Hiệu trưởng là người quyết định chất lượng giáo dục đại học

(Dân trí) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định như vậy tại Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới giáo dục đại học 2010- 2012 tổ chức ngày 6/3.

 
Hiệu trưởng là người quyết định chất lượng giáo dục đại học - 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị
 
23 năm tỉ lệ Tiến sĩ  không thay đổi

Tại hội nghị cầu truyền hình trực tiếp tại 6 điểm: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ với gần 1.400 đại biểu trên cả nước về triển khai Chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới giáo dục ĐH 2010- 2012.  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói rằng: “Tại sao đổi mới giáo dục đại học lại khó như vậy? chất lượng yếu kém của giáo dục đại học kéo dài trong thời gian qua lại bền vững đến như vậy? Bộ mong muốn thay đổi, trường đại học mong muốn thay đổi nhưng tại sao không chuyển biến? Chúng ta có thay đổi chất lượng giáo dục đại học nhưng chưa sát, chưa tạo ra được sức bật. Đó là do chúng ta chưa nhận thức và hành động đúng quy luật”.

Ông Nhân dẫn chứng, vừa qua chúng ta đã làm những việc như nâng cao trình độ giảng viên, nhưng tại sao 23 năm tỉ lệ giảng viên là tiến sĩ vẫn là 11% không tiến bộ chút nào; Yêu cầu phải có đủ giáo trình dạy nhưng vừa qua tình trạng thiếu giáo trình vẫn sảy ra ở các trường; yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công nghệ thông tin, nhiều trường làm rất tốt nhưng nhiều trường thiếu công nghệ thông tin, phân cấp quản lý chưa hợp lý... nhưng các trường không làm sao, vẫn hoạt động bình thường. Do vậy, nếu cứ để tình trạng như thế này mà trong những năm tới tiếp tục phát triển các trường đại học lên đến 500 trường đại học, sẽ không có lối ra.

Phó Thủ tướng Nhân cũng biết, từ trước tới nay chưa có ai đánh giá trường đại học nào tốt hay chưa tốt và hàng năm bộ cũng không có văn bản nào đánh giá hiệu trưởng làm tốt hay không tốt. Hiệu trưởng có quyền quản lý, đánh giá hàng trăm giáo viên, hàng nghìn sinh viên nhưng không ai đánh giá lại hiệu trưởng và chỉ có ngang cấp đánh giá.

Một hệ thống quản lý không có đánh giá cấp trên và cấp dưới thì làm sao tốt được đó là vi phạm quy luật quản lý. Bên cạnh đó, các trường yêu cầu giảng viên phải giảng dạy tốt, đổi mới phương pháp, tăng cường nghiên cứu khoa học, nhưng khi họ đã làm tốt rồi thì thu nhập hầu như cũng không tăng tương ứng, đó là vi phạm quy luật về đối xử với cá nhân. Hơn nữa, việc áp dụng cơ chế trả lương khuyến khích, không ai làm việc này tốt hơn hiệu trưởng - ông Nhân cho hay.

Tăng tính tự chịu trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý cao nhất để giúp ngành GD-ĐT nâng cao và phát triển hệ thống giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 và tán thành, ủng hộ đánh giá cao Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học.

Tuy nhiên, để thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học, nhiều đại biểu cho rằng, quan trọng hàng đầu là xây dựng chiến lược phát triển để có con đường đi và mục tiêu phấn đấu rõ ràng trong từng giai đoạn. Tiếp theo là xây dựng hệ thống các văn bản để các trường cụ thể hóa các văn bản này trong quá trình điều hành quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế: "Hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy còn thiếu, không phù hợp với thực tiễn, chủ trương trong vấn đề quản lý chưa nghiêm dẫn đến việc chấp hành quy định của cấp trên chưa tốt. Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân công còn chậm chễ; kiểm định chất lượng, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ giảng dạy, vấn đề giáo trình… cũng vô cùng quan trọng nhưng chứng ta làm chưa quyết liệt”

Ông Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị: “Cần có chế tài gắn chất lượng với tự chủ, tự chủ như thế nào để có chất lượng; phải có tiêu chí đánh giá, cơ quan kiểm định chất lượng độc lập để giám định chất lượng một cách công bằng, khách quan và được xã hội thừa nhận”.
 
Phó Thủ tướng Nhân yêu cầu trong 3 tháng tới, ngành giáo dục phải giải quyết câu hỏi: “Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì phải đảm bảo chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học?”.
 
Do vậy, Bộ yêu cầu 15/5/2010, sẽ tổ chức hội nghị các vùng, Hiệu trưởng các trường phải gửi về Bộ cam kết thực hiện nâng cao chất lượng; chương trình 3 năm quản lý và chiến lược phát triển 5 năm của trường. Trách nhiệm của Bộ hoàn thành 23 văn bản liên quan đến hoạt động cơ sở giáo dục và Bộ.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng:  "Hướng tới chất lượng một cách thực tiễn, không ngừng nâng cao là con đường và cơ chế phát triển. Tuy nhiên, việc này một mình ngành Giáo dục không làm được mà phải có sự tham gia của chính quyền các cấp, của các Bộ khác, Đoàn thanh niên cùng 6 vạn thầy cô và 1,7 triệu sinh viên. Nếu làm tốt được những việc này, tôi tin rằng chất lượng giáo dục đại học sẽ thay đổi".

 Hồng Hạnh