thắm, trường không chủ động được hoàn toàn những tình huống như giờ đón trẻ, sẽ phải mở cửa cho phụ huynh ra vô, khó kiểm soát được từng em; hơn nữa nhiều HS nhà gần trường, phụ huynh đồng ý cho con tự đi về hàng ngày... trường không quản lý hết được. 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh nội dung về kỹ năng tiếp xúc với người lạ trong các tiết học về kỹ năng sống cho các em”, bà Thắm cho hay.

Bà Nguyễn Kim Cúc - Hiệu trưởng Trường mầm non Trí Đức (Q. Tân Phú) cho biết, đầu năm học, trường làm thẻ đưa đón trẻ cho phụ huynh. Những người thân thay bố mẹ đến đón trẻ phải mang theo thẻ này và GV còn gọi điện để xác nhận lại với phụ huynh để kiểm tra thêm về đặc điểm của người đón trẻ.

Với trẻ nhỏ, phụ huynh và nhà trường phải kiểm soát chặt việc đưa đón
Với trẻ nhỏ, phụ huynh và nhà trường phải kiểm soát chặt việc đưa đón.

Ngoài ra, trong chương trình học của trẻ 3 tuổi trở lên có nội dung giáo dục trẻ không đi, không nhận đồ ăn đồ uống từ người lạ và trang bị cho trẻ nhớ tên trường, số điện thoại bố mẹ.

Người này cho rằng, những kỹ năng ứng phó người lạ, bảo vệ bản thân cần được nhắc nhở thường xuyên vì mỗi lứa tuổi có những nguy cơ khác nhau. Nhất là ở tuổi mới lớn, nguy cơ không ít khi mà sự giám sát của gia đình và nhà trường không còn chặt như tuổi nhỏ, các em cũng ít được trang bị các kiến thức ứng phó với người lạ hơn. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý - Hội trưởng Hội quán Các bá mẹ cho rằng cuộc sống bây giờ phức tạp với rất nhiều mối nguy cơ bủa vây trẻ nhỏ. Gia đình và nhà trường cùng phải kết hợp chặt chẽ trong việc quản lý trẻ và đặc biệt phải trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân.

Chuyên gia này đánh giá, các em HS thường rất hồn nhiên, ít khi lường được những nguy cơ quanh mình. Các em dễ bị dẫn dụ với những lời trò chuyện, những món quà từ người khác mà ít khi nghi vấn vì sao họ lại đến cho mình thứ cái gì đó. Không riêng gì chuyện bắt cóc mà sự dẫn dụ trong cuộc sống còn nhiều khía cạnh như lừa tiền bạc, rủ rê chơi bời, hay thậm chí lạm dụng tình dục…

Phụ huynh thường có tâm lý mình sẽ bao bọc được con nhưng không ai có thể theo sát con 24/24 và nguy cơ thì có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi, cả nơi không ai ngờ đến. Khi các em ở nhà một mình, nhiều đối tượng như người mạo danh từ thiện, bán hàng, thu tiền điện, tiền Internet… đến tiếp cận. Đôi khi sự thiếu đề phòng của các em đã tạo điều kiện cho người xấu nảy sinh lòng tham, thú tính.

Theo bà Thuý, cha mẹ phải kiểm soát được thời gian sinh hoạt hàng ngày của con. Cùng với nhà trường cho trẻ thấy những “mảng tối” có thực trong cuộc sống. Giúp các em hiểu được không ai tự nhiên đến cho mình cái gì đó, nhất là món quà mang giá trị vật chất và cần có tinh thần cảnh giác với những lời đề nghị xung quanh.

“Chúng ta không nên quá cứng nhắc, hù doạ làm trẻ mất niềm tin mà phải giúp con hiểu trong những tình huống nào, những người nào cần đề phòng. Nếu được trang bị tốt, trẻ sẽ phân biệt được tình huống tốt xấu”, bà Thuý nói thêm.

Hoài Nam