Hà Tĩnh: Nỗi lo trên những chuyến đò chao đảo

(Dân trí) - “Chưa bị chết đuối nhưng ngã xuống sông thì không biết bao nhiêu lần”, một cậu bé học sinh lớp 3 tại trường Tiểu học Đức Liên (xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã trả lời chúng tôi như thế khi được hỏi về việc hàng ngày đi học trên những chuyến đò tại đây.

Toàn xã Đức Liên có 2.700 hộ dân chia thành 6 xóm, thì chỉ riêng 2 xóm Liên Châu và Liên Hòa đã chiếm gần một nửa dân số với 216 hộ và hơn 1.300 nhân khẩu. Cuộc sống như một ốc đảo phía bên kia con sông Ngàn Sâu.

Từ nhiều năm qua, câu chuyện đi học trên những chuyến đò chẳng còn xa lạ với những học sinh tại bến đò thôn Liên Hòa và Liên Châu.

Cứ cấp học này sang cấp học khác, con đường đến trường duy nhất của hàng trăm học sinh là khúc sông dài hơn 200m.

Từ sáng sớm, em Đào Thị Thư (học sinh trường THPT Cù Huy Cận) đã lật đật ăn sáng rồi vội vàng đạp xe để kịp chuyến đò đến trường. Không chỉ riêng Thư mà đứa trẻ nào đến tuổi đến trường cũng như vậy vào mỗi buổi sáng. Vừa đến bến, Thư nhanh chân leo lên đò, những đứa trẻ khác cũng vội vàng kiếm một chỗ để ngồi. Chỉ gần 10 phút sau, cả chuyến đò đã đầy ắp, chực chao đảo một lúc nhưng may mắn nó vẫn sang sông an toàn.


Khúc sông thôn Liên Châu (xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Khúc sông thôn Liên Châu (xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

 

“Phải đến sớm không thì muộn học mất, bình thường cứ 5h30 đến 6h là phải có mặt ở bến đò không thì phải đợi đò lâu lắm”, Thư nói.

Mỗi ngày, Thư phải đạp xe gần 1km đến bến đò, rồi đạp xe hơn 7km để đến trường học. Trung bình, thời gian Thư từ nhà đến trường mất gần 1h đồng hồ. Nhưng đó là những ngày Thư nói là “may mắn”.

Bởi để qua bên kia sông cũng chẳng hề đơn giản. Sóng nhỏ, nước không xoáy, nhưng bà Nguyễn Thị Vân (57 tuổi) - người lái đò hơn 20 năm tại bến đò thôn Liên Hòa, phải rất chật vật mới có thể đưa con đò đi đúng hướng. Không phải chèo thẳng mà bà phải theo xuôi con nước, trượt một khoảng dài rồi mới chầm chậm đưa đò sang bên sông. Cũng chính vì vậy mỗi lần đò, phải mất từ 20 đến 30 phút mới sang được khúc sông dài hơn 200m.

“Đây là nước bình thường chứ mùa nước dâng xoáy nước, phải mấy cả tiếng chưa sang được. Chỉ tội cho mấy đứa học sinh, tui chèo đò mà cũng thấy sốt ruột…”, bà Vân cho biết.

Một tốp học sinh trường tiểu học Đức Liên đứng chờ đò
Một tốp học sinh trường tiểu học Đức Liên đứng chờ đò

 

Trên đò, ngoại trừ những học sinh Tiểu học và Trung học cơ sơ sở được trang bị cặp phao thì không có phương tiện bảo hộ khác. Những chiếc cặp phao này cũng vừa được trang bị trong giữa tháng 5/2015 vừa qua.

Ông Trần Văn Minh, Hiệu trưởng trường tiểu học Đức Liên cho biết: Trường có gần 40 em học sinh thường xuyên phải đi học bằng đò ngang. Chuyện muộn học vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng cũng phải rất thông cảm cho các em. Nhưng khổ nhất là mùa lũ các em vẫn thường phải nghỉ học. Nhiều khi trường chưa ngập nhưng phải cho các em nghỉ học vì nước sông lên cao, đi học hết sức nguy hiểm. Như đợt lũ vừa rồi, các em nghỉ 3 ngày, nhà trường phải tổ chức học bù”.

Cặp phao - phương tiện bảo hộ duy nhất trên đò ngang
Cặp phao - phương tiện bảo hộ duy nhất trên đò ngang

 

Hai thôn Liên Hòa và Liên Châu hiện có có gần 300 em học sinh từ mầm non đến cấp 3 phải đi học bằng đò ngang.

Không chỉ học sinh mà người dân vẫn thường xuyên qua lại khu vực này để canh tác.

Hiện nay, ngoài đất canh tác của người dân “ốc đảo”, thì hai thôn Tân Lệ và Bình Quang cũng canh tác bên kia sông với hơn 100ha ruộng, 140ha đất màu và 900 ha rừng.

Để thuận tiện đi lại, ở mỗi thôn, người dân phải thuê chung một chiếc đò vừa phục vụ làm ăn vừa học sinh đi lại.

Chính vì vậy, đến mùa thu hoạch, canh tác, xảy ra không ít chuyện dở khóc dở cười. Khi mùa thu hoạch, người dân phải chuẩn bị xe cho trâu kéo rồi chất nông sản. Đồ đạc lỉnh kỉnh, chiếm nhiều diện tích nên nhiều lần tài sản, người dân trong đó có học sinh bị rơi xuống sông.

Nhanh chân leo lên đò khi vừa cập bờ
Nhanh chân leo lên đò khi vừa cập bờ

 

Vào khoảng tháng 5/2015, em Võ Bá Quốc Đạt (thôn Liên Hòa) đã bị ngã xuống sông khi đang có vớt dép. May mắn, Đạt có cặp phao nên nên không bị chìm chỉ bị nước cuốn đi cách khu vực bị gần 20 mét. Sau đó em được người dân vớt lên.

Đạt không phải là trường hợp duy nhất, bởi các em học sinh khi được hỏi đều cho biết, rất nhiều em cũng rơi vào tình huống tương tự rất nhiều lần.

Nhiều học sinh cho biết việc ngã xuống sông vẫn xảy ra trên những chuyến đò này.
Nhiều học sinh cho biết việc ngã xuống sông vẫn xảy ra trên những chuyến đò này.

 

Dù chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc trong những năm gần đây, nhưng việc đi học bằng đò ngang trên khúc sông rộng tại xã Đức Liên đang tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.


Sau khi lên bờ, em Đào Thị Thư phải đạp xe hơn 7km để đến trường. Thời gian từ nhà tới trường của Thư mất gần 1h đồng hồ.

Sau khi lên bờ, em Đào Thị Thư phải đạp xe hơn 7km để đến trường. Thời gian từ nhà tới trường của Thư mất gần 1h đồng hồ.

“Văn bản thì chúng tôi gửi kiến nghị rất nhiều rồi. Gần đây, có đoàn về khảo sát để làm cầu treo theo đề án của Bộ GTVT nhưng xã Đức Liên không đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do khoảng cách 2 bên là 219m, trong khi cầu treo dân sinh chỉ 200m trở xuống. Nếu cầu treo không được thì chúng tôi cũng rất mong có một cây cầu bằng bê tông để phục vụ bà con”, ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Liên cho biết.

Bà Nguyễn Thị Vân - người chèo đò tại thôn Liên Hòa hơn 20 năm chỉ mong muốn mất nghề để có được một cây cầu.
Bà Nguyễn Thị Vân - người chèo đò tại thôn Liên Hòa hơn 20 năm chỉ mong muốn mất nghề để có được một cây cầu.

 

Mong mỏi có một cây cầu, chính bà Vân cũng tâm sự với chúng tôi: “Không làm nghề này thì tui làm nghề khác, chứ mong lắm có cây cầu cho các cháu đi học. Tui chèo đò đây hơn 20 năm, nhưng cứ mỗi lần chèo vẫn cứ nơm nớp lo lắng”.

Phượng Vũ

(hothiphuong@dantri.com.vn)