Hà Nội: Nghiêm cấm dạy chương trình kỹ năng sống chưa được thẩm định

(Dân trí) - Nghiêm cấm các trường học và các cơ sở giáo dục cho phép hoặc liên kết với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống chưa được thẩm định vào giảng dạy chính khoá, ngoại khoá và tổ chức các hoạt động trong nhà trường .

Sở GD-ĐT Hà Nội quy định, việc thẩm định chương trình trước khi triển khai phải được sự cho phép của Bộ GD-ĐT, của Sở GD-ĐT Hà Nội. Các trường học và các cơ sở giáo dục thực hiện tốt chương trình giáo dục kỹ năng sống cho HS, SV được Bộ GD-ĐT chỉ đạo lồng ghép trong các môn học và chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đối với Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện bộ tài liệu giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh thủ đô đã được Sở triển khai từ năm học 2011 - 2012. Đây là một trong những hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội về thực hiện công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học năm học 2012-2013.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý, năm học 2012 - 2013 đang đến gần, các nhà trường và các cơ sở giáo dục đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh tựu trường bước vào khai giảng năm học mới. Qua theo dõi, chỉ đạo cập nhật các thông tin từ cơ sở, hiện nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân với nhiều danh nghĩa khác nhau liên hệ với các nhà trường và các cơ sở giáo dục để thực hiện quảng cáo bằng các hình ảnh, pa nô, áp pích và các sản phẩm bằng hiện vật như nước uống, lương thực, thực phẩm, rau xanh, hoa quả, đường, sữa, bánh kẹo, dịch vụ xuất ăn sẵn, trang phục, sách, vở, đồ dùng bút, mực, túi sách, cặp sách... gây mất mỹ quan, phản tác dụng giáo dục, ảnh hưởng tới cảnh quan sư phạm trong trường và xung quanh khu vực trường đóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho HSSV.

Chính vì thế yêu cầu các trường THPT, thực hiện nghiêm túc Quy định của UBND thành phố và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin truyền thông về thông tin quảng cáo. Tuyệt đối không để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được quảng cáo bằng các hình ảnh, pa nô, áp pích và các sản phẩm bằng hiện vật mà chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trong trường và xung quanh khu vực trường đóng làm ảnh hưởng tới cảnh quan sư phạm trong trường và khu vực cổng trường.

Các nhà trường và các cơ sở giáo dục chỉ được phép treo các khẩu hiệu, pa nô, áp pích của ngành quy định và các khẩu hiệu, pa nô, áp pích phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Chính quyền địa phương. Nội dung tuyên truyền trên các pa nô, áp pích, khẩu hiệu trong các nhà trường và các cơ sở giáo dục phải rõ ràng, chính xác. Thủ trưởng cơ quan, các trường học chịu trách nhiệm về nội dung theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến quy định trang phục đồng phục cho HS, SV, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh: Quy định trang phục đồng phục cho giáo viên, HS, SV được Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm qua. Mục đích của việc thực hiện trang phục đồng đồng phục cho HS, SV nhằm giáo dục truyền thống của nhà trường với HS, SV, các em tự hào được mang trang phục đồng phục “thương hiệu” của trường khi tới trường. Đây còn là biện pháp giáo dục đạo đức cho HS, SV và giúp các cơ quan, đoàn thể chính trị địa phương và mọi người dân xác định rõ nhân thân HS, SV khi các em có hành vi vi phạm pháp luật.

Việc thực hiện tuỳ theo khả năng, điều kiện kinh tế của cha, mẹ HS, SV từng vùng, miền và phải có sự thống nhất cao của cha, mẹ HS, SV; khi thực hiện các đơn vị phải đảm bảo đúng phương thức mua sắm, đúng kích cỡ, màu sắc, logo của trường, giá cả, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định của tài chính; đảm bảo công khai, dân chủ; Phấn đấu để có được trang phục đồng phục cho HS, SV sử dụng trong tất cả các buổi học trong tuần và đảm bảo quần áo mặc theo mùa phù hợp với điều kiện thời tiết của Việt Nam.

“Đây là những vấn đề dễ gây bức xúc trong dư luận xã hội ở thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới. Chính vì thế, các nhà trường và các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện những quy định trên, góp phần tạo ra không khí vui tươi phấn khởi bước vào năm học mới 2012 - 2013” - lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay.

Nguyễn Hùng